Thống nhất về nhận thức và hành động trong phát triển công nghiệp văn hóa
Sáng 1/12, tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã tiếp thu, giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
Tập trung phát triển một số ngành có thế mạnh
Giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội đối với dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trải qua 8 kỳ Đại hội liên tiếp, Thành ủy luôn cập nhật quan điểm chỉ đạo của Trung ương, bám sát đặc thù của Hà Nội về phát triển văn hóa. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội xác định xây dựng 2 nghị quyết chuyên đề toàn khóa, trong đó, có nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, điều đó cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị |
Với vị thế, vai trò của văn hóa Thủ đô, việc phát triển công nghiệp văn hóa là hướng đi trúng và đúng, phù hợp với xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết thêm, theo thống kê năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội đóng góp tương đương hơn 3,7% GDP nhưng còn một số lĩnh vực chưa được thống kê, trong đó có làng nghề truyền thống. Do vậy, chỉ tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp từ 4-5% GDP của Thủ đô là khả thi.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong phân tích, công nghiệp văn hóa được nước ta xác định gồm 12 lĩnh vực, gồm: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.
Với yêu cầu Hà Nội phải trở thành 1 trong 3 trung tâm của Việt Nam về công nghiệp văn hóa, thành phố sẽ tập trung phát triển một số ngành có thế mạnh nhất chứ không dàn trải, trong đó có 6 nhóm ngành, gồm: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, phầm mềm và trò chơi giải trí, thiết kế sáng tạo, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh, những điều kiện về pháp lý cũng như nhận thức để phát triển công nghiệp văn hóa đã đầy đủ. Sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết thì các cấp, các ngành phải thống nhất nhận thức và hành động. Trước tiên phải bắt đầu từ công tác quy hoạch; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, xác định là một trong ba trụ cột để phát triển công nghiệp văn hóa; Đồng thời xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Dành nguồn lực nhiều hơn cho văn hóa
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị |
Trước đó, giải trình về các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, năm 2022, thành phố sẽ dành nguồn lực nhiều hơn cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, trong đó lĩnh vực văn hóa sẽ tập trung tu bổ các di tích; Tập trung đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số…
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị |
Cũng tại hội nghị, giải trình về các vấn đề liên quan đến dự thảo 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, khoáng sản giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, có 33 ý kiến thảo luận với 18 nhóm nội dung tập trung vào 8 nhóm vấn đề. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực rà soát lại các cơ chế, chính sách để có những điều chỉnh phù hợp.
Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ về Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong năm 2022, Thành ủy sẽ triển khai một số cuộc kiểm tra quan trọng nhằm thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị |
Nhấn mạnh việc kế hoạch kiểm tra, giám sát lĩnh vực này sẽ tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh cải cách hành chính, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng cho biết, các cuộc kiểm tra sẽ tập trung vào việc thực hiện vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu và những điều đảng viên không được làm.
Cùng với đó, Thành ủy cũng sẽ tiến hành kiểm tra thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.
Trên cơ sở việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện một số chương trình công tác lớn khác, Thành ủy cũng sẽ tập trung kiểm tra lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai và một số lĩnh vực khác… Từ đó đề xuất sửa quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội, trình Bộ Chính trị theo đúng kế hoạch. Tùy vào điều kiện cụ thể, Thành ủy sẽ xem xét, giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện kiểm tra tại một số lĩnh vực theo thẩm quyền.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trình bày dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả các quyết nghị, kết luận của hội nghị, các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội; Tạo tiền đề quan trọng để phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết. |