Tình trạng “xe dù, bến cóc” có dấu hiệu gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp
Lượng xe vào bến giảm đến 50%
Thời gian gần đây, tình trạng xe khách bỏ bến ra ngoài chạy “dù” tại các bến "cóc” ngày càng phức tạp, gây mất an toàn giao thông.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại trạm thu phí Vạn Điểm thuộc cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thường Tín, Hà Nội) thường xuyên xuất hiện xe khách dừng, đỗ ở khu vực này để đón khách, trả khách.
Những chiếc xe khách lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để đi các tỉnh phía Nam, khi đến địa điểm kể trên đều giảm tốc độ, bật đèn cảnh báo, nép dần vào lề đường bên phải. Sau khi quan sát không có sự có mặt của lực lượng chức năng, các tài xế này liền dừng hẳn lại, mở cửa xe để phụ xe vẫy, bắt khách.
Đáng chú ý, nhiều xe còn dừng hẳn giữa lòng đường, bịt kín lối ra của trạm thu phí để bốc, dỡ hàng hóa bất chấp biển cấm dừng, đỗ gây cản trở giao thông.
Dù có quy định cấm đón trả khách nhưng nhiều tài xế xe khách vẫn cố tình vi phạm tại trạm thu phí Vạn Điểm |
Cũng tại trạm thu phí Vạn Điểm, tại lối vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng đi trung tâm Hà Nội, các xe khách đi từ các tỉnh phía Nam về bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình cũng liên tục dừng lại để trả khách trước khi vào bến, gây ra tình trạng lộn xộn, cản trở giao thông.
Trong khi đó, dọc các tuyến đường lớn như: Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng, Đại lộ Thăng Long... liên tục xuất hiện xe khách chạy "rùa bò" đến đón khách và ký gửi hành lý.
Bất chấp đường chật, xe đông, những chiếc "xe dù" vẫn bằng một cách nào đó rất tài tình, lách khỏi đám đông, "đè mặt" nhiều phương tiện khác để tấp vào lề đường và "vợt" khách gây mất an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Quốc Uy, Phó Giám đốc Trung tâm Khai thác bến xe Hà Nội (đơn vị đang quản lý bến xe Yên Nghĩa) cho biết, so với thời điểm trước dịch (2019) hiện lượng xe vào bến giảm đến 50%, cụ thể trước đây số lượng xe đăng ký tại bến Yên Nghĩa khoảng trên 600 xe, nay chỉ còn khoảng 300 xe.
Cũng theo ông Uy, xe bỏ bến có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn do xe tuyến cố định không thể cạnh tranh được với Limousine, xe tiện chuyến, xe đi ghép và các xe tuyến chạy cóc, chạy dù… Nhiều xe buộc phải nghỉ hoặc bỏ ra chạy bến cóc.
“Đơn vị chỉ quản lý phương tiện trong bến, do đó các lực lượng chức năng như Cảnh sát Giao thông và thanh tra giao thông cần xử lý nghiêm các phương tiện hoạt động không đúng quy định, phá vỡ luồng tuyến vận tải, gây mất trật tự an toàn giao thông”, ông Uy cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho hay, những năm gần đây đã xuất hiện hàng nghìn xe hợp đồng được cải tạo từ các loại xe 16 chỗ ngồi thành 10-12 chỗ nằm, loại xe limousine và loại xe 16 chỗ nguyên bản.
Theo ông Quyền, khi hoạt động vận tải không có hợp đồng vận tải được ký kết, nhà xe chỉ kết nối với hành khách qua điện thoại hoặc zalo, lợi dụng quy định không cấm xe 16 chỗ vào khu vực trung tâm để đón trả khách trên đường phố hoặc tại nhà với hành trình lặp đi lặp lại. Thực chất đây là hoạt động kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định.
Ông Nguyễn Văn Mão, chạy xe tuyến Ý Yên (Nam Định) - Giáp Bát (Hà Nội) cho biết, tình hình trên đã tồn tại từ lâu nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn nên một số nhà xe tuyến cố định đã bỏ bến ra ngoài chạy “dù” tại các bến “cóc” xung quanh khu vực các bến xe gây mất trật tự an toàn giao thông. Việc này đã tạo ra việc cạnh tranh không bình đẳng, dẫn đến số lượng xe khách chạy trên các tuyến cố định vào bến xe khách chỉ còn 50 - 60% và đẩy 40 - 50% số bến xe khách liên tỉnh đối mặt với bờ vực phá sản.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Trước thực trạng “xe dù, bến cóc” diễn biến ngày càng phức tạp, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định, vấn đề lớn nhất dẫn tới tình trạng "xe dù, bến cóc" tồn tại, phát triển là việc chúng ta tổ chức và bố trí những bến xe tương đối xa khu vực mà người dân đang sinh sống. Trong khi đó, giao thông công cộng hiện nay lại chưa kết nối hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu hành khách. Rất nhiều địa phương, đặc biệt là thành phố lớn như Hà Nội chưa quan tâm bố trí các điểm đón trả khách.
Do đó, để giải quyết được "xe dù, bến cóc" thì mỗi địa phương cần xem xét, rà soát lại quy hoạch bến bãi, quy hoạch luồng tuyến vận tải và điểm đón trả khách hiện nay. Người dân, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ và thực thi pháp luật.
Tình trạng xe dù, bến cóc gây nên tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị |
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, gần đây, nhiều xe khách chạy tuyến cố định trong cả nước, đặc biệt là hai địa phương lớn là Hà Nội và TPHCM tình trạng xe bỏ bến ra ngoài “chạy dù”, chạy vòng vo đón khách, gom khách, lập văn phòng xung quanh khu vực bến xe để hoạt động, tình trạng hiện tượng “xe dù, bến cóc” có dấu hiệu gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.
Cũng theo bà Hiền, tình trạng này gây nên tình trạng lộn xộn, mất trật tự vận tải, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị và cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải.
Để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để theo dõi phương tiện đã được cấp phù hiệu tuyến cố định. Các xe đã được cấp phù hiệu tuyến cố định nhưng bỏ bến ra ngoài hoạt động không đúng loại hình kinh doanh cần xử lý nghiêm theo quy định.
Các bến xe phải thống kê phương tiện đăng ký hoạt động khai thác tuyến theo biểu đồ đã được công bố, báo cáo kịp thời các trường hợp xe tuyến cố định không hoạt động tại bến, bỏ ra ngoài hoạt động về Sở Giao thông Vận tải để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Do đó, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở Giao thông Vận tải khai thác dữ liệu trên phần mềm quản lý bến xe để kiểm tra, xử lý đối với trường hợp không thực hiện đúng, đủ các chuyến xe đã đăng ký.
Đồng thời, xác định các vị trí dừng đón, trả khách cho xe tuyến cố định phù hợp với nhu cầu đi lại, đảm bảo thuận tiện cho hành khách đi xe.