Thiếu đất ở là vấn đề nhức nhối của đồng bào dân tộc
Tuần này, Quốc hội chất vấn 4 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Chiều 6/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh là thành viên thứ 2 của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Thay mặt Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội và cử tri đã quan tâm gửi nhiều ý kiến đến lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian qua và tại kỳ họp này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng và Nhà nước ta, được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn. |
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…
Bộ trưởng cũng cho biết, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập như: Hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách mặc dù đã được ban hành nhưng văn bản hướng dẫn được triển khai chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, làm chậm triển khai các chính sách đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số còn gặp vô vàn khó khăn.
Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng. Đây là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông đề nghị Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong thời gian tới để giải quyết tình trạng này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, việc thiếu đất ở và sản xuất của đồng bào là việc rất lớn. Năm 2019, nhu cầu về đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 24.000 hộ gia đình và 42.000 hộ gia đình cần đất sản xuất.
Sau khi tính toán, Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2025 giải quyết 60% đất ở cho người dân, còn lại giải quyết vào giai đoạn 2026 - 2030. Giai đoạn đầu sẽ tập trung vào nơi khó khăn nhất, nơi đồng bào chưa được hỗ trợ chính sách nào.
Về đất sản xuất, thống kê cho thấy nhiều nơi có quỹ đất hỗ trợ xây dựng mô hình sắp xếp dân cư tập trung, nhưng cũng có nơi không còn quỹ đất; các bộ ngành, địa phương chậm triển khai chính sách.
"Chúng tôi sẽ rà soát để có quỹ đất cấp cho bà con", ông Lềnh nói.
Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nói về việc thực hiện một số dự án, giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
"Lý do của thực trạng này là gì và giải pháp ra sao?", ông Hải đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết điều ông Hải hỏi cũng là trăn trở của nhiều đại biểu bởi chương trình lớn, nằm ở nhiều địa bàn khó khăn, một số chính sách từ thời gian trước vẫn còn hiệu lực.
"Lo nhất là quá trình triển khai trên thực địa, bởi có dự án cần triển khai đến từng thôn bản, hộ gia đình", ông Hầu A Lềnh nói. Vì vậy, các văn bản lần này sẽ phân cấp tối đa cho địa phương quyết, các cơ quan Trung ương sẽ đôn đốc, kiểm tra.