TP HCM thông tin nhiều vấn đề quan trọng về phòng, chống Covid-19
Toàn cảnh buổi họp báo |
Tăng cường củng cố hệ thống y tế cơ sở
Trao đổi tại họp báo, trước thông tin từ WHO về biến chủng phụ của Delta, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện tại, TP đã qua đỉnh của đợt dịch thứ 4, bên cạnh những biện pháp phòng chống dịch đang triển khai, ngành y tế TP phối hợp cùng các chuyên gia theo dõi diễn biến đối với biến chủng mới này.
Ngành y tế khuyến cáo, hiện tại, người dân cần đảm bảo biện pháp 5K, thực hiện tốt hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP, không được lơ là, chủ quan.
“Qua thực tiễn 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần 4, ngành y tế TP đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm và sẽ áp dụng khi có sự cố xảy ra trong thời gian thời. Hiện nay, Sở Y tế đang cùng các Sở, ngành xây dựng đề án phát triển y tế cơ sở trên địa bàn.
Trong thời gian tới, TP sẽ tăng cường củng cố hệ thống y tế cơ sở, dự phòng từ tuyến TP đến tuyến phường, xã. Đặc biệt, cần có chế độ về chính sách để thu hút thêm nhân lực giỏi về làm việc tại đây”, Chánh văn phòng Sở Y tế chia sẻ.
Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai |
Tính đến 18 giờ ngày 31/10/2021, có 432.703 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP HCM được Bộ Y tế công bố. Hiện TP đang điều trị cho 11.230 bệnh nhân (BN); trong đó có 255 BN nặng đang thở máy, 11 BN can thiệp ECMO.
Trong ngày 31/10 có 624 BN nhập viện, 473 xuất hiện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/1/2021 đến nay là 252.316 BN xuất viện); 25 trường hợp tử vong (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/1/2021 đến nay là 16.706 người).
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, đến ngày 31/10, tổng số mũi 1 là 7.608.475; mũi 2 là 5.723.998 mũi.
Nguyên nhân số ca nhập viện vẫn còn cao
Trả lời câu hỏi "Vì sao số ca nhập viên tại TP HCM vẫn còn cao trong khi mức độ bao phủ vắc xin tăng ?", Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai phân tích 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, khi các cơ sở thu dung tại địa bàn quận huyện thu gọn lại, những bệnh nhân đang điều trị tại những nơi này sẽ được đưa vào các bệnh viện.
Thứ hai, khi các công ty, xí nghiệp, nhà máy bắt đầu hoạt động, việc test nhanh định kì được triển khai. Từ đó, phát hiện thêm nhiều trường hợp dương tính nằm trong lực lượng lao động từ các tỉnh thành đổ về. Tuy nhiên, do các xí nghiệp, nhà máy không đủ điều kiện cách ly, phần lớn người lao động sẽ được đưa vào bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Thứ 3, đối với trường hợp lao động nghèo nhiễm Covid-19, sống tại khu nhà trọ, khu lưu trú không đủ điều kiện cách ly tại nhà, những đối tượng này cũng được đưa vào bệnh viện để điều trị chăm sóc tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho rằng, Nghị quyết 05 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (mở rộng) xác định chiến lược về y tế là trụ cột, chiến lược về kinh tế là then chốt, chiến lược về xã hội là trọng yếu.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho rằng có 04 việc cần làm ngay để giải quyết căn cơ tình hình ASXH trên địa bàn |
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05 và giải quyết căn cơ tình hình ASXH trên địa bàn, theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trước hết cần triển khai đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn; Song song với đó là thúc đẩy có hiệu quả vấn đề lao động - việc làm thông qua các giải pháp phù hợp để hỗ trợ thu hút lao động trở lại TP, đào tạo nghề để xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao; Đẩy mạnh việc áp dụng chiến lược khoa học và công nghệ để thúc đẩy quá trình tái sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tăng cường công tác thông tin và truyền thông, có thông điệp rõ ràng, nhất quán để dân hiểu - dân ủng hộ và thực hiện.
Trao đổi với báo chí về tiến độ trao trả các cơ sở giáo dục sau thời gian trưng dụng phục vụ phòng chống dịch, ông Trịnh Đình Trọng, Trưởng phòng Công tác Chính trị, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay, trên địa bàn TP có 230 cơ sở chưa được bàn giao, trong đó có 31 trường THPT. Phần lớn các đơn vị sử dụng đã đề xuất với Sở thời gian trao trả dự kiến, chủ yếu tập trung vào tháng 11.
“Sau khi nhận bàn giao các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức đoàn kiểm tra cơ sở vật chất tại các trường. Từ đó, đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo Ban quản lý xây dựng công trình của địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan để khẩn trương rà soát, xây dựng phương án, tiến hành sữa chữa các trường”, ông Trọng thông tin.
Nhấn mạnh nguyên tắc “An toàn tới đâu, mở cửa tới đó”, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho rằng không vì thấy tình hình khả quan hơn mà chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, TP HCM vẫn đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh - Cấp độ nguy cơ trung bình. Trong đó, có một số phường xã là cấp độ 3.
Mỗi ngày TP đều có từ 1.000 - 1.400 ca mắc mới. Vì vậy, Phó Ban chỉ đạo đề nghị, các cơ quan báo chí cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, bất kỳ sự chủ quan nào trong phòng chống dịch bệnh cũng đều rất nguy hiểm khi diễn biến dịch vẫn đang phức tạp, khó lường như hiện nay.