TP Hồ Chí Minh: Triển khai nhiều giải pháp cải cách nền hành chính công
Cải cách thủ tục, nâng mức hài lòng
Hài lòng với cách giải quyết thủ tục hành chính từ cấp quận, huyện của TP Hồ Chí Minh, chị Lê Thu Minh, ngụ phường Võ Thị Sáu, Quận 3 cho biết, vừa qua công tác cải cách hành chính công (CCHCC) của thành phố có nhiều tiến triển tốt, việc giải quyết rất nhanh gọn, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân. “Tôi bán nhà ở TP Thủ Đức, về Quận 3 làm thủ tục nhập khẩu và chỉ mất khoảng một tuần đã làm xong, chi phí thì rất rẻ. Trước đó, tôi sống ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức, mỗi khi đi làm các giấy tờ liên quan hộ khẩu, tạm trú tạm vắng, điện nước, sao y chứng thực ở phường cũng rất nhanh, không phải chờ đợi lâu…”.
Trong khi đó, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác CCHCC đã giúp loại bỏ được nhiều khâu, nhiều thủ tục rườm rà và cũng giúp doanh nghiệp đỡ vất vả hơn so với trước. Đặc biệt, việc TP Hồ Chí Minh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giúp DN giảm số lần đi lại, giảm chi phí, giảm thời gian chờ đợi xử lý…
Tuy nhiên, cũng theo ông Chu Tiến Dũng, DN vẫn còn vướng mắc trong một số thủ tục ở các lĩnh vực như: Đầu tư, xây dựng, bất động sản… Nguyên nhân do hiện nay có sự chồng chéo của các quy định pháp luật dẫn đến các cơ quan Sở, ngành khi giải quyết hồ sơ thủ tục phải xin ý kiến của các cấp nên kéo dài thời gian và có phần khó khăn cho DN.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP Hồ Chí Minh đã rà soát, đơn giản hóa đối với 44 thủ tục hành chính, rà soát 54 chuyên đề trên nhiều lĩnh vực với 8.112 lượt văn bản, qua đó kiến nghị và được chấp thuận chủ trương xử lý 242 văn bản không còn phù hợp; Đồng thời, thực hiện thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn, tạo chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm thực thi công vụ…
Năm 2021, TP Hồ Chí Minh chọn chủ đề là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Cũng từ năm 2021, TP Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh. Đây là thời cơ rất lớn cho thành phố, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của các cấp chính quyền.
Công tác CCHCC vẫn còn vướng mắc ở các thủ tục đầu tư, xây dựng, bất động sản... |
Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ tập trung triển khai kế hoạch CCHC năm 2021 đồng bộ và có hiệu quả với Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030, Chương trình CCHC và nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số môi trường kinh doanh đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước giai đoạn 2020-2025. Thành phố khuyến khích sự sáng tạo, cải tiến trong CCHC; Đặc biệt, sẽ cải thiện sự hài lòng của người dân theo hướng thực chất hơn, tương ứng với tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn.
Còn theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong quý II/2021, tổng số hồ sơ các Sở, ban, ngành, UBND cấp quận, huyện, UBND cấp xã nhận giải quyết khoảng 5.565.494 hồ sơ (bao gồm 2.182.478 hồ sơ kỳ trước chuyển qua, 3.167.188 hồ sơ tiếp nhận trong kỳ và tiếp nhận trực tuyến là 215.828 hồ sơ), đã giải quyết 4.795.802 hồ sơ, đang giải quyết 56.618 hồ sơ. Số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 215.828 hồ sơ. Hiện nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến (tính đến tháng 6 là: 825/1.820 TTHC, đạt tỷ lệ 46%. Ngoài ra, tổng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận (trực tiếp và trực tuyến) đạt 20.388 hồ sơ. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ được cắt giảm thời gian giải quyết so với tổng hồ sơ tiếp nhận là 99,45%.
Triển khai chính quyền gần dân
Theo báo cáo của các quận, huyện và TP Thủ Đức, vừa qua công tác CCHCC có nhiều tín hiệu khả quan nhưng khi triển khai tại cơ sở vẫn còn khó khăn như: Thiếu cán bộ, công chức phường; Xử lý vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm trật tự lòng lề đường, công tác phối hợp giữa phường với các cấp cao hơn, giữa các phường, xã với nhau còn hạn chế…
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND Phường 4, quận Gò Vấp cho biết: Cấp phường, xã có lượng công việc rất nhiều trong khi số lượng công chức, viên chức, người lao động ít nên cán bộ, công chức phường, xã gặp rất nhiều áp lực.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cho biết, hiện phường có hơn 122.000 dân, áp lực về dân số rất lớn. Tính ra, mỗi cán bộ phải phục vụ 3.500 người dân. Vì vậy, địa phương có kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh khi hoạch định chính sách cần lưu ý về dân số, số cán bộ công chức phường, xã để bổ sung số lượng cán bộ cho phù hợp cho từng địa phương.
Đồng cảm với khó khăn của các quận, huyện và TP Thủ Đức, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố tiếp tục xây dựng chính quyền cơ sở gần dân, sát dân, việc gì lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh. Vì vậy, các Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết, duy trì tiếp công dân định kỳ để đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, chủ động tìm hiểu khó khăn của dân theo hướng “Cán bộ tìm dân, không để dân tìm cán bộ”. Đây chính là chìa khóa để phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trọng tâm của chương trình CCHCC của thành phố luôn xác định lấy yếu tố “con người” là trung tâm của công tác CCHC, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc của người dân. Đối với các đơn vị, Sở, ngành cũng thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC nào còn rườm rà, vướng mắc gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
“Trong quá trình giải quyết hồ sơ hành chính công, cần có thư xin lỗi với dân và doanh nghiệp khi có hồ sơ trễ hẹn, hồ sơ phải yêu cầu bổ sung. Ngoài ra, các đơn vị, Sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức khi thực hiện nếu gặp khó khăn cần kiến nghị thành phố, các Bộ, ngành để các Bộ, ngành kịp thời chấn chỉnh theo các quy định mới một cách phù hợp. Theo đó, khi chấn chỉnh kịp thời thì việc ban hành các thủ tục hành chính mới sẽ tránh được những vướng mắc giữa các văn bản quy phạm pháp luật, tránh sự chồng chéo, không đồng bộ giữa các Bộ, ngành…”, ông Võ Văn Hoan nói.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả của việc CCHC, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đề xuất, UBND TP cần đề xuất Trung ương sớm điều chỉnh nhất quán các quy định để khai thông các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư, bất động sản… Trong việc ứng dụng CNTT và CCHCC, thành phố cũng cần thực hiện đồng bộ, thống nhất...
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021