Tiến sĩ trẻ tạo ra các giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu
Đam mê khoa học
Theo tiến sĩ Hà, công nghệ sinh học là một trong những ngành mũi nhọn hiện nay, đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh lựa chọn ngành này để theo học rất tình cờ.
“Thời đó, tôi lựa chọn Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) bởi lẽ đây là ngôi trường có bốn hồ nước rất đẹp, vườn táo ngon và có rất nhiều sân thể thao để thỏa mãn sức trẻ đầy ương bướng của tuổi 17. Tôi mang tinh thần đó bước vào ngành học được xem là khó nhất. Hiển nhiên tôi rất may mắn khi học qua được 3 trên tổng số 14 môn học trong năm thứ nhất”, tiến sĩ Hà kể.
Tiến sĩ Chu Đức Hà |
Anh tiếp tục cố gắng để sau khi tốt nghiệp, một lần nữa may mắn được công tác tại nhóm nghiên cứu xuất sắc của TS Nguyễn Thị Thanh Thủy tại bộ môn Sinh học Phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp. Năm 2014, anh theo học nghiên cứu sinh ngành Công nghệ Sinh học tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam dưới sự hướng dẫn của TS Lê Tiến Dũng.
Từ đó, dần dần, dưới sự hướng dẫn, dìu dắt và định hướng của các anh chị đi trước và từ lúc nào không hay tiến sĩ Hà đã dành tình yêu với ngành Công nghệ sinh học. Năm 2019, anh bảo vệ luận án tiến sĩ, khi đã sở hữu ba tấm bằng đại học chính quy.
Công tác tại Viện Di truyền nông nghiệp, được tiếp xúc với môi trường khoa học chuyên nghiệp đã giúp anh có cơ hội theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu. Đặc biệt, được làm việc với các đồng nghiệp xuất sắc giúp anh có cơ hội học hỏi và sáng tạo. Hiện nay, tiến sĩ Hà và nhóm nghiên cứu đã sử dụng công cụ chọn giống phân tử hiện đại để cải tiến một số giống lúa ứng phó biến đổi khí hậu.
Từ những ý tưởng trên lý thuyết, anh là đồng tác giả cho ra đời 2 giống lúa và 1 quy trình kỹ thuật cải tiến giống lúa cho năng suất cao và chống chịu được các điều kiện thời tiết bất thuận (ngập, mặn...).
Tiến sĩ Chu Đức Hà tham gia chương trình giao lưu "Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam" |
“Chúng tôi đã cải tiến giống lúa sản xuất, vốn rất mẫn cảm với các yếu tố môi trường bất lợi, bằng kỹ thuật tích hợp gene. Chúng tôi đã tạo ra dòng, giống mới, giữ đặc tính nền, năng suất cao và tăng cường khả năng chống chịu, phù hợp với những địa phương chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt”, tiến sĩ Hà cho biết.
Sở hữu số lượng công trình khoa học đồ sộ
Hiện giống lúa SHPT3 của nhóm nghiên cứu tại Viện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống chính thức, cho sản xuất tại các tỉnh phía Bắc. Giống lúa HL5 cũng đang được sản xuất thử nghiệm tại các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu còn triển khai lai tạo những dòng lúa ưu tú tích hợp đa gen kháng (ngập + mặn, đạo ôn + bạc lá + rầy nâu).
"Hy vọng một vài vụ tiếp theo, các giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu này sẽ được canh tác ở những vùng chịu ảnh hưởng khí hậu khắc nghiệt để giúp cải thiện tình hình an ninh lương thực cho bà con nông dân”, tiến sĩ Hà chia sẻ.
Tình yêu với khoa học là động lực để tiến sĩ Hà miệt mài lao động. Ở tuổi 32, anh là tác giả của 108 bài viết, công bố khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 19 công trình đăng tại các tạp chí quốc tế.
Tiến sĩ Chu Đức Hà (thứ hai từ phải sang) với hoạt động đẩy mạnh nghiên cứu khoa học thanh niên giữa các tổ chức Đoàn cơ sở |
Theo tiến sĩ Hà, để có những công trình khoa học này, anh đã kết nối các nhà khoa học trẻ trong nước ở các viện, trường đại học, tạo được cộng đồng đủ mạnh. Hiện anh là thành viên của 5 - 6 nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước, trong đó có nhóm nghiên cứu của TS Trần Phan Lam Sơn thuộc trung tâm RIKEN CSRS - Nhật Bản.
Trong các nhóm này, anh đều là người trẻ nhất. Để có được uy tín với các nhà khoa học lớn trong nước và quốc tế, tiến sĩ Hà đã luôn cố gắng và thậm chí phải hy sinh những công việc cá nhân để dành toàn tâm cho nghiên cứu khoa học.
“Vì nghiên cứu với các nhóm ở Nhật, lệch múi giờ nên chuyện làm việc ban đêm là thường xuyên. Tôi cũng thường nói với các bạn trẻ là muốn nước mình ngang bằng với các nước trong khu vực thì ngủ ít thôi, vì một ngày chỉ có 24 giờ”, tiến sĩ Hà tâm sự.
Không chỉ đạt nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Hà còn là một thủ lĩnh Đoàn năng động. Là Bí thư Đoàn Thanh niên của Viện Di truyền Nông nghiệp, anh luôn cố gắng xây dựng các hoạt động gắn liền với chuyên môn như: Chương trình “Nhà khoa học trẻ thời đại”, hội nghị khoa học thanh niên… cũng như xuất bản tạp chí và ấn phẩm số dành riêng cho các nghiên cứu độc lập của thanh niên.
Dưới sự hỗ trợ của Đoàn cấp trên, các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở được ưu tiên dành cho thanh niên dưới 35 tuổi. Bên cạnh đó, lãnh đạo Viện đồng ý tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên trở thành 1 kênh đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp.
"Quỹ NAFOSTED của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như chương trình hỗ trợ cán bộ khoa học trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là hai trong số những kênh rất phù hợp với các nhà khoa học trẻ có bản lĩnh và có tài thực sự. Tôi rất hy vọng sẽ có thêm những chương trình tương tự như quỹ NAFOSTED (ở quy mô nhỏ hơn) để tiếp tục giữ "lửa đam mê" cho những cán bộ nghiên cứu trẻ (dưới 35 tuổi) tài năng trong các lĩnh vực", tiến sĩ Hà cho biết.
Mặt khác, anh tăng cường các hoạt động mở rộng trao đổi thông tin và gắn kết giữa các đơn vị nghiên cứu, đào tạo và các địa phương trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp. Những hoạt động này đã tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ mở rộng tầm nhìn, sức sáng tạo và qua đó tăng thêm cơ hội hợp tác, kết nối.