Thị xã Sơn Tây - 100 năm vươn mình cùng "xứ Đoài mây trắng"
Thị xã Sơn Tây đón 600 nghìn lượt khách du lịch Thị xã Sơn Tây phát huy trầm tích lịch sử 555 năm Phát triển kinh tế đêm tại cửa ngõ Tây Nam Thủ đô Vinh danh truyền thống khoa bảng tại Sơn Tây |
Miền đất cổ đậm đà nét văn hóa truyền thống
Trong suốt chiều dài lịch sử 100 năm của mình, thị xã Sơn Tây từ lâu giữ vai trò quan trọng trấn thủ phía Tây Kinh thành Thăng Long, đồng thời là trung tâm của xứ Đoài. Nhờ đó, thị xã Sơn Tây đã tích luỹ được trầm tích văn hoá, lịch sử giàu có, đa dạng, độc đáo.
Thành cổ Sơn Tây lung linh về đêm |
Vùng đất cổ, miền “xứ Đoài mây trắng” có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh phong phú và đa dạng, tiềm năng cho phát triển du lịch của thị xã. Trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 80 di tích được Nhà nước xếp, 78 di sản văn hóa phi vật thể.
Nói đến Sơn Tây là người ta nhớ ngay đến Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, Đền Và, chùa Mía, Đình Phùng Hưng, Đền và Lăng Ngô Quyền, Hồ Đồng Mô, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu nghỉ dưỡng Glory Resort, Vườn Trăng (Moon Garden), điểm đến du lịch thôn Lòng Hồ, Asean resort…
Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia làng cổ Đường Lâm là một quần thể với 50 di tích có giá trị được xếp hạng, gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Thành cổ Sơn Tây là một trong bốn vùng đất phên giậu của Thăng Long - Hà Nội, vừa có chức năng che chở, bảo vệ, vừa tạo thế bàn đạp để vươn ra cai quản, nắm giữ các vùng biên cương Tổ quốc. Thành được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) hoàn toàn bằng đá ong, loại vật liệu đặc sắc của xứ Đoài, đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ.
Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, Thành cổ Sơn Tây là di tích quý hiếm, có giá trị to lớn về nhiều mặt, từ bối cảnh ra đời, lịch sử hình thành đến quy mô, cấu trúc, kỹ thuật xây dựng và vị trí chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Với tính chất quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, từ năm 1924, Thành cổ Sơn Tây đã được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích; năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Khoảng 3 năm trở lại đây, đến với thị xã Sơn Tây, đặc biệt các dịp cuối tuần, bầu không khí lễ hội rộn ràng trên các con phố. Xung quanh thành cổ 200 năm tuổi với những phiến đá ong nâu xám màu thời gian, lại là các tuyến phố đi bộ lúc nào cũng nhộn nhịp các hoạt động vui chơi, giải trí, hát ca.
Làng cổ Đường Lâm |
Thị xã Sơn Tây tạo dấu ấn trong lòng du khách khi đem đến hàng loạt chương trình được tổ chức công phu, hoành tráng, đầy sắc màu với hàng trăm buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 6 điểm sân khấu chính và các khu vực sân khấu xung quanh được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi.
Điểm hẹn hấp dẫn cho mỗi hành trình
Nằm trong vùng cội nguồn văn hoá xứ Đoài, Sơn Tây là vùng giao thoa giữa các nền văn hóa Hòa Bình, Thăng Long - Hà Nội; với những tiềm năng trên thị xã Sơn Tây có thể liên kết các tour du lịch liên vùng với các danh thắng của các vùng trong và ngoài thành phố Hà Nội.
Đền Và |
Lễ giỗ vua Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Lễ hội Đền Và; Giải Vật dân tộc tranh Cúp Phùng Hưng, Trung thu Thành cổ Sơn Tây - Xứ Đoài, Tết xứ Đoài, Lễ hội Chùa Ón, Văn miếu Đường Lâm… là điểm hẹn hấp dẫn để du khách muốn quay trở lại vào những lần tiếp theo.
Đến nay, thị xã có 89 sản phẩm OCOP của 14 cơ sở sản xuất được thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trên địa bàn thị xã có 112 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với trên 1.200 phòng (hơn 1.500 giường).
Thậm chí, Sơn Tây còn mạnh dạn đưa trái mít trở thành điểm nhấn của địa phương khi lần đầu tổ chức lễ hội mít nhằm chiều lòng du khách và thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương.
Để thúc đẩy phát triển du lịch, thị xã Sơn Tây chỉ đạo lắp đặt hệ thống phát sóng wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thị xã. Triển khai quét mã QR Code tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, địa chỉ “đỏ” trên địa bàn thị xã Sơn Tây nhằm cung cấp cho du khách những thông tin đầy đủ, chi tiết về di tích, địa chỉ đang tham quan với công nghệ hình ảnh 360 độ, kết hợp với video clip, âm thanh sống động và thuyết minh bằng song ngữ Anh - Việt đáp ứng như cầu tìm hiểu cho khách du lịch trong nước và quốc tế...
Nhờ những đổi mới, sáng tạo của mình, thị xã Sơn Tây trở thành điểm hẹn đối với người dân các huyện lân cận, và các tỉnh bạn xa xôi.
Nét cổ kính Đường Lâm |
Đáng chú ý, hiện thị xã có hai điểm du lịch đã được Ủy ban Nhân dân thành phố công nhận là: Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm và điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn.
Lòng Hồ về đêm |
Năm 2023, thị xã đón hơn 1.175.000 lượt khách du lịch đến với Sơn Tây, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay khẳng định du lịch Sơn Tây đã được lan tỏa cả trong và ngoài nước; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.
Nét hiện đại hồ Đồng Mô |
Riêng trong nửa đầu năm 2024, Sơn Tây đón hơn 600.000 lượt khách tới tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất xứ Đoài.
Thị xã đã hoàn thành Quy hoạch phân khu ST1, cùng những định hướng phát triển đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô với tính chất văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh.
Nhiều dự án trọng điểm và công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng khung, các tuyến giao thông huyết mạch được lãnh đạo thị xã tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối đồng bộ, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch, dịch vụ, tạo nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển đột phá của thị xã Sơn Tây.
Đặc biệt, thị xã đề xuất hình thành một thành phố trên cơ sở Thành cổ Sơn Tây, khai thác tối đa giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền công nghiệp không khói là các sản phẩm du lịch đặc thù.
Trong đó, đô thị Sơn Tây nhấn mạnh yếu tố kiến trúc, yếu tố lịch sử, khơi gợi niềm tự hào dân tộc thông qua các sản phẩm du lịch, phục dựng các làng cổ, khu vực phố cổ, hình thành phố đi bộ, trung tâm triển lãm phi vật thể, triển lãm văn hóa truyền thống, chợ đêm, văn hóa ẩm thực, kiến tạo nền kinh tế bằng nguồn lực du lịch làm cốt lõi.
Tham gia mạnh mẽ vào phát triển công nghiệp văn hóa bằng tiềm lực dồi dào và quyết tâm cao độ, thị xã Sơn Tây đang vươn mình, “cất cánh” cùng xứ Đoài mây trắng trong hành trình tiến về tương lai.
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây, 70 năm Ngày Giải phóng Sơn Tây và 555 năm danh xưng “Sơn Tây” dự kiến được Sơn Tây tổ chức vào hồi 20h ngày 3/8 tại Sân khấu chính không gian Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Điểm nhấn của lễ kỷ niệm là màn trình diễn nghệ thuật “Sơn Tây - 555 năm hành trình lịch sử tô thắm tình người, tình đất” sử dụng công nghệ trình chiếu hiện đại 3D mapping để tái hiện lại lịch sử hình thành và các dấu mốc phát triển của thị xã qua các thời kỳ. Nhân dịp này, thị xã cũng sẽ vinh dự đón nhận các danh hiệu khen thưởng cao của Trung ương, thành phố Hà Nội. |