Thói quen “cày phim” thâu đêm của người trẻ
Cùng người trẻ chuyển đổi số trong quản trị văn phòng Sân chơi quốc tế cho giới trẻ Việt Nam Nhiều hoạt động tri ân của người trẻ |
Thói quen khó bỏ
Bắt đầu thói quen thức khuya từ năm nhất, năm hai đại học, Lê Tố Uyên (21 tuổi, sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội) cho biết giấc ngủ của mình thường bắt đầu từ lúc 2h, 3h thậm chí là 4h, 5h sáng và thức dậy vào buổi trưa. Một trong những lý đo dược Uyên đưa ra để giải thích vì sao mình thức khuya là sức hút từ những bộ phim dài tập. Có những hôm phải dậy sớm đi học từ 6h30 nhưng Uyên vẫn xem phim cho tới gần giờ dậy. Để có thể tỉnh táo, không ít lần cô gái trẻ phải bỏ học tiết đầu và đến lớp lúc 9h.
Cô gái 21 tuổi bộc bạch, thời điểm dịch COVID-19 phải ở quê, Uyên thường được bố mẹ nhắc nhở nên giờ giấc sinh hoạt rất khoa học. Uyên sẽ đi ngủ lúc 22h và thức dậy lúc 7h sáng. Nhưng từ khi trở lại thành phố, thời gian biểu của Uyên đều bị đảo lộn, nhất là từ khi cô gái trẻ đăng ký tài khoản tại các ứng dụng xem phim trực tuyến như Netflix, Disney+…
Thức khuya cày phim đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người trẻ |
"Một bộ phim ngắn khoảng 16 - 20 tập mình thường "cày" trong 1 - 2 ngày, còn các phim dài tập thì 2 - 3 ngày. Mình xem liên tục cả ngày lẫn đêm. Một ngày chỉ ngủ 3 - 4 tiếng đồng hồ, thường xem phim đến gần 4 giờ sáng rồi đi ngủ, sau đó đến 7,8 giờ sáng mình lại dậy xem tiếp", Tố Uyên nói.
Ngoài việc thức gần như nguyên đêm, cô gái trẻ còn chẳng tha thiết gì việc ăn uống. Thức khuya xem phim nhiều khiến tinh thần của Uyên mệt mỏi, uể oải, không còn sức để làm bất cứ việc gì, khi thức dậy không muốn đi học, vào học thì mất tập trung, nhiều hôm liền khi lên lớp Uyên ngủ gật trên bàn.
“Biết việc thức đêm ngủ muộn là không tốt nên nhiều lần mình đã cố gắng ngủ sớm để đảm bảo sức khoẻ. Nhưng do không quen giấc nên không thể chợp mắt. Mình cũng không biết phải làm như thế nào nữa”, Tố Uyên nói.
Tương tự, Trần Tiến Anh (20 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong nhiều ngày liền, nam sinh 20 tuổi chỉ ngủ được 3 tiếng bởi đi ngủ lúc 3h sáng và thức dậy lúc 6h để đến trường, chiều về lại làm thêm đến tối nên không có thời gian “ngủ bù”.
"Làm thêm đến 22h rồi mình với về nhà, sau đó tắm giặt, nấu nướng, ăn uống cũng mất hơn 2 tiếng. Xong xuôi mọi người cũng đi ngủ rồi nên mình chỉ biết nằm xem phim. Có những lúc đau đầu, mắt mỏi, người mệt nhưng phim thì hay, mình cũng quen giấc nên không thể ngủ sớm", Tiến Anh nói.
Tố Uyên đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe khi thức đêm cày phim quá nhiều |
Giống như Tố Uyên hay Tiến Anh, nhiều bạn trẻ nói rằng sở dĩ họ "cày" phim từ ngày này qua tháng nọ không chỉ vì sự hấp dẫn của phim mà còn nhiều lý do khác như là biết thêm được nền văn hóa của nhiều nước; rút ra được những bài học, ứng dụng vào đời sống từ các tình huống phim… chứ không chỉ đơn giản vì phim hay, có diễn viên đẹp hay có thần tượng của mình trong phim.
Hệ lụy không thể lường trước
Khi được hỏi dành thời gian xem phim nhiều vậy có ảnh hưởng gì không, Tối Uyên cho biết có những lúc cô "cày" phim liên tục dẫn đến hai mắt bị thâm quầng và mắt rất dễ bị mỏi. Cũng vì mê xem phim mà lơ là chuyện ăn uống nên dẫn tới hậu quả là gặp vấn đề về dạ dày và tiêu hóa, phải tới bệnh viện để điều trị.
Còn với Hà Thu (24 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), vì là "mọt phim", xem thâu đêm suốt sáng nên mới đây cô đã phải "làm bạn" với đôi kính cận.
"Có nhiều khi phim ra trùng ngày deadline mà mình mê phim nên lao vào "cày" rồi không tập trung cho công việc. Việc đi làm muộn, uể oải trong giờ làm do "cày" phim cả đêm tới gần sáng mới là điều thường xuyên diễn ra. Bây giờ mình chỉ "cày" phim vào những ngày cuối tuần thôi", Hà Thu nói.
Trao đổi với về vấn đề này, bác sĩ Bùi Vũ Anh - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc “ngủ ngày, cày đêm” là một thói quen xấu, cực kỳ có hại cho sức khỏe, đặc biệt là với người trẻ.
Việc “ngủ ngày, cày đêm” là một thói quen xấu và có hại cho sức khỏe |
Việc thức khuya nhiều gây suy giảm trí nhớ bởi khi ngủ là thời gian não bộ được nghỉ ngơi, thức khuya sẽ làm tăng lượng thông tin cần ghi nhớ và làm giảm thời gian nghỉ ngơi của bộ não. Từ đó gây ra cảm giác mệt mỏi, đau đầu, căng thẳng, dễ cáu gắt… Bên cạnh đó, thức khuya để xem phim, nhìn vào màn hình liên tục sẽ gây giảm thị lực bởi mắt cần được nghỉ ngơi sau cả ngày làm việc, khi thức đêm mắt phải tiếp tục làm việc cộng với điều kiện ánh sáng yếu, lâu dần thị lực sẽ giảm đi đáng kể.
“Nếu thức khuya làm việc cùng các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, điện thoại đòi hỏi mắt phải điều tiết và tiết ra các chất lỏng bôi trơn. Thời gian sử dụng lâu thì sẽ gây khô, mỏi mắt. Nếu thức khuya sử dụng điện thoại, máy tính trong thời gian dài sẽ gây ra các bệnh về mắt như loạn thị, cận thị, thoái hoá điểm vàng…”, bác sĩ Vũ Anh nói.
Ngoài ra, theo bác sĩ Vũ Anh, tác hại của việc ngủ muộn sẽ ảnh hưởng tới da gây ra các tình trạng xuất hiện nếp nhăn, mụn, lão hoá sớm, vùng da mắt bị thâm quầng, thiếu sức sống…
Trước những tác hại trên, bác sĩ Vũ Anh đưa ra lời khuyên, để đảm bảo sức khỏe cần ngủ đúng giờ trong khoảng 22 -23h, dậy đúng giờ, đảm bảo thời gian ngủ đủ 8 tiếng/ngày để cải thiện tâm trạng, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ tim mạch, tăng cường khả năng ghi nhớ, hạn chế xuất hiện nếp nhăn. Ngoài ra, cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể thao để có cơ thể khỏe mạnh.