Thu hút, “giữ chân” người tài để phát triển nguồn nhân lực chất lượng
Với mục tiêu đó, những giải pháp đang được Hà Nội bước đầu đổi mới nhằm thu hút và “giữ chân” người tài.
Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý của Ban cán sự Đảng Chính phủ vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên 3 trụ cột để Hà Nội phát triển mạnh mẽ gồm: Thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Trong đó, Hà Nội phải là nơi ngưng tụ nhân tài, đổi mới sáng tạo.
Đặt câu hỏi, Hà Nội cần làm gì để tận dụng nguồn lực chất lượng cao mà không nơi nào có được với 3/5 trí thức cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý, Hà Nội có thể xem xét, đề nghị với Trung ương, với Thủ tướng về cơ chế thí điểm thu hút nguồn lực chất lượng cao.
Hà Nội xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ mới |
Nhìn lại những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện, thu hút nguồn nhân lực về làm việc cho thành phố, đặc biệt là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô.
Qua 18 năm, Hà Nội đã tuyên dương 1.879 thủ khoa xuất sắc. Các thủ khoa được tuyên dương qua các năm đều là những gương mặt tiêu biểu, tốt nghiệp đạt thành tích xuất sắc về học tập, rèn luyện và công tác Đoàn - Hội. Nhiều thủ khoa xuất sắc là đảng viên, là những tấm gương vượt khó vươn lên, có công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, sáng kiến, giải pháp thiết thực, hiệu quả được giải trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước. Tuy nhiên, đến nay, chỉ 10% trong số này (186 người) về làm việc cho các cơ quan của Hà Nội.
Riêng năm 2020, qua khảo sát, trong 88 thủ khoa chỉ có 33 người có nhu cầu làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Còn lại 21 thủ khoa có kế hoạch học thạc sĩ; 17 thủ khoa đã có kế hoạch đi du học nước ngoài; Nhiều người đã đi làm tại các công ty lớn khi ra trường…
Lý giải nguyên nhân của việc này, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, số lượng tuyển dụng các thủ khoa còn khiêm tốn do nhiều thủ khoa tốt nghiệp đại học xong không chọn đi làm ngay mà tiếp tục học lên bậc cao hơn hoặc sang nước ngoài học tập.
Bên cạnh đó, mặc dù Hà Nội đã có cơ chế khuyến khích, trọng dụng nhân tài nhưng do chế độ lương thưởng vẫn phải áp dụng theo quy định của pháp luật nên khó hấp dẫn được đội ngũ nhân lực chất lượng cao này.
Từ thực tế bản thân là thủ khoa được tuyển thẳng về làm việc tại Thành đoàn Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết, thực tế cho thấy, ngay từ khi vẫn ngồi trên giảng đường đại học hay trước khi nhận tấm bằng tốt nghiệp, các thủ khoa tương lai đã được doanh nghiệp "mời chào" với mức lương hậu hĩnh, chế độ đãi ngộ hấp dẫn và được làm việc trong môi trường năng động, chuyên nghiệp, hiện đại.
Trong khi đó, các cơ quan hành chính ở Hà Nội thường tuyển dụng nhân lực không phù hợp với ngành mà họ theo học, nên đã dẫn đến tình trạng "cung - cầu” không gặp nhau.
Hiện, theo Nghị quyết 14 của HĐND thành phố Hà Nội, việc tuyển dụng thủ khoa được ưu tiên chỉ qua một cuộc sát hạch. Nếu được tuyển dụng, thủ khoa xuất sắc được hỗ trợ một lần bằng 20 tháng lương tối thiểu, sau 2 năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài; Được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận nhưng cũng phải cam kết làm việc cho thành phố 7 năm nếu hưởng mức hỗ trợ.
Để việc thu hút nhân tài đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Hoa cho hay, thành phố Hà Nội đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, thu hút nhân tài như tuyển chọn theo nhu cầu thành phố; Đào tạo theo chuyên đề lĩnh vực thành phố đang cần; Ưu tiên các chính sách nhất định để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ…
Sở Nội vụ Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quy định của pháp luật để có chế độ ưu đãi về chính sách tiền lương, cơ chế tuyển dụng, tạo điều kiện cho các thủ khoa phát huy năng lực của mình.
"Hiện nay Chính phủ đã có nghị định quy định về tuyển dụng thủ khoa xuất sắc, nhà khoa học trẻ, tuy nhiên chưa có thông tư hướng dẫn. Chúng tôi đang chờ Bộ Nội vụ hướng dẫn, sau đó sẽ có đề xuất với UBND thành phố theo hướng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút thủ khoa xuất sắc vào làm việc tại các cơ quan và những lĩnh vực Hà Nội đang cần", ông Hoa nói.
Tại Lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh: Thành phố xác định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; Thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế... là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ mới. Kế hoạch này nhằm xây dựng Thủ đô thực sự là một trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế.
Thời gian tới, thành phố sẽ có thêm nhiều chính sách cụ thể để thu hút và đào tạo các Thủ khoa nói riêng và nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao nói chung như: Tuyển chọn, đào tạo và gửi đào tạo ở các quốc gia tiên tiến, sớm hình thành đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý thuộc nhiều lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu công việc cả trước mắt và lâu dài của Thủ đô.