Tổ chức hoạt động “tín dụng đen” của Hiếu “Chùa Vua” sẽ bị cơ quan chức năng xử lý thế nào?
Bắt giữ các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội vừa cho biết, đơn vị này đã bắt giữ nhóm đối tượng tổ chức hoạt động “tín dụng đen”, chuyên cho vay nặng lãi dưới hình thức bốc bát họ do Nguyễn Trung Hiếu còn gọi là Hiếu "Chùa Vua” (SN 1994, thường trú tại ngõ 334 Chùa Vua, Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cầm đầu.
Cơ quan công an xác định, các đối tượng cho vay với lãi suất là 12 ăn 10, tương đương 3.333 đồng/triệu/ngày, tức 121,6%/năm. Hằng ngày từ 14 giờ đến 19 giờ, Hiếu giao đàn em đi tìm khách vay, xác minh thông tin khách, tìm khách để nhắc nhở nợ nần và thu tiền họ của người vay. Toàn bộ số tiền này được chúng chuyển qua hình thức chuyển khoản ngân hàng đến cho Hiếu. Mỗi ngày các đối tượng thu về khoảng 60 triệu đồng (cả gốc và lãi) với trên dưới 250 khách vay tiền.
Khi có “con nợ” chậm đóng tiền lãi hoặc có ý định “xù” nợ, Hiếu cho đám đàn em dùng đủ thủ đoạn đến tận nhà, nơi làm việc để gây sức ép, buộc con nợ phải bằng mọi cách xoay tiền trả cho chúng. Tính chất hoạt động của ổ nhóm này rất tinh vi, có sự phân công, tổ chức rõ ràng, cấu kết chặt chẽ với nhau.
Các đối tượng trong ổ nhóm hoạt động "tín dụng đen" do Hiếu "Chùa Vua" cầm đầu vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội bắt giữ |
Sau khi thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ, tài liệu, ngày 19/11, Công an TP Hà Nội đã làm rõ 7 đối tượng trong ổ nhóm cho vay nặng lãi theo hình thức “tín dụng đen” gồm: Nguyễn Trung Hiếu; Nguyễn Mạnh Quân (SN 1997); Tạ Đình Đăng (SN 1997); Cao Duy Hiếu (SN 1997); Đỗ Minh Hiếu (SN 1997); Trương Đình Đức (SN 1997) và Nguyễn Hoàng Hải (SN 1996) đều ở Hà Nội. Khám xét tại nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều sổ sách, giấy tờ liên quan đến việc cho vay nợ cùng nhiều tài liệu, tang vật khác.
Theo đại diện Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội, ổ nhóm cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" do Hiếu “Chùa Vua” cầm đầu hoạt động rất tinh vi, kín kẽ. Các đối tượng ít tuổi nhưng rất liều lĩnh, manh động. Không chỉ "cắt cổ" người vay bằng lãi xuất trên trời, khi lãi mẹ đẻ lãi con, sau một thời gian vay nhiều người kiệt quệ, không có khả năng trả, chúng sẽ dùng mọi thủ đoạn để ép cho họ phải trả tiền. Nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt khi dính vào nhóm cho vay nặng lãi này.
Đối với những khách hàng vay tiền, ngoài việc cho đám đàn em điều tra kỹ nhân thân, lai lịch, sở thích, khả năng tài chính để trả nợ, Hiếu còn hướng dẫn khách hàng điền thông tin cá nhân vào mẫu giấy vay tiền đã in nội dung sẵn có. Những tờ giấy vay tiền này đều có nội dung “trói” khách hàng vay và nếu họ không trả thì sẽ dễ dàng bị đưa vào hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những “con nợ” nào chậm trả tiền sẽ được đám đàn em của Hiếu đêm ngày “hỏi thăm” gây sức ép bằng mọi thủ đoạn.
Hiện Phòng CSHS Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp, tạm giữ đối tượng Hiếu và nhóm đàn em của y để tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng trước pháp luật.
Hiếu “Chùa Vua” cùng đàn em sẽ bị xử lý tội danh nào?
Qua vụ việc trên, dư luận đặt câu hỏi: Hành vi tổ chức hoạt động “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”, dồn người vay vào con đường cùng quẫn sẽ bị pháp luật xử lý thế nào? Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Hoạt động cho vay “tín dụng đen” với lãi suất "cắt cổ" hiện nay đang là vấn nạn xã hội. Cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay để xử lý với những đối tượng này để đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm xử lý các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" |
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản do hai bên thỏa thuận, trong đó lãi suất không được quá 20% một năm của khoản tiền vay. Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20% : 12 tháng = 1,666%/tháng.
Trường hợp cho vay với lãi suất quá 5 lần mức lãi cao nhất Nhà nước quy định, đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, người cho vay lãi nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng này đã cho vay với lãi suất quá 100% trên một năm và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 3 năm tù.
Luật sư Cường cho biết thêm, qua các vụ án "tín dụng đen" cho thấy những đối tượng cho vay lãi nặng luôn kèm theo đó là việc đòi nợ theo kiểu xã hội đen, nghĩa là đe dọa, uy hiếp con nợ để đòi nợ. Do đó, cơ quan điều tra sẽ khám xét nơi ở, nơi làm việc để thu giữ hung khí, vũ khí mà đối tượng có thể sử dụng; Đồng thời làm rõ trong quá trình thực hiện hoạt động vay nợ, các đối tượng có đe dọa, uy hiếp con nợ để đòi nợ hay không? Nếu có thì có thể xem xét dấu hiệu của các tội cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản theo quy định pháp luật.
Trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh nào sẽ xử lý về tội danh đó. Số tiền thu lợi bất chính, tiền do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu sung công quỹ, số tiền làm công cụ phương tiện phạm tội cũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế, khung án trên là quá nhẹ đối với những đối tượng cho vay “tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ”. Bởi với lợi nhuận khủng thu được từ hoạt động phi pháp, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” vẫn bất chấp các quy định của pháp luật. Cho vay lãi suất cao là hoạt động bóc lột tàn nhẫn, kéo theo đó là hoạt động đòi nợ kiểu côn đồ, thủ đoạn khiến cho nạn nhân rơi vào cảnh túng quẫn, nợ nần, bị cưỡng đoạt, cướp tài sản. Nạn nhân từ một người khó khăn trở thành một người trắng tay, tan vỡ hạnh phúc gia đình, có người đã phải tự tử, con cái bỏ học...
Hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ theo kiểu xã hội đen, tàn nhẫn gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Bởi vậy, việc đấu tranh triệt phá các băng nhóm cho vay lãi nặng bằng cách bốc bát họ và cho vay qua các App, trang điển tử, mạng xã hội là rất cần thiết. Khi nào chúng ta kiểm soát được hoạt động cho vay nặng lãi trên không gian mạng và hoạt động cho vay nặng lãi trong đời sống xã hội, khi đó mới giảm bớt được các hệ lụy, tiêu cực do hoạt động cho vay tín chấp gây ra.
“Nhu cầu vay tiêu dùng là nhu cầu chính đáng của người dân, tuy nhiên để vay tiêu dùng từ các tổ chức tín dụng rất khó khăn do chính sách về khả năng trả lợn nợ rất hạn chế, nếu không quản lý tốt các khoản vay tín dụng thì ngân hàng cũng sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Bởi vậy, bên cạnh việc xử lý các băng nhóm cho vay lãi nặng thì Nhà nước cần có những cơ chế chính sách, nguồn vốn để đảm bảo người dân có thể dễ dàng tiếp cận, có thể vay để giải quyết những khó khăn trước mắt”, luật sư Cường nêu kiến nghị.