TP HCM kiểm soát thiết bị bay không người lái quanh sân bay Tân Sơn Nhất
Mui chiếc máy bay máy bay Boeing B737 của hãng Tway Air (Hàn Quốc) bị móp sâu, rạn nứt sau cú va chạm phải vật thể bay chưa xác định. Ảnh: Tiền phong
Bài liên quan
Hải Phòng: Chủ tịch thành phố chỉ đạo công tác quản lý thiết bị bay flycam
Lo ngại thiết bị bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ uy hiếp an toàn sân bay Tân Sơn Nhất, UBND TP HCM vừa yêu cầu người đứng đầu các Sở, ban, ngành và quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hoạt động thiết bị này.
Theo đó, 24 quận, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đối với khu vực trong bán kính 8 km từ ranh giới sân bay Tân Sơn Nhất, các địa phương triển khai tổ tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện và xử lý các thiết bị có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho hoạt động hàng không dân dụng của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đối với các thiết bị đã được cấp phép, Bộ Tư lệnh TP HCM tăng cường công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng và hướng dẫn quận, huyện quản lý chặt chẽ hoạt động bay theo mục đích, phạm vi, khu vực được cấp phép bay.
Sở Thông tin – Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền rủi ro từ nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không của thiết bị bay đối với hoạt động hàng không dân dụng cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, đề phòng các đối tượng xấu lợi dụng để thu thập thông tin khu vực cấm, treo cờ, biểu ngữ, rải truyền đơn phản động, khủng bố.
Trước đó, rạng sáng ngày 19/9, máy bay Boeing B737 của hãng Tway Air (Hàn Quốc) khi hạ cánh tại TP HCM đã bị móp và rách chóp mũi che radar thời tiết. Tổ bay đã cảm thấy va chạm khi máy bay tiếp cận hạ cánh trên địa bàn TP HCM.
Tiếp đó, ngày 16/10, máy bay Airbus 321 thực hiện chuyến bay VJ331, chặng TP HCM – Phú Quốc. Khi hạ cánh tại Phú Quốc, nhân viên kỹ thuật phát hiện chóp mũi che radar thời tiết của máy bay bị móp, song không có biểu hiện va đập với chim trời.
Theo đó, do không tìm thấy dấu vết va đập của chim trời ở hai vụ việc này nên khả năng máy bay bị va chạm với thiết bị bay không người lái được để ngỏ.