Tinh giản biên chế giúp tiết kiệm 25.600 tỉ đồng để cải cách tiền lương
Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế cần những bước đi thận trọng Hà Nội tinh giản biên chế theo tinh thần Luật Thủ đô và đặc thù phát triển |
Chiều 4/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) hỏi về việc tinh giản biên chế thời gian qua tác động thế nào đến việc cải cách lương cho cán bộ, công chức, viên chức?
Theo ông, việc tinh giản 10% biên chế là đáng ghi nhận, nhưng còn tình trạng cơ học, cào bằng dẫn đến thiếu biên chế cục bộ ở một số lĩnh vực, địa phương.
Đại biểu Tao Văn Giót chất vấn |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá đây là câu hỏi rất hay. Bà cho biết, vừa qua, cả hệ thống đã sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, xã; Giảm một loạt đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách... Mục tiêu là cải cách hệ thống bộ máy, cải cách đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Việc này có tác động lớn và cũng tạo nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương.
Theo bà Trà, giai đoạn 2019-2021 đã tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng, nguồn này được đưa vào cải cách tiền lương.
"Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ, tạo ra nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương", Bộ trưởng nói, cho biết tới đây tiếp tục việc này để có nguồn lực cải thiện đời sống người lao động khu vực công.
Nữ Bộ trưởng cũng nhìn nhận, trong quá trình cơ cấu đội ngũ, thực hiện tinh giản, bước đầu phải thực hiện theo cách cơ học, giao chỉ tiêu. Tuy nhiên, trước đó, nhiều năm chúng ta không đạt được con số 10% này. Hiện nay, tuy có tồn tại, hạn chế khi có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng cào bằng, nhưng nhìn chung việc tinh giản biên chế, bộ máy đã đạt được mục tiêu đề ra.
Giảm biên chế không còn cách nào khác là sắp xếp lại bộ máy
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà |
Trước băn khoăn của đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) về giải pháp thực hiện Quyết định 40 của Bộ Chính trị để giảm 5% cán bộ công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương ngân sách trong giai đoạn 2022-2026, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng đây là bài toán cần sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua, các cơ quan đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan Bộ, ngang Bộ thuộc Chính phủ; Cải cách tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính bên trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tới Trung ương...
Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, bà cho biết mục tiêu là giảm 10% đầu mối từ Trung ương tới địa phương với phương châm "Trung ương gương mẫu, địa phương cùng thực hiện". Số lượng đơn vị sự nghiệp hiện còn 753. Những đơn vị phục vụ quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang bộ thì sẽ được giữ lại, còn lại rà soát để phân cấp.
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, bà Trà cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã giám sát, bổ sung các quy định và ban hành Nghị quyết. Đây là điều kiện thuận lợi để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn tới.
"Giảm biên chế không còn cách nào khác phải cơ cấu và sắp xếp lại các tổ chức", Bộ trưởng Nội vụ nói.