Thiên tai tác động đến tiến trình phát triển bền vững của các vùng đô thị
Chật vật với... thiên tai
Các đô thị lớn của nước ta hiện nay đã và đang phải đối diện với những hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, như nhiệt độ tăng, ngập nước, ô nhiễm không khí, nguồn nước, chất thải công nghiệp... Khi đô thị đông đúc và tiêu dùng nhiều hơn, đặc biệt thêm tác động của thiên tai, chúng ta sẽ phải đối mặt với rủi ro ngày càng cao hơn.
Đô thị lớn của Việt Nam đang chuyển hóa mỗi ngày với tốc độ mạnh mẽ trong 30 năm trở lại đây. Quá trình chuyển hóa diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu, một trong những vấn đề toàn cầu, chúng ta cần ứng xử ra sao trong tương lai? Đó là một câu hỏi lớn dành cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách.
Theo Bộ Xây dựng, phần lớn các đô thị của Việt Nam nằm trong vùng dễ tổn thương của biến đổi khí hậu. Ngoài các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… hệ thống đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tới 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó, có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng.
Tình trạng ngập lụt đô thị vào mùa mưa tại các thành phố lớn diễn ra ngày càng phổ biến |
Ðối với hệ thống đô thị miền núi và Tây Nguyên có 143 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng, trong đó, 17 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng rất mạnh. Biến đổi khí hậu tác động đến việc phát triển hệ thống giao thông đô thị, làm gia tăng ngập úng đô thị… ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của người dân.
Không khó để nhìn thấu hậu quả của đô thị kém thích nghi. Chúng ta có thể đo lường từ các yếu tố tăng trưởng dân số đô thị quá nhanh; Sử dụng đất đai không hiệu quả; Chính sách phát triển và quy hoạch yếu kém; Thiếu hụt giao thông công cộng; Thiếu kết hợp giữa mật độ và giao thông công cộng, việc làm, nhà ở, dịch vụ; phát triển dựa vào năng lượng và nhiều khí thải.
Ở rất nhiều đô thị, các hệ sinh thái bị phá vỡ để phục vụ cho phát triển đô thị; điển hình là san lấp hồ, ao, rừng ngập mặn để lấy đất làm nhà ở, từ đó, làm mất nơi thu giữ nước khi có mưa lớn, triều cường, mất cân bằng sinh thái.
Việc giảm diện tích cây xanh, công viên và tăng cao mật độ xây dựng các nhà cao tầng, sẽ làm nhiệt độ thành phố cao hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất, sinh hoạt của đời sống cả cộng đồng.
Cần có tầm nhìn vượt cao hơn những lợi ích kinh tế ngắn hạn
Biến đổi khí hậu đã ập vào nước ta từng ngày, từng giờ. Những bài học đắt giá về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí... tại các thành phố lớn chính là hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp môi trường sống nghiêm trọng tại các đô thị tráng lệ của nước ta.
Trong đô thị hóa, nguồn phát thải khí CO2 chủ yếu đến từ đô thị khi chiếm tới 70% lượng khí CO2 toàn cầu, trong khi các đô thị chỉ chiếm khoảng 0,2% diện tích thế giới. Lối sống công nghiệp và tiêu dùng tối đa (đặc biệt là di chuyển liên tục) góp phần phát thải khí CO2. Cụ thể, lượng khí thải đô thị thay đổi phụ thuộc vào sự hủy diệt tự nhiên, lối sống, hình thái không gian và các phương tiện giao thông.
Không những thế, ngập lụt đô thị trở thành “đặc sản” và chúng ta nai lưng để trả nợ tự nhiên bằng các chi phí đắt đỏ chống ngập. Nghịch lý của quy hoạch còn nhiều nhưng thách thức “nổi bật” ở Việt Nam sẽ là lũ lụt đô thị ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu và đặc biệt, sau những bản quy hoạch bê tông hóa đô thị bằng cách xóa bỏ hệ sinh thái nước và vùng ven đô.
Đáng nói, có một thực trạng đáng buồn hiện nay là tốc độ đô thị hóa ở khu vực miền núi đang diễn ra khá nhanh. Đây là xu thế tất yếu, nhưng do phát triển “nóng” cùng với đó là tình trạng “mạnh ai nấy làm” nên quá trình đô thị hóa đang khiến khu vực miền núi trở nên chông chênh hơn trước thiên tai.
Tình trạng sạt lở bờ biển tại một số địa phương đang ở mức báo động |
Một thực tế hiện nay là, ở khu vực miền núi chủ yếu là đô thị loại V. Ngoài đặc điểm dân cư và điều kiện kinh tế - xã hội, khu vực miền núi khó “nâng hạng” đô thị là do rất khó mở rộng không gian khi xung quanh là núi cao vực thẳm, ít có quỹ đất bằng phẳng.
Nhưng như đã nêu ở trên, đô thị hóa là xu hướng tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Do đó, ở miền núi, các đô thị muốn mở rộng không gian, chỉ còn cách “phá núi mở đường” để xây dựng công trình hạ tầng cơ sở, nhà ở dân sinh…
Vì thế, lên bất cứ thị tứ, thị trấn nào ở khu vực miền núi, việc “cắt” nửa quả đồi để xây công trình; Dựng “thành lũy’ ở các khe núi để làm đường… là hình ảnh rất dễ bắt gặp. Những hoạt động này đã phá vỡ sự cân bằng của đồi núi, làm tắc nghẽn vai trò thoát nước của các khe núi, khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất luôn thường trực.
Có thể thấy rằng, hệ thống đô thị nước ta đã có bước phát triển nhanh về số lượng nhưng lại thiếu kiểm soát. Trong đó, hệ thống đô thị của các tỉnh phát triển vượt dự báo phát triển đô thị quốc gia, vùng. Ðã và đang xuất hiện xu hướng đô thị hóa toàn tỉnh và ý tưởng hình thành các đô thị lớn theo mô hình thành phố vùng.
Trong bối cảnh đó, những trận bão trong các năm vừa qua, đã gây ra lũ lụt, sạt lở liên tiếp và nghiêm trọng. Cây cối, nhà cửa “bội thực” gió, đất chìm trong nước. Cuộc sống người dân đảo lộn vì lũ chồng lũ, bão chồng bão; Miền núi nhiều nơi sạt lở, thương vong… Do đó, muốn nâng cao tính bền vững cho đô thị, cần đến tầm nhìn vượt cao hơn những lợi ích kinh tế ngắn hạn.