Thu hút học viên vào các ngành nghề khó tuyển
Nghịch lý nghề khó tuyển học viên đang “khát” nhân lực
Nhu cầu nhân lực ngành nông, lâm, ngư nghiệp cũng đang rất “khát”. “Đầu ra” việc làm ngành nông, lâm, ngư rất đa dạng, học viên nghề có thể tìm việc ở nhiều doanh nghiệp liên quan đến nông lâm ngư nghiệp, các công ty thức ăn gia súc, thuốc thú y, công ty thực phẩm, công ty giống cây trồng vật nuôi, các tập đoàn – công ty lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các công ty chuyên khoa học đời sống, công ty phân bón, những trang trại, hợp tác xã nông nghiệp,… và cũng có thể tự khởi nghiệp.
Các ngành nghề nông lâm ngư nghiệp khó tuyển sinh học viên |
Việt Nam vẫn là một quốc gia có thu nhập chủ yếu đến từ nông nghiệp, nhu cầu về lao động trong lĩnh vực này rất lớn, tuy nhiên ngày nay nhiều người trẻ vẫn còn tâm lý e ngại khi chọn những ngành liên quan đến nông nghiệp.
Thậm chí, nhiều học viên còn e ngại khi học nghề nông nghiệp vì sợ sẽ khó xin việc tại Hà Nội. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay nông nghiệp chuyển sang ứng dụng công nghệ cao, không có nghĩa học viên ra trường sẽ phải làm trực tiếp.
Nguyên nhân khiến nhiều ngành nghề khối kỹ thuật khó tuyển sinh xuất phát từ sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Hiện nay đa số học viên có xu hướng lựa chọn nhóm ngành nghề về dịch vụ, thương mại, làm đẹp, du lịch, công việc có tính chất nhẹ nhàng, thu nhập tốt, nhóm ngành kỹ thuật ít được quan tâm hơn.
Em Nguyễn Phương Linh (học sinh Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết “Em sợ học những nghề nhóm kỹ thuật, nông lâm nghiệp khó xin việc ở Hà Nội. Tâm lý lựa chọn ngành nghề của giới trẻ hiện nay thường ưa thích những công việc nhẹ nhàng, dễ xin việc tại các thành phố lớn như các nghề dịch vụ, du lịch… hơn là những ngành nghề mang tính kỹ thuật, yêu cầu phải lao động trực tiếp vất vả”.
Tăng cường giải pháp thu hút thí sinh vào các ngành khó tuyển
Theo chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022), tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70% là một trong những mục tiêu đến năm 2030.
Lĩnh vực nông lâm - ngư nghiệp được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sự phát triển và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.
Giáo viên trường Trung cấp nghề Hội Nông Dân Việt Nam đang hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng dịch trên gia cầm cho học viên lớp chăn nuôi thú y xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) |
Nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đã chuyển đổi bằng cách ứng dụng khoa học và công nghệ trong hầu hết các công đoạn của quá trình sản xuất nông nghiệp.
Sản phẩm của ngành nông nghiệp, ngư nghiệp có xu hướng hướng đến sản xuất hữu cơ, có chất lượng tốt, sạch. Mô hình trang trại hoặc cơ sở nuôi trồng, chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn dần được ưa chuộng và đón nhận…
Để nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của trường trong lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trường Trung cấp nghề Hội Nông Dân Việt Nam đã có nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy.
TS. Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nông dân Việt Nam cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy đạt chất lượng, Trường luôn nắm bắt xu thế đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của thị trường lao động.
Các giáo trình định kỳ được chỉnh lý, biên soạn bổ sung, cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động”.
Hiện, Nhà trường đang triển khai công tác tuyên truyền, tuyển sinh khóa 10 (niên khóa 2023-2025) theo quy định. Đồng thời, nhà trường cũng đang đào tạo Khóa 8 (niên khóa 2021 – 2023) với 3 lớp cho 102 học sinh tại thành phố Hà Nội; Khóa 9 (niên khóa 2022 – 2024) với 7 lớp cho 238 học sinh tại thành phố Hà Nội. Nhà trường cũng có nhiều hoạt động phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp nghề, đào tạo thường xuyên cho lao động nông thôn tại các đại phương.
Hàng năm, Trường đã phối hợp với UBND, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Long An và thành phố Đà Nẵng để triển khai tuyển sinh, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân và lao động nông thôn tại các địa phương.
Nhu cầu nhân lực đối với những ngành nghề nông lâm ngư nghiệp là rất lớn, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng đồng hành cùng cơ sở đào tạo trong việc chi trả học phí, sinh hoạt phí cho người học. Việc tăng cường kết nối với doanh nghiệp sẽ giúp giải bài toán khó về tuyển sinh tại nhiều ngành “khó tuyển sinh”.
Bên cạnh đó, với những ngành nghề cần cho sự phát triển của xã hội, nhưng đang thiếu nguồn nhân lực, nhà trường cần có những chính sách hỗ trợ học viên trong quá trình đào tạo nghề, nhất là những học viên thuộc khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các chính sách về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt sẽ góp phần thu hút thí sinh tốt hơn.
Do đó, trong thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ đẩy mạnh dự báo về nhu cầu lao động trong tương lai để học sinh thấy rõ được cơ hội nghề nghiệp, vị trí việc làm từng ngành nghề;
Trong đó đề xuất các giải pháp như chính sách hỗ trợ, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, đào tạo hợp tác quốc tế để tăng sự thu hút của các ngành nghề với thí sinh, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng như phòng thí nghiệm, thực hành…