Thị trường hàng hóa thực phẩm ổn định, công tác phòng dịch được nâng cao
Sau gần một tuần thực hiện cách ly xã hội, thị trường hàng hóa thực phẩm giữ ổn định, công tác phòng dịch được nâng cao
Bài liên quan
1.500 tấn thịt lợn nhập khẩu từ Nga sắp được đưa ra thị trường tiêu thụ
Ứng phó Covid-19, cần giám sát thị trường thực phẩm và miễn thuế thu nhập cá nhân
Tăng cường thanh, kiểm tra các loại hàng hóa trong mùa dịch Covid-19
Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa trong cả trường hợp xấu nhất, cách ly diện rộng
Nguồn cung và giá cả ổn định
Sau chục ngày Hà Nội yêu cầu tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (0h ngày 28/3), việc mua bán tại các siêu thị và chợ dân sinh ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn ra bình thường. Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, thời điểm này người dân phải làm việc ở nhà nhiều nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cũng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, tại các siêu thị, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội đã cung cấp lượng hàng hóa rất dồi dào. Đặc biệt, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được siết chặt. Đa số người dân đều đeo khẩu trang, rửa tay khô sát khuẩn và hợp tác trong việc đo thân nhiệt.
Tại siêu thị Vinmart thôn 4, Đông Dư (huyện Gia Lâm, Hà Nội), từ sáng sớm, các chuyến hàng liên tục được chuyển về và được các nhân viên xếp đầy các kệ. Thu hút người dân hơn cả là các quầy rau, củ, trái cây, thịt, cá...
Chị Phan Thị Hà (ở thôn 4, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: "Thời gian gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tôi thường mua lượng hàng đủ dùng cho 2 - 3 ngày để giảm số lần tới nơi công cộng. Hàng hóa nhiều nên không nhất thiết phải tích trữ. Đặc biệt, giá các mặt hàng không thay đổi so với các ngày trước khi bùng phát dịch bệnh. Các loại thực phẩm rất phong phú, nhiều mặt hàng còn chạy chương trình giảm giá".
Không chỉ các siêu thị nhỏ chạy chương trình khuyến mại, giảm giá mà tại các hệ thống siêu thị lớn cũng có nhiều ưu đãi hấp dẫn để hỗ trợ người dân. Đơn cử như tại siêu thị Aeon Mall Long Biên, lượng khách tới mua sắm tại đây mặc dù có có giảm sút nhưng lượng hàng hóa tiêu thụ vẫn tăng như mọi khi. Mặt hàng được nhiều người lựa chọn là các loại rau củ, thịt, cá và hàng khô.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (ở tổ 4, Thạch Bàn, Long Biên) cho biết: “Giá cả không tăng, hàng hóa rất phong phú, tôi còn mua được các loại rau mùa hè như rau dền, mướp, mồng tơi rất tươi ngon. Đặc biệt, tôi thấy không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân”.
Việc mua bán tại các siêu thị và chợ dân sinh ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn ra bình thường |
Tại các chợ dân sinh, giá cả các loại hàng hóa, thực phẩm cũng được giữ ổn định. Mặc dù không gian ở các chợ khá chật hẹp, không đủ khoảng cách để người dân giãn cách 2m, tuy nhiên người dân vẫn ý thức, chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang khi mua sắm tại chợ.
Bà Vũ Thị Thư, tiểu thương tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Giá các mặt hàng rau xanh vẫn giữ ổn định như những ngày qua, trong đó bí xanh 25.000 đồng/kg; rau cải cúc, cải canh, rau dền đều có giá 8.000 đồng/mớ; ớt ngọt giá 40.000 đồng/kg; cà chua 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg; dưa chuột 20.000 đồng/kg…
Giá các loại thịt gia cầm làm sạch ổn định, trong đó thịt gà từ 120.000 - 130.000 đồng/kg; ngan từ 75.000 - 80.000 đồng/kg; vịt từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng thịt lợn vẫn giữ ở mức cao, từ 130.000 - 160.000 đồng/kg tùy loại.
Lý giải về vấn đề giá thịt lợn vẫn tăng cao sau khi Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi thực hiện cam kết giảm giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg, chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương bán thịt tại chợ Hà Đông cho biết: “Dù các doanh nghiệp cam kết giảm giá lợn hơi nhưng thực tế cả tuần nay chúng tôi chưa nhập được thịt móc hàm giá rẻ ở các lò mổ. Hiện giá thịt lợn móc hàm nhập ở các lò mổ vẫn cao từ 115.000 - 117.000 đồng/kg. Vì thế chúng tôi phải bán thịt với giá từ 130.000 - 160.000 thì mới có lãi".
Không riêng chị Thu mà nhiều thương lái chuyên thu gom lợn tại khu vực Ứng Hòa, Mỹ Đức, Gia Lâm cũng cho biết, việc tiếp cận hàng của các công ty rất khó khăn. Tiểu thương nhỏ thường phải nhập hàng qua khâu trung gian trước khi đem đến chợ đầu mối bán. Do đó, giá thịt lợn bán ra thị trường vẫn ở mức cao.
Mở thêm điểm bán hàng lưu động, dã chiến
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) vừa có công văn yêu cầu các Sở Công thương mở các điểm bán hàng mới tạm thời, dã chiến... bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống.
Theo đó, để bảo đảm cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly nếu có.
Ngoài ra, Vụ Thị trường trong nước cũng yêu cầu các Sở Công thương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng mới gồm các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến…
Những ngày qua, tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện ích đều triển khai đo thân nhiệt, nhắc khách hàng rửa tay trước khi vào siêu thị |
Tại thành phố Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Công thương thành phố và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đã xây dựng phương án dự trữ, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Hiện, lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng 60 - 90 ngày. Một số đơn vị bán lẻ lớn, như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị BigC, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành... đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300% - 500% so với bình thường. Hệ thống Co.op Mart tăng lượng hàng hóa dự trữ với trị giá 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ phục vụ người dân.
Đơn cử, từ ngày 1/4, Tập đoàn BRG (đơn vị vận hành các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích HaproMart, Hapro Food, Intimex, Seika Mart, Fuji Mart) đã mở thêm 10 cửa hàng tiện ích Hapro Food tại các địa điểm trung tâm để giúp người tiêu dùng Thủ đô thuận tiện trong việc đi lại, rút ngắn khoảng cách đến các điểm mua sắm.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro - đơn vị thành viên Tập đoàn BRG) chia sẻ: Ngoài việc phục vụ khách đến mua sắm trực tiếp tại các điểm bán hàng, Hapro còn phát triển việc bán hàng đa kênh qua thư điện tử, trang fanpage trên mạng xã hội Facebook, điện thoại… và giao hàng tại nhà. Trong những ngày qua, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trong chuỗi BRG Mart đã giao hàng miễn phí cho hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày.
Cùng với việc cung ứng hàng hóa, công tác phòng dịch cũng được các siêu thị đặc biệt quan tâm. Trong những ngày qua, tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện ích đều triển khai đo thân nhiệt, nhắc khách hàng rửa tay trước khi vào siêu thị.
Đối với nhân viên, ngoài khẩu trang còn được trang bị găng tay, mặc áo bảo hộ, đội mũ nhựa, lắp thêm tấm chắn ngăn cách giữa nhân viên với khách hàng khi thanh toán. Ngoài việc phát loa nhắc nhở, siêu thị đã dán ký hiệu để khách nhận biết và giữ khoảng cách tối thiểu 2m.