Tin tức trong ngày 23/1: Hà Nội giải quyết việc làm cho 160.000 lao động trong năm 2021
Hà Nội: Giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động trong năm 2021
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 21/1/2020 về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.
Theo kế hoạch, năm 2021, thành phố sẽ giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND thành phố triển khai nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, phát triển ngành công nghiệp. Trọng tâm là phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động.
UBND thành phố cũng tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án lĩnh vực công nghiệp; Tăng cường thu hút đầu tư các dự án vào các khu công nghiệp; Thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ hiệu quả, bền vững.
Năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động |
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục hành chính, dịch vụ công, lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại và nguồn vốn tín dụng chính sách, thủ tục hoàn thuế, giải pháp mặt bằng, đấu thầu...
Ngoài ra, thành phố còn triển khai thực hiện nhóm giải pháp: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm; Tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động; Nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố.
Sắp có đường bay thẳng đầu tiên kết nối Hà Nội với Rạch Giá
Ngày 22/1, Hãng hàng không Bamboo Airways công bố, từ ngày 7/2, hãng sẽ đưa vào khai thác đường bay khứ hồi Hà Nội - Rạch Giá (Kiên Giang) với tần suất 1 chuyến/ngày. Đường bay mới này được hãng khai thác bằng máy bay phản lực Embraer 195 - dòng máy bay đang được hãng khai thác rất hiệu quả trên đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trước đây, hành khách từ các tỉnh miền Bắc muốn tiếp cận Rạch Giá thông qua đường hàng không chỉ có một lựa chọn nối chuyến tới sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), sau đó bay tiếp tới Rạch Giá. Hành trình nối chuyến kéo dài khoảng 8 tiếng, mất nhiều thời gian và công sức di chuyển cho hành khách.
Sau khi khai thác, đường bay thẳng Hà Nội - Rạch Giá của Bamboo Airways sẽ rút ngắn thời gian bay xuống còn hơn 2 tiếng, nhanh gấp gần 4 lần so với phương thức dịch chuyển cũ, tạo thuận tiện hơn rất nhiều cho hành trình của du khách.
Đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức lăn bánh
Ngày 22/1, với sự nỗ lực của chủ đầu tư (Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB) và các đơn vị tư vấn, nhà thầu, đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức lăn bánh để bước đến giai đoạn thử nghiệm liên động.
Đoàn tàu được sản xuất theo thiết kế mới nhất với tiêu chuẩn Châu Âu, bởi công ty Alstom tại Pháp. Thân tàu bằng hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao và được nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu của người Việt. Tàu được sơn ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng với biểu tượng Khuê Văn Các, tạo nên một dấu ấn riêng của Hà Nội.
Đoàn tàu sử dụng sức kéo điện, dòng điện một chiều 750VDC cấp điện bằng ray thứ ba. Khác với dạng cấp điện bằng đường dây trên cao treo bởi hệ thống cột/tháp dọc đường ray hoặc gắn với các kết cấu đường sắt khác, cấp điện bằng ray thứ ba đem lại cả tính hiệu quả và mỹ quan cho đô thị. Tàu sẽ lấy điện từ ray thứ ba bằng một thanh truyền gọi là "chân tiếp xúc".
Đoàn tàu chính thức chạy thử đoạn trên cao, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa (2 toa động cơ có cabin, 1 toa động cơ và 1 toa kéo theo), có khả năng chuyên chở 944-1.124 người/đoàn tàu, với mật độ khoảng 6,6-8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 37km/h, tốc độ thiết kế 80km/h.