TP Hồ Chí Minh: Giải pháp tiết kiệm điện, chuyển đổi xanh mùa nóng
Nguyên tắc để không tăng tiền điện mùa nắng nóng PC Nghệ An lan tỏa văn hoá tiết kiệm điện đến cộng đồng |
![]() |
Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: BTC) |
Điện mặt trời mái nhà là giải pháp vượt trội
Mở đầu tọa đàm, ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh nhắc lại, từ năm 2024, khi Chính phủ đưa ra yêu cầu cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà), đến nay, nội lực của ngành Điện đã có những bước đột phá lớn nhờ các quy định chi tiết nhằm tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo phát triển tại Việt Nam.
Năm 2025, môi trường chính sách đã trở nên thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào nguồn điện xanh, tự sản tự tiêu. Doanh nghiệp nay đã có thể bán phần điện dư cho bên mua là các đơn vị điện lực.
Theo chuyên gia này, trong trường hợp sử dụng điện mặt trời, nếu thời tiết không thuận lợi khiến nguồn điện trên mái nhà không đáp ứng đủ nhu cầu, doanh nghiệp được phép sử dụng điện từ lưới điện quốc gia để bù đắp. Điều này giúp "cởi trói" đáng kể cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) và đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như Châu Âu về việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và có chứng chỉ xanh cho sản phẩm.
![]() |
Ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh phát biểu (Ảnh: BTC) |
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mỗi khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao, EVN buộc phải huy động các nguồn điện chi phí cao như nhiệt điện, điện dầu, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của toàn ngành Điện.
Vì vậy, khi phát triển điện mặt trời mái nhà, người dân và doanh nghiệp có thể tự cung cấp một phần điện cho chính mình. Điều này giúp ngành Điện giảm áp lực huy động các nguồn điện có giá thành cao, mang lại lợi ích cho toàn hệ thống và góp phần giảm áp lực lên giá điện.
"Chúng ta đang hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc phát triển điện mặt trời mái nhà mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nó giúp giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, giảm phát thải carbon và đóng góp tích cực vào mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đã cam kết", ông Dũng nói.
Về giải pháp, ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng Alena (Alena Energy) mang đến các giải pháp năng lượng sạch như: Microinverter Enphase, pin lưu trữ BESS Pytes và chứng chỉ I-REC, giúp doanh nghiệp và người dân tiến gần hơn đến mục tiêu Netzero, đồng thời xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam.
Cùng với đó, giải pháp điện mặt trời kết hợp với bộ tích trữ cũng sẽ giúp cân bằng lượng điện phát ra từ điện mặt trời và nhu cầu sử dụng hệ thống sẽ tích trữ điện để sử dụng sau đó.
![]() |
Ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng Alena (Alena Energy) (Ảnh: BTC) |
Ông Ánh cho hay, công nghệ Microinverter của Mỹ là sản phẩm hiện chiếm thị phần rất nhỏ; chỉ có một loại duy nhất kết hợp với từng tấm pin phát ra điện, không cần qua bộ chuyển đổi tập trung. Người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ này với chi phí giá thành hiện nay đã phù hợp, do giá thành của tấm pin mặt trời đã giảm khoảng 50% so với những năm trước.
"Về hệ thống lưu trữ, trước đây, chúng ta lắp đặt hệ thống điện mặt trời và sau đó có kế hoạch bán điện dư cho EVN, thu về khoảng 2.000 đồng/kWh. Còn người dân và doanh nghiệp phải sử dụng chi phí cao cho giờ cao điểm, nên giải pháp tích điện mặt trời vào bộ lưu trữ để tích vào sử dụng sẽ tiết kiệm chi phí. Thời gian hoàn vốn cho việc đầu tư hệ thống lưu trữ trên khoảng 4,4 - 4,8 năm, nên khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có thể sử dụng cả 2 giải pháp trên", ông Ánh chia sẻ.
Nâng cao nhận thức người dân trong tiết kiệm điện, chuyển đổi xanh
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hằng năm, việc cập nhật công nghệ mới là một trong những nội dung luôn được thành phố được chú trọng. Sở luôn nỗ lực lan tỏa thông tin, truyền thông đến người dân và doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức và hướng dẫn sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, tiết kiệm và an toàn.
Ngành Điện TP Hồ Chí Minh cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động truyền thông, trong đó nổi bật là chương trình hưởng ứng "Giờ Trái đất" được tổ chức thường niên, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng.
Về đề án phát triển điện mặt trời mái nhà, bà Ngọc thông tin, hiện nay Chính phủ đã ban hành các nghị định cụ thể, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai rộng rãi. Sở Công thương đã phối hợp với EVN xây dựng bộ thủ tục hành chính công khai, minh bạch để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận và thực hiện.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đề xuất (Ảnh: BTC) |
Sở Công Thương mong muốn người dân và doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời mái nhà, góp phần giảm chi phí sử dụng điện và tăng tỷ lệ năng lượng sạch cho TP Hồ Chí Minh. Đồng thời hy vọng các cơ quan báo chí, truyền thông cùng chung tay lan tỏa thông tin đến cộng đồng để người dân, doanh nghiệp nắm bắt và tham gia.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) nhấn mạnh, chủ đề về năng lượng sạch hiện đang rất nóng, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.
Hiện nay, nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà là rất lớn và mang tính cấp bách, do giá điện hiện tại khá cao, mặc dù EVN vẫn đang bán điện dưới giá thành và nhà nước phải bù lỗ rất nhiều.
Ông Kỳ kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét điều chỉnh các quy định liên quan đến điện mặt trời để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng sạch.
"Liên quan đến quy định chỉ được bán lại tối đa 20% lượng điện dư thừa cho EVN, câu hỏi đặt ra là trong tương lai, liệu có thể nâng tỷ lệ này lên được không? Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng thắc mắc về những hệ thống đã đầu tư trước ngày 1/1/2021.
Hiện tại, các hệ thống này không được mở rộng công suất, trong khi hiệu suất thiết bị ngày càng được cải thiện. Vậy doanh nghiệp có được phép thay thế các tấm pin cũ bằng tấm pin mới không? Bên cạnh đó, quy định bắt buộc tháo dỡ hệ thống khi hết thời hạn sử dụng cũng cần được xem xét lại để đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài", ông Kỳ đặt vấn đề.
Phó Chủ tịch HUBA nhấn mạnh thêm, việc chuyển đổi xanh không chỉ giới hạn ở điện mặt trời mái nhà, mà còn liên quan đến các lĩnh vực như thu gom, xử lý nước thải, tái chế, và đặc biệt là sản xuất năng lượng tái tạo như điện gió, điện ngoài khơi…
![]() |
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (Ảnh: BTC) |
Phát biểu tổng kết, Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân nhận định, các chuyên gia đã mang đến rất nhiều thông tin bổ sung, gợi ý về chính sách và giải đáp thắc mắc cho rất nhiều cho bạn đọc, những người dân có nhu cầu làm điện mặt trời áp mái.
Qua các giải pháp mà các đơn vị nêu ra thấy được công nghệ ngày càng phát triển, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng hiện nay và trong tương lai. Riêng tấm pin năng lượng mặt trời, nếu giải quyết được vấn đề tái tạo và bảo đảm không ô nhiễm môi trường thì sẽ tích cực cho nền kinh tế.
Cuối cùng, đồng chí Tô Đình Tuân nêu đề xuất, nước ta phải đẩy mạnh năng lượng tái tạo, không chỉ là điện áp mái còn điện mặt trời, điện gió, điện ngoài khơi... khuyến khích đầu tư vào điện sinh khối, thủy điện nhỏ; tăng cường hiệu quả sử dụng điện.
Ứng dụng công nghệ tự động điều chỉnh ánh sáng; áp dụng hệ thống lưới điện thông minh; áp dụng các phần mềm quản lý năng lượng để theo dõi và điều chỉnh tiêu thụ theo thời gian thực; tổ chức các cái chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ tiết kiệm điện của người dân và doanh nghiệp... cũng là các giải pháp đồng thời được đồng chí Tô Đình Tuân nêu ra.
Bên cạnh đó, theo Tổng Biên tập Báo Người Lao động các chính sách và cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng cần cởi mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt và vận hành các thiết bị tiết kiệm điện, năng lượng tái tạo; đồng thời, cần tăng cường nhận thức và đào tạo cộng đồng thông qua các kênh truyền thông đại chúng.
Không bán được điện dư, người dân cần làm gì?
Giải đáp câu hỏi: "Khi khách hàng đăng ký không bán lượng điện dư, họ có bắt buộc phải lắp thiết bị chống phát ngược không? Việc lắp thiết bị chống phát ngược có phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia hay không?", ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống điện năng lượng mặt trời của hộ gia đình được nối trực tiếp vào hệ thống điện trong nhà, đồng nghĩa với việc có sự kết nối với lưới điện. Tuy nhiên, nếu lắp thiết bị chống phát ngược, theo quy định, hệ thống sẽ không phát điện lên lưới điện quốc gia. Do đó, nếu người dân không phát điện dư lên lưới thì không bắt buộc phải lắp thiết bị chống phát ngược. Về giải pháp giảm chi phí điện, doanh nghiệp cần thay đổi công nghệ, thiết bị và thêm nguồn như năng lượng như hệ thống điện áp mái năng lượng mặt trời. Đặc biệt, người dân cần phải thay đổi thói quen sử dụng điện, chẳng hạn thay đổi giờ sản xuất thay vì tập trung vào giờ cao điểm. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hưởng ứng chiến dịch “Trồng 1 tỷ cây xanh"

Không khí lạnh ảnh hưởng tới Bắc Bộ

Quảng Nam: Rừng thông trốc gốc, bờ biển tan hoang

Xử lý nghiêm tình trạng đổ phế thải trái phép ra sông Hồng

ABBANK gây quỹ thành công 100.000 cây quế tặng bà con tỉnh Yên Bái

Từ đêm 12/4, Bắc Bộ trời chuyển lạnh

Cơ sở giết mổ gia súc nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm

Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, trưa hửng nắng

Đắk Lắk quyết liệt thu hồi gần 128.000ha đất rừng bị lấn chiếm
