Thương mại điện tử - “Mảnh đất” kinh doanh đầy màu mỡ
Mua sắm trực tuyến được xem là xu thế tất yếu của người tiêu dùng bởi sự ưu việt của nó như tiết kiệm thời gian, giao dịch thuận tiện và chi phí được tối ưu
Bài liên quan
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ngân hàng mở tài khoản cho chùa Ba Vàng có đúng luật?
Vietcombank: Khẳng định vị thế dẫn đầu, vững vàng để hội nhập
Ký biên bản ghi nhớ hợp tác vận hành các nhà máy nước 100 triệu đô la Mỹ
Xu thế tất yếu
Thương mại điện tử là lĩnh vực hoạt động kinh tế không còn xa lạ với nhiều quốc gia bởi sự ưu việt của nó như tiết kiệm thời gian, giao dịch thuận tiện và chi phí được tối ưu. Trong khi đó, với cách làm truyền thống, khi giới thiệu sản phẩm là phải chuyển hàng hóa sang tận nơi, có thể mất hàng tháng mới đến được các thị trường mong muốn, điều này dẫn đến chi phí sản phẩm tăng cao và chất lượng giảm sút.
Do đó, việc áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh là một xu thế tất yếu. Thực tế ở nước ta cũng đã cho thấy, không ít doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử cũng như tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử đã mang lại những kết quả rất khả quan, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ khi có được cơ hội tìm thấy những khách hàng bên ngoài giới hạn địa lý của một tỉnh, thành phố hay một quốc gia.
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2019 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho thấy, trong nhiều năm liền, Facebook luôn dẫn đầu là kênh doanh nghiệp tin dùng nhiều nhất để hỗ trợ quảng cáo website/ứng dụng di động trong công ty (năm 2018 tỷ lệ doanh nghiệp có dùng mạng xã hội để quảng cáo lên tới 49% và tăng 6% so với năm 2017), hình thức thông dụng thứ 2 là các công cụ tìm kiếm (33%) và thông qua tin nhắn/email quảng cáo (28%).
Khảo sát của Vecom cũng chỉ ra có tới 20% doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra chưa tiến hành quảng bá trực tuyến, tỷ lệ này có giảm đôi chút so với năm 2017 nhưng vẫn còn là một con số khá cao trong thời đại công nghệ số. Có tới 58% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, mới chi dưới 10 triệu đồng trong năm qua để làm chi phí quảng cáo website/ứng dụng di động qua các phương tiện trực tuyến và ứng dụng di động, xét về tổng thể tỷ lệ này càng cao thì nhận thức cũng như hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo do doanh nghiệp triển khai thực tế chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp chi thêm ngân sách.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp chi từ 10 - 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến chiếm 32% (giảm 4% so với năm 2017) và tỷ lệ doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến mới chiếm 11% (tăng 3% so với năm 2017.
Xét trong nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì dẫn đầu về tỷ lệ doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng bá trực tuyến vẫn là Hà Nội (22% doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng) và Thành phố Hồ Chí Minh (18%).
Chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, thương mại điện tử và công nghệ số đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn, nhờ vào tính cạnh tranh bình đẳng và linh hoạt của môi trường kinh doanh số. Do vậy, để cạnh tranh trong môi trường năng động và có hàm lượng công nghệ cao của nền kinh tế số, các doanh nghiệp cần đổi mới cách tư duy, xây dựng những mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo, tránh lối mòn của các doanh nghiệp đi trước.
Ðồng thời, các doanh nghiệp trong nước cần đầu tư hệ thống hậu cần mạnh với lượng hàng hóa dồi dào, có chất lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đề cao chữ tín trong kinh doanh, vì với hình thức mua bán trực tuyến, uy tín là điều quan trọng nhất để giữ chân khách hàng. Dự báo, năm 2019 thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài, vì vậy trong thời gian tới, để cạnh tranh tốt hơn, các nhà bán lẻ phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hình thức bán hàng online (trực tuyến) song song với hình thức offline (truyền thống), điều này sẽ càng khiến lĩnh vực thương mại điện tử ở nước ta tiếp tục phát triển ngày càng sôi động hơn.
Nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại điện tử – Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, mục tiêu của Bộ Công thương là xây dựng chương trình xúc tiến thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 và đề ra nhóm giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử tại các địa phương để thu hẹp khoảng cách số của các địa phương tại các thành phố lớn.
Theo định hướng quản lý thương mại điện tử trong bối cảnh bùng nổ kinh doanh trực tuyến hiện nay, Bộ Công thương đã trình Chính phủ nhiều văn bản để quản lý thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Bộ thường xuyên phối hợp với Cục Quản lý thị trường xử lý vi phạm. “Trong năm qua, riêng Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số, Bộ Công thương đã xử phạt hơn 20 vụ vi phạm trong lĩnh vực này. Các hành vi vi phạm chủ yếu là minh bạch thông tin, hành vi giao dịch và các trách nhiệm liên quan”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, để bảo vệ người tiêu dùng tránh việc mua phải hàng giả, hàng nhái trên Internet, hiện Bộ Công thương đang cùng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia xây dựng kế hoạch tổng thể chống nạn buôn bán hàng giả, hàng lậu trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất. Ðồng thời, Chính phủ và các doanh nghiệp cần kết hợp với người tiêu dùng đẩy mạnh hoạt động truyền thông và giáo dục, hướng dẫn trong toàn xã hội để thanh toán điện tử trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc với người dân cũng như đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ thanh toán điện tử nói riêng và thương mại điện tử nói chung.