Thưởng thức ba món ăn độc đáo, đặc trưng của vùng đất Bình Dương
Thành phố mới Bình Dương xứng tầm là trung tâm vùng đổi mới sáng tạo |
Độc đáo bánh bèo bì hơn 100 năm tuổi
Từng miếng bánh nhỏ xinh, trắng muốt được phết đậu xanh trên đĩa, phủ lên một lớp bì trộn với thịt nạc thái sợi nhỏ xíu, thêm màu xanh của rau sống và dưa leo xắt sợi. Trước khi ăn, bạn sẽ rưới lên nước chấm chua ngọt, có lẫn sợi củ cải và cà rốt bào nhuyễn, thêm muỗng ớt bằm cay xè.
Người đầu tiên nghĩ ra món bánh bèo bì này là cụ Đỗ Thị Kiểng. Hơn 100 năm trước, cụ Kiểng gánh bánh bèo đi bán dạo khắp nơi. Khách ăn ngày một đông vì món ăn vừa ngon vừa lạ. Bánh bèo ở các vùng khác ăn với đậu xanh hoặc nhân tôm, thịt chứ không ăn với bì heo trộn thịt nạc, vốn là thành phần của món cơm tấm miền Nam. Cụ Kiểng thấy đông khách nên đã mở quán tại chính căn nhà của mình, sau để lại cho con gái, rồi đến các cháu nối nghiệp.
Cách đây vài chục năm, quán bánh bèo bì Mỹ Liên gần chợ Búng, nay thuộc thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, là nơi lui tới của những nghệ sĩ cải lương tài danh như Út Bạch Lan, Bạch Tuyết... hay các đại gia người Hoa từ Chợ Lớn ghé về.
Để cho ra đời được những chiếc bánh bèo bì ngon, gia đình phải kỳ công chọn loại gạo dẻo thì bánh mới mềm mại, ăn vào thấy như tan trong miệng. Bì chọn phần da lưng heo luộc chín, lọc sạch thái nhỏ. Thịt nạc lưng luộc xong, cắt sợi, trộn với tỏi và gia vị cho thơm, sau đó trộn đều tỷ lệ hai phần nạc, một phần da, một phần mỡ, cho một ít thính.
Sự hấp dẫn của bánh bèo bì Mỹ Liên còn nằm ở cách pha nước chấm. Chủ quán tiết lộ phải dùng nước mắm nguyên chất, thêm đường và giấm nấu lửa nhỏ, không cho nổi bọt thì nước chấm mới trong. Sau đó, mới cho tỏi, ớt, đồ chua vào.
Ngoài ra, con cháu của cụ Kiểng còn mở thêm các quán bánh bèo bì Mỹ Liên 1 và 2 cũng đều tạo được uy tín bởi món ăn do cụ mình sáng chế ra từ hơn 100 năm trước.
Đậm đà hương vị nem Lái Thiêu
Nem chua ở đây cũng được làm như ở các vùng khác, nhưng lại có hương vị rất đặc trưng do chính bàn tay của người dân nơi đây làm ra.
Cầm trên tay chiếc nem chua Lái Thiêu, mở nó ra màu hồng tươi tuy không rực rỡ, nhưng đủ quyến rũ ngay bạn cái nhìn đầu tiên. Cắn một miếng vị chua, ngọt, bùi, cay, thấm nơi đầu lưỡi khiến bạn thích thú, cảm giác vô cùng tuyệt vời.
Không ngại ngùng gì múc hầu bao ra, mua vài chục nem Lái Thiêu đặc sản Bình Dương về để thưởng thức và làm quà cho người thân, bạn bè của mình.
Cách làm nem Lái Thiêu tưởng chừng như đơn giản nhưng để nem được ngon, tròn vị người làm phải thật khéo tay và có kinh nghiệm trong việc nêm nếm.
Đầu tiên sau khi mua thịt đùi ngon về, người ta sẽ dùng dao bỏ hết gân mỡ, thái lát, để khô ráo. Sau đó thái lát to, lau khô rồi cho vào cối để xay nhuyễn, cho gia vị tiêu, bột ngọt, muối và trộn đều lên. Còn da heo đem đi luộc, chú ý chỉ luộc chín vừa, không để da chín quá, sau đó thái thành sợi nhuyễn.
Đối với mỡ thì đem luộc, xắt thành sợi nhuyễn, ướp đường để mỡ được trong. Sau đó, cho mỡ vào chảo và phi tỏi, sau đó vớt bỏ tỏi đã phi đi, lấy nước mỡ.
Tiếp đến cho các nguyên liệu đã chế biến gồm thịt nhuyễn, da heo, mỡ xắt sợi, mỡ nước trộn vào nhau thật đều.
Đối với lá vông và lá chuối người ta sẽ đem rửa sạch và lau khô. Bưng thau nguyên liệu đã trộn lúc nảy ra và dùng tay tạo thành khối vuông, cho thêm một vài hạt tiêu, lát tỏi, và ớt vào rồi dùng lá vông để gói trước, giúp hút nước thừa trong thịt và để nem lên men.
Sau đó dùng lá chuối để gói bên ngoài, cứ 10 chiếc nem bạn xâu thành một chùm và để sau ba ngày là có thể dùng được.
Vấn vương gỏi gà măng cụt
Gỏi gà măng cụt là món ăn độc đáo riêng biệt của vùng miệt vườn Lái Thiêu. Có lẽ, do đặc trưng nơi đây có nhiều trái cây nên người bản xứ đã nghĩ ra món ăn kết hợp với những thứ có sẵn trong vườn nhà.
Để làm món gỏi này, bạn phải biết chọn măng cụt. Muốn có độ giòn tươi bắt vị thì quả được chọn là loại vỏ da xanh, nhưng đã đủ độ già. Sơ chế nguyên liệu cũng không kém phần kì công, chịu khó lột lớp vỏ cứng, tách lấy ruột và ngâm trong nước chanh để giữ độ giòn và mất đi cái chát đắng. Cũng nhờ sự kĩ lưỡng ấy mà thịt quả luôn trắng mướt để món thêm bắt mắt.
Người miền Nam luôn tận dụng thịt gà ta thả vườn trong các món ăn. Bởi độ săn chắc, ngọt mềm của từng xớ thịt gà luộc sẽ làm món ăn thêm bắt vị và mang đậm chất miệt vườn nhất. Gà được xé nhỏ rồi trộn cùng muối tiêu, mắm chua ngọt cho thật dậy mùi.
Cuối cùng là trộn cùng măng cụt đã cắt thành lát tròn vừa miệng, thêm thắt cà rốt, hành tây cho đủ sắc hương. Điểm xuyết bên trên là rau răm, hành phi, đậu phộng rang... như thế đã đủ khiến bạn "chảy nước miếng" chưa nào?
Khi thấm thật đều gia vị thì ngoài cái giòn, ngọt, măng cụt còn đưa đẩy vị giác ở chút chua chút chát nhai đã miệng. Mùi thơm đan xen vào từng xớ thịt gà dai dai, có da có thịt đủ đầy béo bùi cân bằng. Dường như mỗi thành phần cứ thế mà bung tỏa rồi lại hòa quyện vào nhau một cách tinh tế.
Còn gì bằng chấm một đũa vừa măng cụt vừa gà trọn trong chén mắm tỏi ớt, từng tầng hương vị khiến người ta cứ vương vấn mãi. Đôi khi còn có thêm chiếc bánh tôm chiên phồng để lót cùng, như thế mới tròn vị.
5 món ăn ngày Noel được nhiều người yêu thích nhất |
Những món ăn của Hà Nội khiến thực khách trầm trồ |
Thân thương, nhớ mãi những món ăn "bất chấp'' cái nóng hè Hà Nội |