Thủ tướng: Nguồn nhân lực chất lượng cao là lợi thế của Hà Nội, không nơi nào có được
Chiều 7/8, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến góp ý vào Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hà Nội nên có quy hoạch kiến trúc với tầm nhìn dài hạn
Tại hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng, Dự thảo được chuẩn bị công phu, có bố cục chặt chẽ, nhiều hướng tiếp cận mới, thẳng thắn đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra; Thống nhất với 5 nhiệm vụ và 3 khâu đột phá thành phố đề ra, các đại biểu cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào dự thảo báo cáo chính trị.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Hà Nội có trách nhiệm rất lớn trong vấn đề phát triển văn hóa đất nước. Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội nghiên cứu đưa vào Dự thảo báo cáo chính trị những giải pháp phát triển đột phá về giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ… Hà Nội nên có các chương trình hỗ trợ trực tiếp ban đầu cho những người mới về sinh sống để thâm nhập văn hóa người Hà Nội; Đầu tư để có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm. Ngoài ra, thành phố phải tăng mức xử phạt hành chính đối với những hành vi phản văn hóa xảy ra trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị |
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, cần làm rõ hơn khái niệm “thành phố toàn cầu” nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị. Cùng với đó, Hà Nội là địa phương có nhiều thỏa thuận và nhiều danh hiệu quốc tế nhất nên Dự thảo xem xét có thêm những thành tố về đối ngoại, hội nhập quốc tế trong chủ đề Đại hội.
Còn theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Hà Nội cần phân tích kỹ hơn phần dự báo về tác động của dịch Covid-19 đối với kế hoạch phát triển của nhiệm kỳ 2020-2025. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần kiên trì phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh; Phấn đấu đi đầu cả nước trong phát triển Chính phủ số, chính quyền số.
Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, Hà Nội là Thủ đô nên cần quan tâm đến các yếu tố phát triển bền vững. “Hà Nội đang có đà và rất nhiều điều kiện thuận lợi để tăng tốc phát triển kinh tế, xã hội nhưng nếu chúng ta không chú trọng đến yếu tố bền vững thì những lợi thế đó sẽ dần trở thành bất lợi. Chẳng hạn về nguồn lực đất đai của Hà Nội, nếu không quan tâm đến yếu tố bền vững thì sẽ không còn đất để thu hút đầu tư, các nhà đầu tư sẽ đi tỉnh khác…”, đồng chí Tô Lâm phân tích.
Phó Thủ tướng Thường trưc Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị |
Bộ trưởng Bộ Công an mong muốn Hà Nội có quy hoạch Thủ đô, quy hoạch kiến trúc với tầm nhìn dài hạn. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, người dân, doanh nghiệp đều mong muốn được biết thành phố Hà Nội quy hoạch phát triển thành phố trong 10 năm tới ra sao, 50 năm tới ra sao để có những kế hoạch cho mình. Khi thành phố làm tốt được quy hoạch này, sản phẩm quy hoạch được công bố công khai thì không những tạo được niềm tin mà còn là cơ sở, là động lực để phát triển Thủ đô bền vững. “Thậm chí, Thủ đô phải làm mẫu mực cho cả nước về vấn đề này, để các tỉnh thành khác nhìn vào”, đồng chí Tô Lâm nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, Hà Nội phải phát triển hạ tầng giao thông đi trước, phát triển đô thị theo sau; Làm tốt hơn công tác quy hoạch để Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh. “Hà Nội là nơi đi đầu về thu hút đầu tư, nên thành phố phải chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, lao động để tạo thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đầu tư, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ trong thực thi công vụ, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, trục lợi chính sách...”, đồng chí Trương Hòa Bình nói.
Hà Nội phải là nơi ngưng tụ nhân tài
Phát biểu góp ý, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã được xây dựng trên tinh thần cầu thị, công phu, khoa học, bài bản; Thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm đi đầu của Thủ đô. Đặc biệt dự thảo khác với các địa phương ở việc đưa ra phương hướng tầm nhìn đến năm 2045; Đề cập đến sự hợp tác phát triển với địa phương khác trong vùng Thủ đô và cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu góp ý tại hội nghị |
Nhất trí với kết cấu dự thảo báo cáo, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nội dung về công tác xây dựng Đảng của thành phố viết khá đầy đủ nhưng vẫn còn ít, còn thiếu. Hà Nội cần “gia công” thêm để trở thành một mục lớn quan trọng trong báo cáo và nêu sâu sắc, rõ nét hơn cho tương xứng với kết quả, vị trí then chốt của lĩnh vực này.
Thủ tướng cũng nhất trí cao việc đưa chữ “gương mẫu” trong chủ đề đại hội và phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”; Đồng thời gợi ý thêm yếu tố “hội nhập, phát triển bền vững” vào chủ đề đại hội.
Đánh giá cao 5 bài học kinh nghiệm sâu sát thực tiễn của Hà Nội, Thủ tướng cho rằng, những bài học kinh nghiệm ấy không chỉ đúng với Hà Nội mà còn với cả nước; Đồng thời đề nghị Hà Nội nghiên cứu sâu sắc các bài học này để định hướng những nhiệm vụ trong thời gian tới; Từ đó, đưa ra những cách làm mới trong nhiệm kỳ mới.
Về 3 khâu đột phá của thành phố trong nhiệm kỳ tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cân nhắc thêm về thứ tự các khâu đột phá lần lượt là: Thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Trong đó, Hà Nội phải sớm khắc phục triệt để những chỉ số thành phần còn thấp trong cải cách hành chính, tạo sức hút với nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Nhấn mạnh giải pháp huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển trong giai đoạn mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố tiếp tục coi trọng và huy động nguồn lực từ đất; Tập trung rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Phát triển chùm đô thị hoàn chỉnh, phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng tại huyện Đông Anh và 5 đô thị vệ tinh.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị |
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, tư duy tầm nhìn của Hà Nội phải hướng tới cạnh tranh với các thành phố trong khu vực Châu Á như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Bắc Kinh (Trung Quốc)… và hướng tới tầm nhìn này cho 15-20 năm tới. Hà Nội phải là nơi ngưng tụ nhân tài, hội tụ đoàn kết, quyết tâm, bền trí, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cho rằng, Hà Nội có thể xem xét đề nghị với Trung ương, với Chính phủ làm thí điểm, đi tiên phong cả nước về nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, phát triển Thủ đô theo mô hình chùm đô thị hoàn chỉnh, phát triển đô thị trung tâm, khu vực đô thị Sông Hồng, khu vực phía Bắc và lựa chọn xây dựng một số khu đô thị vệ tinh đồng bộ, hiện đại, tiết kiệm đất, giữ được bản sắc kiến trúc Hà Nội, kiến trúc dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh, tiêu biểu, gương mẫu rất quan trọng, cùng với việc xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện để khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển. Đây chính là sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm và động lực tinh thần to lớn cho phát triển Thủ đô.
Những vấn đề ở Thủ đô là những đề nhạy cảm, cần phải quan tâm, nếu giải quyết tốt thì lan tỏa cả nước. Thủ tướng cho rằng, Hà Nội phải có tầm cạnh tranh với các thủ đô trên thế giới.
Thủ tướng gợi ý một số trụ cột quan trọng để phát triển, đó là nền kinh tế cạnh tranh; quy mô, môi trường kinh doanh, chất lượng thể chế là những lợi thế. Đó là bản sắc, một nền văn hóa truyền thống lịch sử thiêng liêng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. |
Trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những ý kiến góp ý là cơ sở để thành phố khẩn trương hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị có chất lượng tốt nhất.
Đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định, cùng với việc tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy cũng sẽ tiếp thu các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài. Trong đó, thành phố đã đưa vào nội dung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Mạng lưới sáng kiến Hà Nội để tập hợp tinh hoa ở trong nước và ngoài nước cho mục tiêu phát triển Thủ đô.
Thành phố đang cố gắng để ra mắt Mạng lưới sáng kiến Hà Nội vào dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội trong tháng 10 tới. Thành phố cũng sẽ xây dựng các chương trình hành động để thực hiện các nghị quyết của Trung ương và thành phố; Xử lý những dự án kéo dài, tập trung khai thác nguồn lực từ đất đai, đội ngũ trí thức; Quyết tâm thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, với quyết tâm tăng trưởng GRDP cao gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của cả nước và hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2020 là 285.000 tỷ đồng; Hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020.