Thêm "tự tin" cho các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp đang và sắp có quan hệ kinh doanh với đối tác là doanh nghiệp FDI, đại diện các cơ quan nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp...
Tại hội thảo, các đại biểu cùng bàn luận xoay quanh sự cần thiết, tính hiệu quả cũng như đi vào cụ thể tìm hiểu phương thức trọng tài thương mại, với tư cách là một trong các “điều kiện đủ”, bên cạnh các điều kiện cần khác để tạo nên một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định và hấp dẫn.
Ngoài ra, hội thảo là diễn đàn để các luật sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trọng tài tại Việt Nam và thế giới chia sẻ các hiểu biết của mình với doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn và sử dụng hiệu quả hơn phương thức trọng tài thương mại – xu hướng mạnh mẽ của thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu.
FDI – nguồn lực quan trọng của kinh tế
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Ánh Dương, Tổng Thư ký VIAC nhận định, Việt Nam hiện nay được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong khu vực và thế giới. Một trong những động lực lớn đóng góp vào sự tăng trưởng đó là hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam – cụ thể là nhóm doanh nghiệp FDI. FDI là một bộ phận cấu thành quan trọng và là động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy vậy, các dòng vốn đầu tư nước ngoài; các dòng chảy thương mại xuyên biên giới luôn rất “nhạy cảm” và luôn chuyển dịch phụ thuộc vào các yếu tố tại điểm đến đầu tư. Nhận thức rất rõ điều này, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp đã và đang có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài như thành công của Chính phủ Việt Nam.
Cụ thể là Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, đầu tư và kinh doanh.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, tiếp tục minh bạch hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo tính sẵn có và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo quyền được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo hiệu lực thi hành của các bản án và phán quyết trọng tài.
Tính đến tháng 12/2017, cả nước có 24.748 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 318,72 tỷ USD. Vốn FDI chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. FDI hiện đóng góp quan trọng trong việc giải quyết lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện có khoảng 3,7 triệu người lao động trực tiếp và gián tiếp trong các dự án FDI. |
Ông Kevin Kim, Phó Chủ tịch Tòa Trọng tài ICC khẳng định, Việt Nam là quốc gia năng động và có môi trường đầu tư an toàn, điều này đảm bảo là có hoạt động đầu tư thành công.
“ICC mong muốn thúc đẩy hòa giải trọng tài trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Xác định Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nên trong 5 năm qua các trọng tài của ICC đã đến với Việt Nam. Đồng thời, ICC sẽ tiếp đến và thúc đẩy và hỗ trợ VIAC hơn nữa trong việc thúc đẩy hòa giải trọng tài”, ông Kevin Kim nói.
40% doanh nghiệp FDI lựa chọn trọng tài thương mại
Theo các số liệu thống kê tại VIAC, các tranh chấp nội địa được giải quyết tại VIAC phần lớn luôn có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp FDI. Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ tranh chấp nội địa luôn có xu hướng gia tăng, điều này cho thấy, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã nhận thấy các ưu điểm nổi trội của phương thức trọng tài, tin tưởng lựa chọn trọng tài và VIAC để giải quyết tranh chấp.
Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC phát biểu tại Hội thảo
Ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký VIAC dẫn thống kê cho thấy, 40% các doanh nghiệp FDI được hỏi lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.
Các số liệu trích từ PCI 2017 phân tích về xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp của nhóm doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho thấy, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp FDI không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tòa án để giải quyết tranh chấp như năng lực cán bộ tòa chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp, các phán quyết của tòa chưa công bằng, thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài phát sinh chi phí cho doanh nghiệp…
Năm 2017, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Singapore tiếp tục là quốc gia có số lượng doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp tại VIAC nhiều nhất. Tổng cộng có 151 vụ tranh chấp trong 206 vấn đề, trị giá tranh chấp lớn nhất lên tới 166 triệu USD, tương đương 3.800 tỷ VNĐ. Thời gian giải quyết trung bình cho một vụ kiện là 158,9 ngày.
Thống kê các lĩnh vực tranh chấp của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (Nguồn: VIAC)
Đảm bảo thu hút FDI cho Việt Nam
Chia sẻ tại hội thảo, bà Hồ Thúy Ngọc, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng cơ chế xét xử bằng trọng tài thương mại là công cụ hữu hiệu để thu hút FDI.
Theo bà Ngọc, nhìn trên phương diện của các nhà đầu tư FDI, họ luôn quan tâm đến các cơ chế giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ khoản đầu tư của họ. Các nhà đầu tư luôn đặt ra câu hỏi rằng liệu luật pháp và cơ chế của nước chủ nhà có công bằng với họ hay không trước khi đầu tư vào nước đó.
Tuy nhiên, hiện tòa án trong nước được đánh giá là chưa tạo được sự thoải mái cho các nhà đầu tư, các cán bộ tòa thiếu kinh nghiệm, thiếu năng lực trong các vụ án phức tạp.
Trong khi đó, các kênh ngoại giao có thể được sử dụng song vẫn có một số bất lợi nhất định, lại có khả năng gây căng thẳng về chính trị giữa các quốc gia. Do vậy, phương thức được ưu tiên sử dụng sẽ là cơ chế trọng tài thương mại.
Khảo sát tiến hành trên 100 nền kinh tế trên thế giới thực hiện bởi trường Queen Mary thuộc Đại học London năm 2015 - 2016 cho thấy, cơ chế trọng tài được đánh giá là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp, với hơn 70% doanh nghiệp lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp của mình. |
Bà Ngọc cũng thông tin về một số thông kê về thủ tục giải quyết trọng tài, so sánh giữa một số trung tâm trọng tài đến từ một số nền tài phán. Đáng chú ý có tiêu chí về thời gian giải quyết tranh chấp.
“Điều quan trọng nhất là thời gian, trước đây tiến hành xét xử trọng tài thông thường phải mất 326 ngày, tại Ấn Độ quá trình này phải mất 569 ngày, còn tại Việt Nam VIAC chỉ chưa đến 200 ngày, rút gọn còn chưa đến 100 ngày. Con số này rất ấn tượng. Thêm vào đó sau khi có phán quyết thì phán quyết của VIAC có thể trực tiếp được thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự tại Việt Nam”.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, luật sư đã đi vào cụ thể các vấn đề của phương thức trọng tài thương mại. Các diễn giả là luật sư nổi tiếng, có kinh nghiệm dày dặn trong hoạt động tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài đã chia sẻ các hiểu biết, kinh nghiệm của mình từ các vụ việc tranh chấp giải quyết bằng trọng tài thương mại, giúp người nghe có thêm nhiều các thông tin thực tiễn hữu ích để hiểu đúng và sử dụng tốt phương thức trọng tài thương mại khi có tranh chấp phát sinh.