Tiếng nói trực tiếp của nông dân trên diễn đàn Quốc gia
Nông dân thảo luận tại Diễn đàn
Bài liên quan
Giảm tình trạng “được mùa mất giá”, nâng thu nhập cho nông dân
Nhiều vấn đề “nóng” đã được các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng giải đáp cho đại diện 63 nông dân xuất sắc năm 2018 tại Diễn đàn này.
*Ông Thái Minh Thức, ấp Cái Nai, xã Hòa Tân, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau “Chúng ta đã có biện pháp gì để đối phó lại với các chính sách bảo hộ thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước, đối tác thương mại? Bao giờ thì chúng ta sẽ thoát được thẻ vàng của EU hay liệu có bị EU rút thẻ đỏ hay không?”
Ông Thái Minh Thức |
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Có những thị trường chúng ta không vướng rào cản thương mại nhưng lại vướng rào cản kỹ thuật. Do đó tùy từng thị trường mà chúng ta có những hướng đi, lộ trình cụ thể để có thể đáp ứng với những yêu cầu của thị trường đó. Riêng vấn đề liên quan đến thẻ vàng EU, để được gỡ bỏ hoàn toàn, chúng ta vẫn cần thực hiện nghiêm những yêu cầu mà Ủy ban châu Âu (EC) đã đặt ra, cụ thể: Chúng ta phải hoàn thiện khung pháp lý; Hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống giám sát hành trình tàu cá; Nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu thông tin tàu cá từ xa gửi về; Thực hiện nghiêm việc truy xuất nguồn gốc…
*Ông Ngô Văn Tiên, xã Nam Giang, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có tác động thế nào đến xuất khẩu nông sản? Trong đó riêng ngành cà phê, hồ tiêu có ảnh hưởng nặng nề không? Nông dân chúng tôi cần phải làm gì để được hưởng lợi trong "cuộc chiến" này?”
Ông Ngô Văn Tiên |
Anh Nguyễn Xuân Thành đến từ Đại học Fubright Việt Nam trả lời: Nói về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến nông sản đó là việc Hoa Kỳ trong 3 đợt đã áp thuế trừng phạt từ 10 – 25% cho 250 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ… Trong gói trừng phạt cả 3 đợt, cà phê và hồ tiêu không có trong danh mục Hoa Kỳ trừng phạt Trung Quốc. Vì vậy, đến thời điểm này, 2 mặt hàng này không ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại… Trung Quốc trả đũa lại khi trừng phạt thuế với hàng xuất khẩu từ Mỹ sang bằng việc áp thuế lên đậu nành và các sản phẩm chế biến, trong đó có thịt lợn. Tác động đầu tiên tới thị trường nông sản đó là các sản phẩm bắt đầu tưng. Mỹ sẽ phải tìm các thị trường khác để xuất khẩu. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nhập khẩu đậu nành, chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ được lợi.
*Anh Nguyễn Văn Hoàng, thôn Minh Sơn, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc: “Trong những năm liên tục ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), những hiệp định này sẽ tác động thế nào đến xuất khẩu nông sản Việt Nam?
Chúng ta cứ hô hào về việc nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản, nhưng tôi muốn hỏi làm thế nào để xây dựng một thương hiệu tốt, đáp ứng các yêu cầu của các đối tác, thị trường thế giới đặc biệt là tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, Trung Đông? Cơ quan quản lý hỗ trợ gì cho chúng tôi?”
Ông Nguyễn Văn Hoàng |
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương: Chính phủ, Bộ Công thương trả lời: Đã có chương trình hỗ trợ thương hiệu cho một số mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu ra nước ngoài.
Cụ thể, chương trình Thương hiệu quốc gia tập hợp một loạt thương hiệu, nhà xuất khẩu uy tín để giới thiệu, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tới nay đã có 88 thương hiệu uy tín tham gia. Chương trình thương hiệu thực phẩm Việt Nam nhằm quảng bá thương hiệu thực phẩm chất lượng Việt Nam ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu thì tới 99% là do nỗ lực của doanh nghiệp. Về phía Chính phủ, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp về vấn đề nâng cao nhận thức, vai trò của doanh nghiệp. Thứ hai là xây dựng quản trị, phát triển thương hiệu.
Thông qua các chương trình này, Bộ Công thương và các Bộ liên quan sẽ quảng bá các thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, báo chí nước ngoài nhằm xây dựng nhận thức của thị trường nước ngoài về thương hiệu nông sản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh trả lời: Vấn đề thương hiệu là hết sức quan trọng. Bởi, hiện có rất nhiều nông sản của chúng ta đã có thương hiệu, đã xây dựng được thương hiệu nhưng không giữ được.
Do đó, để thương hiệu thực sự bền vững, nông sản phải đáp ứng được 2 yêu cầu quan trọng, đó là: Chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phầm.
Để đáp ứng được 2 yêu cầu này, thời gian qua, Bộ NN&PTNT luôn có chương trình lựa chọn những cây, con giống chất lượng cao, đồng thời phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương xây dựng những quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Có như thế chúng ta mới mong xây dựng thương hiệu bền vững cho nông sản Việt.
*Ông Lê Văn Thám ở thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng: “Các nhà quản lý, chuyên gia có thể làm rõ về thực trạng trong việc tổ chức, lưu thông phân phối nông sản trong nước, đặc biệt là về yêu cầu cần làm gì để giảm thiểu các khâu trung gian để tăng lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất cho người nông dân?”
TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Bộ NN&PTNT trả lời: Có 3 vấn đề liên quan đến việc tổ chức, lưu thông phân phối nông sản trong nước là: - Nhà nước có những cơ chế, chính sách hỗ trợ - Tổ chức xúc tiến thương mại - Hỗ trợ cơ sở hạ tầng.
Nhiều năm nay Chính phủ rất quan tâm và có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển việc việc tổ chức, lưu thông phân phối nông sản. Cụ thể, từ năm 2002 Chính phủ ban hành Nghị định 02, sau đó đến năm 2013 ra Nghị định 62 về liên kết sản xuất và mới nhất là tháng 7/2018 ra Nghị định 98 về khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất.
Theo Nghị định 98, Chính phủ ưu tiên 7 loại hình liên kết, trong đó loại hình nào cũng quy định liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Trong 7 hình thức liên kết, Chính phủ cũng chú trọng ưu tiên hình thức nông dân dân liên kết hợp tác với nhau trong các tổ chức đại diện của mình như hợp tác xã, tổ hợp tác.
Để giảm thiểu các khâu trung gian để tăng lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất cho người nông dân thì vai trò của Chính quyền, các tổ chức trong việc tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn, nông dân tham gia liên kết cũng rất quan trọng.
Một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La… đã phối hợp cùng với các bộ, ngành, Chính phủ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại như vải thiểu Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên... Thông qua các hội nghị này, cơ hội tiếp cận giữa nông dân với doanh nghiệp và người tiêu thụ ngày càng gần hơn và tốt lên rất nhiều.
Chính quyền và các nhà quản lý cũng cần quan tâm tới các dịch vụ thương mại, đặc biệt hỗ trợ các kho chứa, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.
*Ông Lã Văn Bắc, thôn Vinh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang: “Bây giờ cơ quan quản lý, truyền thông báo đài nói nhiều về sự liên kết. Vậy làm thế nào để chúng tôi có thể tham gia được chuỗi liên kết này? Nếu tham gia chuỗi liên kết thì chúng tôi được hưởng lợi những gì, doanh nghiệp có hỗ trợ gì cho chúng tôi không?
Ông Lã Văn Bắc |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh trả lời: Đúng là thực trạng nền nông nghiệp nước ta hiện nay vẫn chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm nên hiệu quả kinh tế chưa cao, nhất là khâu tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, chúng ta rất cần xây dựng chuỗi giá trị khép kín, trong đó có sự hợp tác giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản.
Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo các dạng: Thứ nhất là, doanh nghiệp thuê lại đất của nông dân; Thứ hai là doanh nghiệp kí hợp đồng sản xuất với nông dân, sau đó thu mua sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp đã có nhiều hỗ trợ cho bà con khâu đầu vào sản xuất, tư vấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giám sát quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng; hỗ trợ nông dân tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề xây dựng chuỗi giá trị nông sản và đã có hàng loạt chương trình, nghị quyết, trong đó phải kể đến một số thông tư hỗ trợ tiêu thụ nông sản; Nghị định 98 của Chính phủ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết và sản xuất tiêu thụ nông sản. Gần đây, Chính phủ còn ban hành Nghị định 146 về tín dụng trong nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ tín dụng để khuyến khích nông dân, doanh nghiệp tham gia phát triển các chuỗi liên kết.
Trong chuỗi này, rất cần người đại diện cho hộ nông dân, thay vì doanh nghiệp phải làm việc với từng hộ, chính vì thế rất cần có đại diện HTX, tổ hợp tác cùng vào cuộc.
Đây cũng là một trong những lí do mà Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án phát triển 15.000 hợp tác xã kiểu mới, qua đó mong muốn các hơp tác xã là giải pháp hiệu quả giúp nông dân phát triển sản xuất hiệu quả, nông sản làm ra tiêu thụ dễ dàng hơn.
Ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc TH True Milk và ông Phan Minh Tâm, Giám đốc Maketing Công ty Phân bón Bình Điền trả lời: Đồng tình với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khi đề cập đến việc xây dựng chuỗi liên kết thể hiện vai trò của doanh nghiệp và nâng cao năng suất thì phải xây dựng thương hiệu. Các doanh nghiệp cũng mong muốn, thời gian tới, Bộ Công thương đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị cung ứng đầu vào két hợp với các đơn vị tiêu thụ đầu ra và nông dân liên kết với nhau. Như thế, các doanh nghiệp và nông dân sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản... Đồng thời, để mối quan hệ bền chặt, cần phải có sự chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro hài hòa giữa các bên. Nông dân cần chia sẻ với các doanh nghiệp liên kết. Có nhiều trường hợp, khi thực hiện liên kết nhưng chính bà con nông dân lại phá vỡ hợp đồng liên kết khi không sản xuất theo quy chuẩn mà doanh nghiệp yêu cầu…
Ngoài ra, tại 3 phiên thảo luận, các đại biểu còn lắng nghe câu hỏi của ông Phan Văn Hoà, nông dân đến từ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An về vấn đề giống cây trồng đã được coi là một tài sản chưa? Có thể thế chấp ngân hàng không?
Ông Nguyễn Văn Khanh, Ấp B, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có hỏi về vai trò của Hội Nông dân trong việc kết nối sự liên kết và cách tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thuận lợi, nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị cạnh tranh trong nước và xuất khẩu?
Ông Trịnh Văn Tiến, thôn 12, xã Đông Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình có hỏi làm những thủ tục gì để nông dân có thể đưa hàng hóa ra nước ngoài? Tái cơ cấu là gì? Quy hoạch cây trồng như thế nào cho phù hợp?
Ông Trịnh Văn Tiến |
Ông Bùi Việt Tín, thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hỏi: hiện chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước như thế nào? Các ngân hàng thương mại ra sao?
Ông Huỳnh Thanh Bình, ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có hỏi làm thế nào để khắc phục tình trạng đô thị lớn nhưng kinh tế tập thể phát triển chưa tương xứng với tiềm năng?
Ông Ngô Văn Ánh, Thôn Quê, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vai trò của lãnh đạo địa phương trong việc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc xuất khẩu nông sản?
Ông Ngô Văn Ánh |
Tất cả câu hỏi của nông dân tại Diễn đàn đều được ghi nhận và giải đáp cụ thể, giúp nông dân nắm bắt cơ hội và thách thức, từng bước vượt qua khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III năm 2018, chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt” có 3 phiên thảo luận: Tổng quan chợ nông sản Việt; Cùng nông dân đi chợ; Đưa nông sản Việt ra thế giới. Tại các phiên thảo luận, ghi nhận có 11 câu hỏi – trả lời trực tiếp về các vấn đề liên quan.