Tin tức trong ngày 19/5: 100% xe buýt của Hà Nội lắp đặt camera giám sát
100% xe buýt của Hà Nội lắp đặt camera giám sát
Đến nay đã có 1.778/1.778 (đạt tỷ lệ 100%) xe buýt của thành phố Hà Nội lắp đặt camera theo quy định, giúp đơn vị kinh doanh vận tải cũng như cơ quan quản lý nhà nước quan sát được hành vi của lái xe và hành khách trên xe.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HAPTA, các quy định và văn bản hướng dẫn hiện chưa có quy chuẩn cụ thể cho camera giám sát ô tô dẫn tới không ít doanh nghiệp vận tải lúng túng trong việc lựa chọn chủng loại phù hợp với quy định của pháp luật.
100% xe buýt của Hà Nội lắp đặt camera giám sát |
Cùng với đó, theo tính toán, chi chí lắp đặt hiện khoảng 7 triệu đồng/camera, mỗi xe phải đầu tư 14 triệu đồng để lắp đặt. Xe càng lớn thì số camera phải lắp càng nhiều. Trung bình mỗi doanh nghiệp phải đầu tư 2-3 tỷ đồng chi phí lắp đặt camera. Ngoài ra, phí duy trì khoảng 500.000 đồng/camera/tháng. Toàn bộ chi phí này đều do doanh nghiệp tự chi trả, trong khi với các tuyến buýt trợ giá phục vụ nhu cầu dân sinh thì khoản chi phí đầu tư này lại chưa được đưa vào đơn giá.
Thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, HAPTA kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan quản lý nhà nước có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xây dựng, ban hành các quy chuẩn về tiêu chuẩn kỹ thuật, thông tư hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện lắp đặt camera…
Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, từ ngày 1-7-2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu giữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép.
Hà Nội: Thống nhất chưa thay đổi lịch thi vào lớp 10
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ Phạm Văn Đại, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và thi, tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 THPT năm học 2021- 2022 (2 kỳ tuyển sinh) cơ bản giữ nguyên như năm trước.
Về số lượng: Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tăng 22.000; số học sinh (HS) tham gia tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 giảm nhẹ (so với năm trước).
2 kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh Covid- 19 rất phức tạp, vì vậy Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi, lập dự trù kinh phí… Các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã đã giới thiệu các trường THCS, THPT trên địa bàn làm địa điểm thi, phân loại thí sinh F0, F1, F2.
Hà Nội: Thống nhất chưa thay đổi lịch thi vào lớp 10 |
Theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, thời gian tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2021-2022 được thực hiện cụ thể như sau: Với hình thức tuyển sinh trực tuyến, thời gian tuyển sinh vào lớp 1 từ ngày 12/7 đến hết ngày 14/7/2021; tuyển sinh vào các trường mầm non từ ngày 15/7 đến hết ngày 17/7/2021; tuyển sinh vào lớp 6 từ ngày 18/7 đến hết ngày 20/7/2021. Với hình thức tuyển sinh trực tiếp, các nhà trường nhận hồ sơ từ ngày 23/7 đến hết ngày 28/7/2021.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 được tổ chức vào ngày 10 và 11/6/2021 với 4 môn (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử).
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra các ngày 7 và 8/7/2021.
Bảo đảm cung ứng điện ổn định phục vụ bầu cử tại Hà Nội
Bầu cử Đại biểu Quốc hội toàn quốc khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị xã hội quan trọng của đất nước. Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHanoi) đã huy động mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, EVNHanoi sẽ không thực hiện các công tác phải cắt điện trên lưới điện cao, trung, hạ thế toàn thành TP Hà Nội trong thời gian từ 0 giờ ngày 22/5 đến hết 24 giờ ngày 24/5, trừ các trường hợp cắt điện xử lý sự cố. Với mục tiêu cấp điện an toàn, ổn định và liên tục tại tất cả các điểm bỏ phiếu trong suốt thời gian diễn ra bầu cử trên địa bàn TP Hà Nội.
Bảo đảm cung ứng điện ổn định phục vụ bầu cử tại Hà Nội |
EVNHanoi đã lập kế hoạch với gần 8.000 lượt, ca trực cùng phương án bảo đảm điện chi tiết cho các điểm phục vụ bầu cử. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, củng cố lưới điện, nguồn điện tại các điểm diễn ra bầu cử. Bên cạnh đó, phối hợp các cấp chính quyền, công an, quân đội tại địa phương rà soát, xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ cho các công trình điện, trụ sở cơ quan, kho tàng...
EVNHanoi cũng đặc biệt lưu ý bảo đảm điện cao nhất cho các địa điểm quan trọng như trụ sở cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí, các Đài truyền hình, phát thanh ở Trung ương và các địa phương, các địa điểm diễn ra các hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật chào mừng bầu cử.
Các đơn vị quản lý vận hành lưới điện được yêu cầu tổ chức tuyên truyền và phối hợp cơ quan chức năng địa phương ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp bắn pháo giấy tráng kim loại hoặc ném các vật lên đường dây, vi phạm hành lang an toàn đường dây gây nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện. Huy động các nguồn lực (máy phát diezel, ATS hạ thế, …) để bảo đảm điện khi có yêu cầu.