Thực hiện ba khâu đột phá, kinh tế Thủ đô tăng trưởng gấp 1,6 lần cả nước
Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá
Theo đó, từ đầu năm 2023, TP đã tập trung chỉ đạo 3 khâu đột phá. Khâu đột phá thứ nhất về phát triển hạ tầng KTXH, nhất là các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh; dự kiến hoàn thành Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…
Khâu đột phá thứ hai về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng; đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô... Xây dựng và triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn.
Khâu đột phá thứ ba về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh; Đào tạo lao động, hỗ trợ học nghề được tăng cường; Đào tạo lao động - một chỉ số thành phần của PCI luôn duy trì trong top 5 của cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn báo cáo tại kỳ họp |
Qua đó, bức tranh KTXH Thủ đô có một số điểm nổi bật: Tổng thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm là 220.121 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán, bằng 122,9% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 39.769 tỷ đồng, đạt 37,8% dự toán, bằng 126,8% so với cùng kỳ, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 15.930 tỷ đồng, đạt 33,9% dự toán.
Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; Bình quân 6 tháng tăng 1,22% - thấp hơn cùng kỳ là 3,25%, thấp hơn cả nước là 3,29% và đạt mục tiêu đề ra là dưới 4,5%.
Tăng trưởng GRDP được duy trì, đạt gấp 1,6 lần mức tăng cả nước. GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,97% - là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung - cầu do xung đột vũ trang Nga - Ukraine và từ tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia…
Du lịch và vận tải hành khách phục hồi mạnh; Tổng khách du lịch tăng 42%, khách quốc tế tăng 7 lần. Số lượt hành khách vận chuyển tăng 25,1%.
Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt 2.265 triệu USD, dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022; Doanh nghiệp tiếp tục phát triển với 15.618 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5%.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19. Đoàn thể thao Hà Nội tham dự SEA Games 32 đạt thành tích ấn tượng với 99 huy chương - gần 1/3 tổng số huy chương toàn đoàn Việt Nam. Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn TP đạt 58,7%; trong đó, trường công lập đạt 72,3%.
Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được cải thiện; An sinh xã hội được đảm bảo; Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Cải cách hành chính, thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” được đẩy mạnh; Đã tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư, hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu, đạt 100% kế hoạch.
Chỉ số PAR Index 2022 tăng 7 bậc, Chỉ số SIPAS tiếp tục giữ nguyên thứ hạng. Thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và biên chế; Triển khai thực hiện việc cập nhật dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của TP vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia…
Các đại biểu dự kỳ họp |
Củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: Kim ngạch xuất, nhập khẩu suy giảm. GRDP, sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, vận tải hàng hoá duy trì tăng khá, tuy nhiên mức tăng đạt thấp hơn cùng kỳ và kịch bản đề ra.
Doanh nghiệp còn khó khăn. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng khá nhưng số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm, tạm ngừng hoạt động tăng. Đấu giá đất gặp khó khăn; Thu tiền đấu giá đất, tiền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu ngân sách và kế hoạch đầu tư công. Chuyển đổi số vẫn chậm so với yêu cầu; Hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin đạt thấp so với mục tiêu đề ra…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm là 7,0% thì quý III phải tăng từ 7,54% trở lên, quý IV phải tăng từ 8,23% trở lên - đây là nhiệm vụ rất thách thức, TP tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm, đồng thời tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Đảm bảo tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát, TP tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng; Kiên định mục tiêu đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH...
TP cũng cần đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhất là các công trình trọng điểm (Đường Vành đai 4; Các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích…); Tăng trách nhiệm người đứng đầu; Đưa kết quả giải ngân thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2023...
Bên cạnh đó, TP thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; Trình duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai thực hiện nhiệm vụ đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Hoàn thiện, trình phê duyệt một số quy hoạch đô thị vệ tinh, quy hoạch vùng huyện.
Đồng thời, TP tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, tích cực tham gia hệ thống mạng lưới các đô thị xanh ở khu vực và quốc tế…