Tin tức trong ngày 1/5: Ùn tắc nhưng không xả trạm, đơn vị quản lý trạm thu phí bị lập biên bản
Góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông Hà Nội Chống ùn tắc giao thông, bắt đầu từ những “điểm đen” |
Ùn tắc nhưng không xả trạm, đơn vị quản lý trạm thu phí bị lập biên bản
Đội 6 thuộc Cục Cảnh sát giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) do để ùn tắc giao thông kéo dài tại trạm thu phí trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Biên bản vi phạm hành chính nêu rõ: “Vào thời điểm 6-8 giờ cùng ngày, xe cộ xếp hàng dài tại trạm thu phí Long Phước dài hơn 2km. Đơn vị quản lý cao tốc đã vi phạm khi không thực hiện đúng theo quy định về quản lý vận hành tại điểm a, khoản 8, điều 15 nghị định 100/2019 của Chính phủ…”. Theo nghị định 100/2019, hành vi vi phạm này bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.
Đường dẫn lên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đoạn nút giao An Phú bị ùn tắc phương tiện vào sáng 30/4 |
Trước đó khoảng 8 giờ 30 phút sáng 30/4, hàng nghìn ô tô hướng từ thành phố lưu thông ra khu vực TP Thủ Đức bị dồn ứ, nối đuôi nhau nhích từng chút một ở các đoạn đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của, đoạn đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đặc biệt ở khu vực trạm thu phí Long Phước, dòng xe bị tắc khiến hàng trăm xe ô tô đổ dồn xếp hàng chờ trong khi trạm thu phí lại không xả trạm nên tình trạng kẹt xe mỗi lúc một nghiêm trọng.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn yêu cầu các doanh nghiệp BOT có giải pháp xử lý xả trạm thu phí để bảo đảm giao thông khi xảy ra ùn tắc xe tại trạm trong thời gian dịp Lễ từ ngày 30/4 đến 3/5, đồng thời dọn dẹp vệ sinh, tăng cường lực lượng tuần tra nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến.
13 người chết vì tai nạn giao thông trong ngày nghỉ lễ đầu tiên
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), ngày 30/4 - ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, cả nước xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 13 người chết, 11 người bị thương. So với ngày lễ 30/4/2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 2, giảm 1 người chết, 1 người bị thương. Đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn giao thông.
Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, lập biên bản 8.388 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt hành chính gần 10,67 tỷ đồng. Cụ thể, trên lĩnh vực giao thông đường bộ xử lý 8.067 trường hợp, tạm giữ 47 xe ô tô, 1.319 xe mô tô, tước 692 giấy phép lái xe các loại; Trong đó, vi phạm nồng độ cồn xử lý 622 trường hợp, sử dụng ma túy 5 trường hợp. Trên lĩnh vực giao thông đường thủy, xử lý 229 trường hợp, phạt hành chính 522 triệu đồng.
Cục Cảnh sát giao thông cho biết, qua trích xuất dữ liệu trên hệ thống giám sát, trong khoảng thời gian từ 8 giờ 06 đến 8 giờ 38 ngày 30/4 tại 1 điểm camera giám sát trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã ghi nhận 91 trường hợp vi phạm (49 phương tiện đi vào làn dừng khẩn cấp, 42 trường hợp lái xe không thắt dây an toàn).
Ảnh minh họa |
Cũng qua hệ thống giám sát cho thấy, lưu lượng phương tiện trên các tuyến giao thông từ 0 giờ đến 12 giờ ngày 30/4 tăng cao, trong đó tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương có 73.837 phương tiện (cùng kỳ năm 2020 là 51.162 phương tiện), cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có 56.995 phương tiện, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 51.490 phương tiện…
TP Hồ Chí Minh tạm dừng hoạt động karaoke, bar, vũ trường
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động karaoke, vũ trường, bar trên địa bàn thành phố. Các quán ăn, nhà hát kịch, dịch vụ khác phải tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch.
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu ngành y tế cần kiểm soát, giám sát những trường hợp hết thời gian cách ly, nghiêm túc thực hiện giám sát người cách ly sau khi hết thời gian cách ly về địa phương và nhắc nhở họ tuân thủ các quy định; Phối hợp các địa phương, đơn vị tiếp tục giám sát chặt chẽ các địa bàn, lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Đối với tình trạng một số người dân không tuân thủ việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cần phải xử phạt nghiêm, để cộng đồng dân cư nêu cao ý thức phòng dịch.
Tại các địa phương, hệ thống bộ máy phòng, chống dịch đã được vận hành, địa phương nào lơ là trong công tác phòng, chống dịch thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Những trường hợp không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực, trốn tránh khai báo, cách ly y tế; Găm hàng, tăng giá gây lũng đoạn thị trường phải xử lý nghiêm.
Thời gian tới, ngành y tế cần tăng cường xét nghiệm lấy mẫu, mỗi ngày thực hiện 50 nghìn mẫu đơn, hình thành các tổ lấy mẫu xét nghiệm, cần thiết huy động một số sinh viên các Trường Đại học Y có chuyên môn, được tập huấn đầy đủ tham gia công tác lấy mẫu, xét nghiệm trên tinh thần mỗi người là một chiến sĩ, toàn dân chống giặc.
Trước đó, TP Hồ Chí Minh ghi nhận bệnh nhân 2.910 có kết quả dương tính, các đơn vị đã triển khai ngay hàng loạt hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt là tiến hành truy vết, cách ly các trường hợp liên quan.
Khu nhà trọ bệnh nhân tạm trú cùng đồng hương đã được khoanh vùng, cách ly ngay. 6 F1 (gồm năm người ở cùng và một tài xế taxi chở bệnh nhân từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà trọ) đã được đưa đi cách ly tập trung. 57 F2 là người trong khu trọ phải cách ly tại nơi cư trú. Hiện, tất cả 63 người liên quan đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần một.
Ngoài ra, ngành y tế cũng đã điều tra, truy vết các hành khách đi cùng chuyến bay Nội Bài - Tân Sơn Nhất với bệnh nhân 2.910, lưu trú tại TP Hồ Chí Minh. Hiện đã xác định được 10 trường hợp, trong đó một ca có kết quả âm tính. 9 người còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.