Thế giới đang ở giữa cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất
Những thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động trong đại dịch Covid-19 Ấn Độ phá mọi kỷ lục trong 4 ngày liên tiếp, y tế thiếu trầm trọng WHO: Tình hình dịch Covid-19 ở Ấn Độ “vượt quá sự đau lòng” |
Thế giới ghi nhận trên 154 triệu ca mắc Covid-19 (Ảnh: CNN) |
Nhiều điểm nóng Covid-19
Một năm trước, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh rằng tiếp cận toàn cầu sẽ là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng.
Đến nay, 12 tháng trôi qua, bức tranh Covid-19 đã có nhiều thay đổi. Những cảnh tượng ở Ấn Độ, nơi các bệnh viện bị quá tải bởi số ca mắc bệnh Covid-19 tăng vọt và hàng nghìn người chết vì thiếu oxy, cho thấy những cảnh báo đã không được các quốc gia chú ý.
Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là điểm nóng Covid-19 duy nhất trên toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu phong tỏa đất nước lần đầu tiên vào thứ 5 (ngày 29/4) khi ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm hiện đang cao nhất ở Châu Âu.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Iran khi nước này ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 hàng ngày cao nhất từ đầu dịch cho đến nay. Nhiều thị trấn, thành phố phải đóng cửa để hạn chế dịch lây lan. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, quốc gia này đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư.
Bức tranh Covid-19 trên khắp Nam Mỹ cũng ảm đạm. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Brazil với hơn 14,5 triệu ca nhiễm Covid-19 đã được xác nhận và gần 400.000 ca tử vong. Brazil tiếp tục là quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên một triệu người mỗi ngày cao nhất thế giới.
Khu vực Đông Nam Á vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, tất cả nước ASEAN đều ghi nhận ca mắc Covid-19 mới.
Trong ngày 3/5, Philippines và Malaysia ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới Covid-19, trong khi Indonesia thông báo đã phát hiện một số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại thủ đô Jakarta. Từ đầu tháng 4 vừa qua, Thái Lan cũng đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba, gây ra nhiều sức ép cho hệ thống y tế nước này.
Đại diện WHO cho biết, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng tuần thứ 9 liên tiếp và số ca tử vong tăng tuần thứ 6 liên tiếp. “Nói một cách tổng thể, số ca bệnh trên toàn cầu tuần trước nhiều như trong 5 tháng đầu tiên của đại dịch”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.
Bài học từ sự lơ là, chủ quan
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ. Tuy nhiên, nguyên nhân của làn sóng mới này phần lớn do yếu tố chủ quan, lơ là của người dân.
Trong thời điểm từ cuối năm 2020 và hai tháng đầu năm 2021, khi tình hình dịch Covid-19 có xu hướng lắng xuống, nhiều hoạt động trở lại gần như bình thường.
Bức ảnh chụp cảnh nhân viên tổ chức phi chính phủ cầu xin một người đàn ông hãy đeo khẩu trang phòng tránh Covid-19 tại Ấn Độ, ngày 23/4 (Ảnh: AFP) |
Sự vội vàng của dân chúng trở lại với nhịp sống bình thường đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Người Ấn Độ bắt đầu hòa mình sâu hơn trong các hoạt động xã hội và coi nhẹ mối đe dọa.
Bất chấp số ca nhiễm gia tăng, hàng loạt cuộc tụ họp tại nơi công cộng vẫn được tổ chức, với sự tham gia của hàng chục nghìn người chen chúc và không đeo khẩu trang…
Các trận đấu thể thao với hàng chục nghìn khán giả lấp đầy các sân vận động được phép diễn ra và rạp chiếu phim hoạt động hết công suất.
Mỗi ngày có hàng chục ngàn tín đồ Hindu xuống sông Hằng ngâm mình nhân lễ hội hành hương Kumbh Mela ở Haridwar, bang Uttarakhand.
Đến khi ca bệnh tăng vọt, các biện pháp phong tỏa, kiểm soát dịch được áp dụng thì lại quá chậm chạp, thiếu quyết liệt. Thực tế đau buồn này đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với phần còn lại của thế giới về nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát bất cứ lúc nào và gây ra những thảm kịch khôn lường.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Châu Âu, ông Hans Kluge cảnh báo: “Các biện pháp bảo vệ cá nhân được nới lỏng, có hoạt động tụ tập đông người, khi xuất hiện nhiều biến thể lây lan nhanh hơn và công tác tiêm chủng vắc-xin còn thấp… có thể tạo ra một “cơn bão lớn” ở bất kỳ quốc gia nào”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Brazil. Từ khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền liên bang Brazil đã nhiều lần hạ thấp sự nguy hiểm của virus. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kêu gọi người dân tiếp tục cuộc sống bình thường. Ông cũng từng là người liên tục chỉ trích các biện pháp hạn chế cũng như yêu cầu đeo khẩu trang phòng dịch.
Sự mất cân bằng vắc-xin
Trong khi một số nước phương Tây đang hướng tới cuộc sống bình thường trở lại trong những tuần tới, thì bức tranh toàn thế giới vẫn còn rất thảm khốc. Theo số liệu của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ hôm 30/4, mọi người từ 16 tuổi trở lên đều đủ điều kiện để tiêm vắc-xin và khoảng 30% dân số Mỹ đã được tiêm vắc-xin đầy đủ.
Nước Anh cũng thực hiện tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho những người khỏe mạnh trong độ tuổi 40. Quốc gia này sẽ tiêm ít nhất một liều vắc-xin cho tất cả những người cao tuổi và những người dễ bị tổn thương.
Hơn một nửa dân số Israel đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19 và nước này đang dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế.
COVAX, sáng kiến chia sẻ vắc-xin giá rẻ cho các nước thu nhập thấp hiện là hy vọng duy nhất để nhiều quốc gia đang phát triển tiếp cận vắc-xin.
Khoảng 30% dân số Mỹ đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, chương trình COVAX phụ thuộc vào nguồn vắc-xin do Ấn Độ sản xuất. Trong khi đó, quốc gia Nam Á phải ưu tiên nhu cầu trong nước, nên tiến độ phân phối vắc-xin của COVAX cũng gặp phải vấn đề.
Đến đầu tháng 4, trong số hơn 700 triệu liều vắc-xin được phân phối toàn cầu, chỉ 0,2% đến được các nước thu nhập thấp. Ngược lại, các nước thu nhập cao và trung bình cao nắm giữ 87% lượng vắc-xin của thế giới.
Ở các nước thu nhập thấp, hơn 500 người mới có một được tiêm vắc-xin. Trong khi ở các nước thu nhập cao, cứ 4 người thì có một được tiêm vắc-xin. Đây là sự tương phản mà Tổng Giám đốc WHO gọi là “bất bình đẳng gây sốc”.
Ông Tedros chia sẻ: “COVAX thực sự có ích. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả của chương trình, mọi quốc gia cần thể hiện cam kết chính trị và tài chính, tài trợ toàn lực cho COVAX để chấm dứt đại dịch”.
Trong khi nhiều quốc gia giàu có sẵn sàng cam kết tài trợ vật chất cho COVAX song lại chưa sẵn lòng viện trợ bằng vắc-xin.
Tuần trước, Pháp là quốc gia đầu tiên quyên góp vắc-xin AstraZeneca từ nguồn cung nội địa của mình cho COVAX.
Mỹ cũng tuyên bố sẽ quyên góp 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca trong vài tháng tới sau khi xem xét về tính an toàn của loại vắc-xin này.