Nhà ở công nhân: Cần thêm giải pháp đột phá
Chưa đạt mục tiêu đề ra
Tại Hà Nội, những năm qua, việc ưu tiên phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thành phố đặt ra. Mới đây nhất, ngày 16/3/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một dãy nhà trọ cho công nhân ở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) |
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy xác định 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết 06, trong đó có nhiều nội dụng cụ thể, mới, gắn với thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung; Tiếp tục rà soát các quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Đa dạng hóa các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội; Ưu tiên phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người lao động và các thiết chế khác trong khu công nghiệp…
Không chỉ Hà Nội, cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, nhất là vai trò của các địa phương, doanh nghiệp, đến nay công tác phát triển nhà ở xã hội đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với số lượng nhà ở công nhân hoàn thành khoảng 2,7 triệu m2 như hiện nay mới đáp ứng hơn 340 nghìn người lao động là chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 60% số công nhân lao động đang phải thuê tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng. Vẫn còn nhiều khu trọ thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn với giá thành thuê nhà khoảng 1,5 - 4 triệu đồng/tháng, chiếm tới 25 - 30% thu nhập của công nhân, người lao động… khiến cuộc sống sinh hoạt của họ càng eo hẹp, khó khăn hơn.
Chị Dương Thanh Nga (quê ở Tuyên Quang, công nhân khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) cho biết, gia đình chị với 4 người đã sinh sống nhiều năm tại căn phòng trọ 17m2 tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Hai vợ chồng đều làm công nhân, tổng thu nhập hàng tháng khoảng 15 triệu đồng. Vì vậy, với mức giá nhà ở cao như hiện nay những gia đình công nhân như chị khó có thể tiếp cận.
Còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, việc đầu tư, phát triển thị trường nhà ở xã hội đang gặp vô số khó khăn, thách thức. Đó là vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục; Quy hoạch và quỹ đất "vừa thiếu, vừa thừa", giải phóng mặt bằng rất khó khăn; Nguồn vốn chưa bền vững; Lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội chưa thu hút nhà đầu tư. Mặt khác, vướng mắc về trình tự, thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội; Hoạt động thanh kiểm tra phức tạp…
Công nhân mong muốn có những điều kiện tối thiểu cho sinh hoạt hằng ngày |
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đạt mục tiêu như mong muốn là do cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, như: Đối tượng tham gia, thụ hưởng, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua bán.
Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; Chưa có cơ chế huy động các nguồn lực hợp tác công tư một cách hiệu quả, hệ thống.
Nhiều địa phương, nhất là người đứng đầu, chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; Chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, nhất là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm…
Cần coi nhà cho công nhân thuê là hạ tầng thiết yếu khu công nghiệp
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân lao động, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn về việc phản biện xã hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Mê Linh, Hà Nội |
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi nhiều quy định, trong đó đề xuất quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất thuê.
Cụ thể, theo phân tích của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Khoản 9 Điều 194 Đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp quy định: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn. Không bố trí khu vực nhà ở của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
So với quy định tại Luật Đất đai hiện hành, quy định trên thiếu rõ ràng khi sử dụng cụm từ “xác định nhu cầu xây dựng”. Mặt khác, quy định “không bố trí khu vực nhà ở của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất” là chưa giải quyết được những khó khăn vướng mắc trong quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà ở công nhân tại khu công nghiệp; Chưa phù hợp, tương thích với nội dung sửa dổi trong Luật Nhà ở về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giữ lại quy định hiện hành và sửa đổi theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà cho công nhân thuê ngay trong khu công nghiệp, tương thích với hướng sửa đổi của Luật Nhà ở (sửa đổi), coi nhà lưu trú cho công nhân thuê là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân; Đồng thời bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, chăm lo hơn nữa cho người lao động. Đây là nhu cầu cấp thiết cần được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Đề án này được kì vọng sẽ giúp đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp đến gần hơn với ước mơ có nhà ở, yên tâm lao động. |