Tỏa sáng tinh thần “Hà Nội vì cả nước”
“Chia lửa” với đồng bào trong thiên tai, hoạn nạn
Tại Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ TP Hà Nội, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu Hà Nội cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Thấm nhuần tư tưởng đó, tinh thần gương mẫu, đi đầu đều được toát lên trong các chỉ đạo của Đảng bộ Hà Nội, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu Hà Nội cần phải vươn tới, đạt được.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao quà tại tỉnh Quảng Trị hồi tháng 7/2024 |
Còn nhớ, cơn bão Yagi và hoàn lưu bão vừa đi qua, để lại bao thương vong, mất mát cho Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong hoàn cảnh vừa phải đối phó, khắc phục hậu quả của thiên tai, chính quyền và Nhân TP Hà Nội vẫn hướng về đồng bào vùng lũ cả nước với những sự chia sẻ, hỗ trợ thiết thực.
Đoàn công tác Thành ủy Hà Nội, do đồng chí Nguyễn Văn Phong làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi và tặng 350 phần quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách tại huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng, tháng 11/2023 |
Ngay sau khi cơn bão đi qua, ngày 9/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đã thay mặt Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội có Thư thăm hỏi gửi Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam 11 tỉnh, TP bị thiệt hại do bão, lũ. Để kịp thời hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả và giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn, TP Hà Nội đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp đối với các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Tổng số tiền hỗ trợ là 51 tỷ đồng.
Khi đó, trong thư thăm hỏi gửi các tỉnh, TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài viết: "Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Thành ủy - HDND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội xin gửi lời thăm hỏi ân cần, sẻ chia sâu sắc tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các tỉnh, TP, đặc biệt là Nhân dân các vùng bị ảnh hưởng do bão lũ gây ra".
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài mong rằng, với tình cảm "Tương thân tương ái" và tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", khoản hỗ trợ của TP Hà Nội gửi tới Quỹ Cứu trợ của các địa phương sẽ góp phần khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra và chia sẻ những khó khăn đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tỉnh, thành phố.
Mới đây, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã quyết định trích Quỹ Cứu trợ thành phố 30 tỷ đồng để hỗ trợ đợt 2 Nhân dân các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra để xây, sửa nhà bị hư hỏng, mua cây, con giống, vật tư, phương tiện sản xuất, ổn định cuộc sống.
Như vậy, tính đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ 81 tỷ đồng và 500 triệu đồng nhu yếu phẩm. Không chỉ vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng trao hỗ trợ cho 628 sinh viên các tỉnh phía Bắc đang học tập tại Hà Nội bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Sẵn sàng “vì cả nước, cùng cả nước”
Là trái tim của cả nước, Hà Nội xác định chung nhịp đập với các tỉnh, thành khác để đưa đất nước vững bước đi lên. Bởi vậy, TP Hà Nội luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ và đồng hành. Điều này được thể hiện qua sự hỗ trợ vô cùng thiết thực, ý nghĩa của TP Hà Nội dành cho các địa phương khác.
Cụ thể, TP đã trích 18 tỷ đồng từ nguồn kinh phí ngân sách thành phố thực hiện nhiệm vụ hợp tác, liên kết với tỉnh bạn năm 2024 để hỗ trợ tỉnh Quảng Trị. Trong đó, 3 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; 15 tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách người có công với cách mạng. Trong chuyến làm việc với tỉnh Quảng Trị vào tháng 7/2024 vừa qua, ngoài trao nguồn lực hỗ trợ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong còn khẳng định, TP Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị về phát triển thương mại, công nghiệp, dịch vụ; đào tạo đội ngũ giáo viên và vận động viên thành tích cao; hỗ trợ về phát triển truyền thông, quảng bá du lịch...
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô, tặng quà tới các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt tại huyện Anh Sơn, Nghệ An, tháng 7/2024 |
Bên cạnh đó, đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh việc sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm với tỉnh Quảng Trị trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cùng với đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ để Quảng Trị hoàn thành các công trình đã được thành phố thống nhất chủ trương, tiêu biểu là dự án cải tạo, nâng cấp Khu mộ Liệt sĩ Hà Nội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Tại tất cả các chương trình làm việc với các địa phương, lãnh đạo TP Hà Nội luôn nhất quán chủ trương hợp tác và cùng phát triển. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội và các quận, huyện của thành phố đã quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với 17 công trình, dự án ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Tổng kế hoạch vốn hỗ trợ là 215,9 tỷ đồng.
Tháng 11/2023, trong chuyến làm việc tại tỉnh Lâm Đồng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh: Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ Lâm Hà, Đạ Tẻh về công tác Đảng, giáo dục, phát triển thương mại, du lịch đồng thời tổ chức Ngày văn hóa Hà Nội tại các địa phương trên. Trước đó, Hà Nội đã hỗ trợ 2 huyện trên trong việc xây dựng các công trình mang dấu ấn của Thủ đô như trường học, bệnh viện, phát triển nông nghiệp; xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP cho huyện Lâm Hà…
Tháng 4/2024, trong chuyến làm việc tại tỉnh Hòa Bình, thay mặt chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trao ủng hộ tỉnh Hòa Bình xây dựng 300 ngôi nhà đại đoàn kết, giá trị 15 tỷ đồng. Món quà ý nghĩa này là sự chia sẻ với những khó khăn của người dân tỉnh Hòa Bình và thể hiện tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".
Nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô, trao tặng quà tới các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt tại huyện Anh Sơn, Nghệ An, tháng 7/2024 |
Bắt tay, cùng hợp tác phát triển
Với tiềm năng, lợi thế hơn 10 triệu dân, là trung tâm đầu não về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, nhiều năm qua, Hà Nội đã bắt tay, hợp tác cùng các tỉnh, địa phương trong xúc tiến thương mại, du lịch, văn hóa, để “đi cùng nhau”, phát triển cùng nhau. TP Hà Nội trở thành nơi tổ chức các sự kiện của các tỉnh, thành như “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội”. Ngược lại, Hà Nội cũng tăng cường tổ chức các sự kiện tại tỉnh, thành khác như “Ngày văn hóa Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” vào cuối tháng 8/2024.
Tại sự kiện Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội được tổ chức tại Trung tâm thương mại AEON MALL Hà Đông, 28 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên, Ninh Bình, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Trị, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Định, Sơn La, Lạng Sơn, Kon Tum, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Đà Nẵng, Bắc Kạn, Nam Định đã có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm hữu cơ, đặc sản địa phương mình.
Có thể thấy rõ, trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Hà Nội luôn đi đầu, góp sức trong việc chi viện lực lượng, vũ khí, đạn dược, thuốc men, quân trang, quân dụng, trở thành hậu phương vững chắc của tiền tuyến. Giờ đây, trong thời bình, phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, người Hà Nội vẫn tiếp tục lan tỏa tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, trọng nghĩa tình. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào của người Hà Nội. Cũng từ đây, Thủ đô trở thành điểm tựa vững chắc của cả nước, để đồng bào cả nước tự hào, Nhân dân thế giới ngưỡng mộ. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội thực sự đã và đang làm được điều Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong đợi, để “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta”.