Thêm “cú hích”, tạo niềm tin mạnh mẽ cho kiều bào
Mục tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp với xu thế phát triển
Bà Nguyễn Thị Liên, hiện đang là giáo viên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Việt tại Malaysia, "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2023 bày tỏ vui mừng với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô khi thông tin về việc Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được lan tỏa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo bà Liên, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa ban hành đã xác định rõ tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với sự phát triển của đất nước. Nghị quyết có nội dung cụ thể, rõ ràng và phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam hiện nay trong bối cảnh chung của thế giới.
Trước hết, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định rõ vai trò của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia “Là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Thứ hai, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị rất cụ thể, rõ ràng về mục tiêu phát triển: Đến 2030: “Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến”.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Liên, kiều bào Malaysia tại sự kiện Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ đại diện người Việt Nam tiêu biểu các nước ASEAN (Ảnh: NVCC) |
Tầm nhìn đến 2045: “Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến; Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam”.
Song điều quan tâm nhất đối với bà Liên là, trong mục III.4. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống; có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế”.
“Tôi thấy đây chính là “bước đột phá” trong chính sách thu hút và trọng dụng người tài của Đảng và Nhà nước. Khi có một môi trường làm việc tốt, có nhiều ưu đãi thì chắc chắn sẽ hấp dẫn người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao trở về”, bà Nguyễn Thị Liên nói.
Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Được thành lập từ năm 2011 tại Pháp, đến nay mạng lưới của Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) do GS.TS Nguyễn Đức Khương làm Chủ tịch, đã có mặt ở trên 20 quốc gia với khoảng 10 nghìn hội viên là các trí thức mong muốn đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam.
![]() |
GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu trao đổi với phóng viên (Ảnh: Nguyễn Thủy) |
AVSE Global thu hút và gắn kết sức mạnh trí tuệ tập thể của đội ngũ này qua những báo cáo chính sách, tư vấn chiến lược ở trung ương và địa phương, đào tạo quản lý cấp cao, các diễn đàn chuyên môn và các chương trình nghiên cứu phát triển. Tất cả hoạt động này đều hướng đến mang lại hiệu quả đột phá về phát triển bền vững cho Việt Nam.
Đặc biệt, với cương vị thủ lĩnh, GS.TS Nguyễn Đức Khương cùng các thành viên của AVSE Global đang xây dựng các nền tảng để chuyển hóa tri thức khoa học toàn cầu thành những kiến thức phục vụ trực tiếp sản xuất kinh doanh và tiến bộ xã hội.
AVSE Global thường niên tổ chức cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth với mục tiêu tạo ra một sân chơi tìm kiếm giải pháp đổi mới cho Việt Nam, cũng như tạo diễn đàn về người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF).
GS.TS Nguyễn Đức Khương chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là phát huy hết sức mạnh người Việt đóng góp vào sự phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước. VGLF là một chiến lược thu hút nhân tài, xây dựng nguồn lực cần thiết cho Việt Nam trong nền kinh tế tri thức. Mỗi sự kết nối dựa trên tri thức, sáng tạo và trí tuệ tập thể sẽ là chìa khóa đưa đến những cộng hưởng nguồn lực vô tận”.
Vì thế, GS.TS Nguyễn Đức Khương tin rằng, với Nghị quyết 57, chắc chắn, những mạng lưới trí thức, khoa học như AVSE Global sẽ có nhiều cơ hội cống hiến trí tuệ cho đất nước, thu hút nhiều trí thức kiều bào về nước sinh sống, làm việc.
![]() |
Anh Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại LB Nga |
Theo anh Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại LB Nga, trước đây Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN đã khơi thông nguồn lực kiều bào.
Sau đó, Nghị quyết 45-NQ/TW cùng với Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” được Chính phủ phê duyệt trong năm 2023 đều chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước với những cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài.
“Với Nghị quyết 57, kiều bào càng được củng cố thêm niềm tin về chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với những người con xa xứ, đặc biệt là khẳng định thông điệp coi kiều bào là nguồn lực vô cùng quan trọng trong sự phát triển của đất nước, góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Tôi tin rằng, tới đây sẽ có một làn sóng kiều bào về nước để làm việc và cống hiến cho quê hương”, anh Thuận cho biết.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Thúc đẩy hợp tác với Anh trong đào tạo nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính quốc tế

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ các nước trình Quốc thư

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giáo sư Thomas Vallely

Hoa Kỳ ưu tiên phát triển quan hệ với Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt trí thức kiều bào tại Singapore

Truyền thông Indonesia đưa tin đậm nét về chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm

Việt Nam - Indonesia nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện

Việt Nam - Indonesia: Quan hệ đối tác vì sự tiến bộ và thịnh vượng

Nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia
