Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả thiết chế văn hóa
Hà Nội rà soát tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao Nhà ở công nhân: Cần thêm giải pháp đột phá Nhiều giải pháp quản lý, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hoá |
Nhà văn hóa "vừa thiếu, vừa xuống cấp"
Báo cáo tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU với huyện Chương Mỹ vào sáng 2/8, ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, huyện đã chú trọng vào chương trình xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”.
Đồng chí Nguyễn Doãn Toản, UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU |
Trọng tâm của chương trình là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa gắn với việc thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử thành phố Hà Nội được quan tâm chỉ đạo.
Kết quả, đến nay, 30/30 xã và huyện đã đạt chuẩn Nông thôn mới, 5 xã đạt Nông thôn mới nâng cao, ước năm 2023, huyện có thêm 6 xã đạt Nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt Nông thôn mới kiểu mẫu.
Về thiết chế văn hóa, huyện đã tiến hành xây dựng mới 12 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, nâng tổng số toàn huyện có 194/208 thôn, tổ dân phố đã có nhà văn hoá.
Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã trở thành địa chỉ văn hóa phục vụ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng dân cư góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh trong Nhân dân.
Ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ |
Thừa nhận nhà văn hóa trên địa bàn huyện “vừa thiếu, vừa xuống cấp”, ông Hiến cho biết, hiện trên địa bàn Chương Mỹ vẫn còn 14 thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hoá. Thậm chí, điểm sinh hoạt cộng đồng nằm trong đình, trong chùa nên gặp nhiều khó khăn vì vi phạm vào quy định quản lý di tích. So với quy chuẩn, huyện chỉ có 58 nhà văn hóa tổ, thôn đạt chuẩn, còn lại đa số xây dựng từ năm 2008 nên đã xuống cấp. Nguyên nhân thiếu nhà văn hóa phần lớn do chưa có quỹ đất và kinh phí.
“Huyện sẽ cập nhật các vướng mắc về nhà văn hóa để đưa vào quy hoạch trong thời gian tới”, ông Hiến đề cập đến giải pháp.
Đánh giá tiêu chí này, Phó Giám đốc Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Chương trình 06/Ctr-TU đề ra mục tiêu tất cả 100% các tổ dân phố, thôn, xã có có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa. Do đó, đồng chí đề nghị huyện quan tâm đến các tiêu chí xây dựng làng văn hóa, tổ văn hóa, đồng thời nâng cao sử dụng thiết chế văn hóa của thôn, làng.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh cũng thông tin thêm, hiện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Sở Tài chính đang hoàn thiện Thông tư 53 về việc thực hiện cơ chế hỗ trợ cho nhà văn hóa; Đồng thời xây dựng đề án tháo gỡ khó khăn cho việc sử dụng tài sản công ở thiết chế văn hóa cơ sở. Hy vọng, đây cũng sẽ là thuận lợi để huyện nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa.
Quá tải học sinh, thiếu giáo viên
Ở tiêu chí về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện trên địa bàn có 9 cơ sở đào tạo việc làm và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng chủ yếu tập trung chính vào đào tạo văn hóa. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63% vượt kế hoạch của huyện (huyện đề ra 60%) nhưng chỉ tiêu này hơi thấp so với thành phố (75-80%).
Ông Trịnh Tiến Trường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chương Mỹ |
Nói về khó khăn trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, ông Trịnh Tiến Trường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/-Ctr-TU của huyện Chương Mỹ đề nghị thành phố quan tâm hơn.
Trước 2021, tỷ lệ trường quốc gia của huyện cao nhưng sau 2021, trường còn 69 trường; Hiện 71/111 được công nhận chuẩn quốc gia. Lộ trình 2025, huyện phấn đấu đạt 85% trường chuẩn quốc gia. Đáng nói, huyện Chương Mỹ đang thiếu 411 giáo viên so với định mức; Cơ sở vật chất trong các trường học còn thiếu, chưa được quan tâm đầu tư, xây dựng đúng mức.
“Sĩ số học sinh quá tải, có lớp mầm non quy định là 35 học sinh nhưng số lượng lên tới 45 em, trong khi đó giáo viên thì thiếu. Muốn tách trường thì phải có đội ngũ nhân lực thì mới tách trường được”, ông Tường nói.
Còn nhiều di tích chưa xếp hạng
Báo cáo về việc phát huy các giá trị di tích trên địa bàn huyện, lãnh đạo huyện Chương Mỹ cho biết, huyện ưu tiên công tác quy hoạch và đang triển khai bổ sung quy hoạch, thực hiện thủ tục đầu tư Dự án Nhà lưu niệm Bác Hồ (khu di tích Chùa Trầm, xã Phụng Châu); Dự án đường giao thông vào chùa Trầm; Xây dựng nhà tưởng niệm danh nhân Ngô Sĩ Liên tại thôn Ngọc Giả, xã Ngọc Hòa; Lập quy hoạch chi tiết cụm di tích chùa Trầm - chùa Vô Vi - chùa Trăm Gian để quản lý và phát huy điểm đến, phát triển du lịch.
Tuy vậy, theo nhận xét của Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, Chương Mỹ hiện đang sở hữu “mỏ vàng” với 374 di tích (kiểm kê lần 1 năm 2016) nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị, Chương Mỹ cần tiếp tục chú trọng công tác kiểm kê, lên danh mục các di tích lên hạng, xếp hạng.
“Các di tích lên hạng quốc gia cần phải có kế hoạch quản lý rất chi tiết, cụ thể theo quy định; Đề nghị huyện chú trọng quan tâm vấn đề này”, đồng chí Trần Thị Vân Anh nói.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh Phát biểu tại hội nghị |
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung và triển khai nghiêm túc và tâm huyết của huyện Chương Mỹ.
Nhấn mạnh việc huyện đã có các chương trình 09 để cụ thể hóa Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy, đồng chí Nguyễn Doãn Toản cho rằng, điều này đã khẳng định vấn đề đặt ra trong Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy là “đúng” và “trúng”.
Chia sẻ với những khó khăn, tồn tại của Chương Mỹ, đồng chí cũng cho rằng, huyện có số lượng dân lớn - 35 vạn dân, trong khi đó, nguồn lực còn hạn chế, vị trí nằm ven đô nhưng chưa phát triển, hạ tầng còn khó khăn. “Với 14 nhà văn hóa tổ dân phố, thôn chưa có, đề nghị các ban, ngành của thành phố nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ”, đồng chí nói.
Ngoài ra, UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đặc biệt lưu ý huyện ủy Chương Mỹ cần linh hoạt, “dễ làm trước, khó làm sau”, ưu tiên quy hoạch, đặc biệt là đối với vấn đề kiểm kê di tích, tập trung trọng điểm cho cụm di tích chùa Trầm, chùa Vô Vi, chùa Trăm Gian để phát huy giá trị của di sản.
“Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy là bộ phận của việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Do đó, huyện ủy Chương Mỹ cần rà soát lại hết các chỉ tiêu để phấn đấu đạt hết trong thời gian tới; Nỗ lực để khắc phục những tồn tại hiện còn để phát huy tiềm năng của huyện, từ đó góp phần vào việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu của thành phố trong chương trình này“, UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.