Tin tức trong ngày 19/1: Đề xuất mở rộng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT
Đề xuất mở rộng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa đề xuất mở rộng quy mô tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ quy mô 6 làn hiện nay lên quy mô 8 - 10 làn xe theo hình thức BOT. Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư cho việc mở rộng khoảng 5.000 tỷ đồng, đã gồm cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ Phạm Văn Khôi cho biết, theo quy mô thiết kế, tuyến đường với quy mô 6 làn xe đáp ứng tối đa lưu lượng khoảng 92.000 xe/ngày, đêm nhưng lưu lượng thực tế trong năm 2020 đã lên tới hơn 100.000 xe/ngày, đêm. Nếu không đầu tư mở rộng thì tình trạng ách tắc, ùn ứ giao thông trên tuyến sẽ vẫn tiếp tục xảy ra, nhất là các dịp cao điểm lễ, Tết.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành tại Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 (ban hành ngày 21/10/2017) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa đề xuất mở rộng quy mô tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ quy mô 6 làn hiện nay lên quy mô 8 - 10 làn xe để tránh ùn tắc giao thông |
Do đó, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ kiến nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung các nội dung nghị quyết nói trên để mở rộng quy mô cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 6 làn xe hiện có lên 8 - 10 làn xe vào dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Trường hợp được cấp thẩm quyền chấp thuận, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ tiến hành nghiên cứu lập dự án đầu tư và tổ chức thực hiện trong khoảng 3 - 5 năm sẽ hoàn thành việc mở rộng tuyến đường.
Xôn xao việc giáo viên sử dụng ví dụ "nhạy cảm" khi ra đề ngữ văn lớp 9
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết đã yêu cầu giáo viên trong ngành cẩn trọng trong việc dùng từ ngữ khi ra đề thi và giảng dạy cho học sinh.
Trước đó, đề kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2020-2021, môn ngữ văn lớp 9 của Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê đã sử dụng truyện cười "Cắn răng mà chịu" có nội dung: Mẹ chồng và con dâu nhà kia đều góa bụa. Mẹ chồng dặn con dâu "Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì cắn răng mà chịu". Không bao lâu sau, mẹ chồng có tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn của mẹ thì mẹ chồng đã trả lời: "Mẹ dặn là mẹ dặn con, chứ mẹ già rồi, có còn răng đâu nữa mà cắn".
Đề văn được chia sẻ trên mạng xã hội |
Sau đó, đề ngữ văn này được chia sẻ trên mạng xã hội và có nhiều ý kiến cho rằng hàm ý dung tục, không phù hợp với học sinh lớp 9.
Theo ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê, giáo viên ra đề đã giải thích đây là vấn đề bình thường, khi tiếp cận với phương pháp ra đề mới thì Sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích lấy những câu chuyện ngụ ngôn, truyện cười để học sinh đánh giá.
"Nhưng thực tế người đọc, phụ huynh khó chịu. Do đó, chúng tôi đã nhắc nhở giáo viên lần sau ra đề cẩn trọng khi dùng từ bởi các em đang trong lứa tuổi học sinh", ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cho biết thêm, thực tế đề thi không sai gì, nên không có cơ sở để kiểm điểm đối với giáo viên ra đề.
Khu di sản Huế thất thu hàng trăm tỷ đồng
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: Năm 2020, do dịch Covid-19, lượng khách đến với di tích Huế giảm mạnh, chỉ đạt hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu bán vé tham quan đạt trên 106 tỷ đồng, giảm hơn 281,6 tỷ đồng (giảm 72,62%) so với cùng kỳ năm trước.
Do dịch Covid-19, lượng khách đến với di tích Huế giảm mạnh (Ảnh minh họa) |
Dịch bệnh cũng gây ảnh hưởng lớn đến khai thác dịch vụ của di tích Huế. Việc kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích bị đình trệ. Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm thời ngừng hoạt động, dẫn đến nguồn thu trong khu vực di tích Huế giảm mạnh. Doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 4,9 tỷ đồng, giảm 75% doanh thu so với năm 2019 (giảm hơn 14,5 tỷ đồng).
Được biết, bình quân từ năm 2019 về trước, hệ thống di tích Huế cho doanh thu mỗi ngày hơn 1 tỷ đồng. Sau khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị chỉ thu được vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi ngày. Trung tâm buộc phải cắt giảm các hoạt động đầu tư chưa thực sự cần thiết để dành kinh phí trả lương tối thiểu cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động vào thời điểm nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.