Tiếng nói trẻ em làm thay đổi nhận thức của người lớn
Nhiều hoạt động ý nghĩa trước thềm phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I Sôi nổi thảo luận chủ đề phòng chống xâm hại, bạo lực ở trẻ em |
Sáng 10/9, tại hội trường Diên Hồng (tòa nhà Quốc hội) diễn ra phiên toàn thể phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023.
Dự chương trình có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023 là hoạt động thực hiện Luật trẻ em năm 2016; Cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Phiên họp được Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức.
Các vị đại biểu tham dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" |
Cơ sở để ban hành các chính sách pháp luật
Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nổi bật nhất có thể kể đến Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và nhiều chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện nhưng công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều trẻ em ở miền núi, vùng cao, dân tộc thiểu số chưa có đủ điều kiện để tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế có chất lượng cao, chưa được bảo đảm tốt về dinh dưỡng. Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích nhất là đuối nước còn xảy ra ở nhiều địa phương. Rất nhiều trẻ đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin trên mạng internet…
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại chương trình |
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và thiếu nhi đã lựa chọn hai nhóm vấn đề rất có tính thời sự là: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em” để thảo luận và kiến nghị.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng biểu dương thành tích, sự nỗ lực của thiếu nhi tham dự phiên họp giả định. Đây là những tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, cũng là niềm hi vọng của đất nước.
“Dù tuổi còn nhỏ nhưng các cháu đã chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, thể hiện sự chững chạc, phong thái tự tin, có suy nghĩ chín chắn, sâu sắc khi đóng vai là những đại biểu Quốc hội, thậm chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ trong điều hành, thảo luận và có nhiều đề xuất, kiến nghị rất xác đáng để giải quyết những vấn đề của trẻ em. Bác mong các cháu tiếp tục phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, sau này đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước |
Người đứng đầu Quốc hội cũng khẳng định, chính sự thể hiện xuất sắc của thiếu nhi cho thấy mô hình phiên họp Quốc hội giả định góp phần thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em; Hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Thực tế cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới. Ý kiến thảo luận của thiếu nhi, đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em. |
6 nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, thực hiện tốt một số nội dung:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, đã đem lại những kết quả tích cực trong thực tiễn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà các em thiếu nhi |
Thứ hai, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; Kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu để đưa quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quyền trẻ em thành một khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp, tương tự như việc thẩm tra về bình đẳng giới hiện nay.
Thứ ba, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề nổi lên trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là những vấn đề thiếu nhi đã kiến nghị tại phiên họp giả đinh “Quốc hội trẻ em”.
Thứ tư, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cần được thực hiện đồng bộ bởi gia đình, nhà trường và xã hội.
Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" |
Thứ năm, tại các địa phương, chính quyền các cấp cần đóng vai trò làm cầu nối, phối hợp giữa chính quyền, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hội đồng Nhân dân, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần tăng cường các hoạt động đối thoại với trẻ em; Nghiên cứu lồng ghép các chỉ tiêu phát triển trẻ em vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; Bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án, đề án về công tác trẻ em.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tòa nhà Quốc hội |
Thứ sáu, đối với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp bộ Đoàn, Đội cần tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; Luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo trong tham mưu, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách sinh động, hiệu quả đến với các đối tượng trẻ em.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan liên quan định kỳ tiếp tục tổ chức ngày càng tốt hơn phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” để lắng nghe, giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em cả nước.
Tại phiên toàn thể phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày tỏ sự ấn tượng trước sự chững chạc, hiểu biết sâu sắc, tư duy mạch lạc cùng khả năng hùng biện sắc sảo, tinh thần trách nhiệm của thiếu nhi đối với các vấn đề nhỏ mà không nhỏ, ở chính lứa tuổi của mình. “Những câu hỏi, trả lời, ý kiến trao đổi của các cháu để lại cho tôi và có lẽ là với tất cả các vị đại biểu người lớn ở đây những suy nghĩ rất sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với những vấn đề sát sườn, thiết thực với trẻ em. Có thể chưa đầy đủ nhưng những chất vấn, phát biểu của các đại biểu tại phiên họp chính là nguyện vọng của trẻ em Việt Nam gửi tới Chính phủ. Không chỉ vậy, đây còn là tiếng nói từ tương lai đặt ra đối với chúng ta khi quyết định về những vấn đề phát triển của đất nước ngày hôm nay”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, cá nhân ông và các lãnh đạo, thành viên Chính phủ sẽ luôn hết sức lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em đặc biệt là những vấn đề đã được quyết nghị trong Nghị quyết phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” để tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật; Xây dựng, ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn. |