Trách nhiệm hơn trong nhiệm vụ tiếp công dân
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng Phan Đình Trạc đã nhấn mạnh như trên tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của TP Hà Nội diễn ra chiều nay (16/10).
Rà soát các TTHC liên quan đến KNTC
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá cao việc Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức sơ kết Chỉ thị 35-CT/TW. Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương, Hà Nội đã quán triệt, cụ thể hoá tốt Chỉ thị, triển khai nghiêm túc hiệu quả, bài bản, điểm nổi bật là Hà Nội đã lập BCĐ tăng cường tiếp dân và giải quyết KNTC; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát việc tiếp dân và giải quyết KNTC. Trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, giám sát, Thanh tra, Toà án trong giải quyết KTNTC được nâng cao; công tác tiếp dân, giám sát giải quyết KNTC của MTTQ, HĐND đã triển khai hiệu quả, nhiều vụ việc kéo dài được đưa ra chất vấn tại HĐND, qua đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khắc phục thiếu sót trong giải quyết.
Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, công tác tiếp dân đã đạt được kết quả hết sức quan trọng từ đó góp phần đắc lực cho việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự phát triển của TP. Hà Nội
Để thực hiện công tác tốt hơn trong thời gian tới, Trưởng ban Nội chính Trung ương lưu ý TP Hà Nội cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong giải quyết KNTC.
"Phải xem công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của người dân như là giải quyết vấn đề của chính mình, của người thân của mình, giải quyết thấu tình, đạt lý, phù hợp với thực tiễn", ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.
TP Hà Nội cũng cần chủ trì phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương tập trung rà soát, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tồn đọng về KNTC phức tạp kéo dài; kiên quyết xử lý người KNTC gây rối, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giải quyết các vụ việc dứt điểm và phù hợp.
Cũng theo Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, qua thực tiễn xử lý các vụ KNTC đông người, bài học đầu tiên là phải nghiên cứu rà lại TTHC liên quan KNTC xem đã chặt chẽ chưa, nếu chưa cần bổ sung sửa đổi hoàn thiện thật sự cầu thị. Bên cạnh đó phải xử lý những cán bộ sai về quản lý, những người tham gia kích động, góp sức khiếu kiện đông người.
"Gánh vai" giải quyết những tồn đọng
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, những vụ việc KNTC còn tồn đọng là vấn đề khó nên bắt buộc cả TP, các cấp, các ngành phải gánh vai vào để giải quyết, phải cùng ngồi bàn, thống nhất từ trên xuống dưới để vận dụng giải quyết, khắc phục việc né tránh đùn đẩy.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, một trong những tồn tại hạn chế là công tác phối hợp còn chưa tốt, từ Thành phố đến quận huyện, đến cấp xã phường có nơi còn chưa thống nhất, không nhất quán. "Đây là những hạn chế chúng ta thống nhất và phải đưa ra giải pháp giải quyết để công tác giải quyết KNTC hiệu quả hơn nữa vơi mục tiêu bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của người dân", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Dự báo thời gian tới tình hình càng phức tạp hơn, những vụ KNTC nào cũng có tiềm năng trở thành vấn đề nóng và có thể bị các đối tượng phản động lợi dụng, Bí thư Hà Nội yêu cầu công tác tiếp dân phải trách nhiệm hơn và không dược chủ quan, kinh nghiệm cho thấy phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu cấp uỷ và hệ thống chính quyền các cấp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan, các quận, huyện, thị xã xây dựng giải pháp để xử lý dứt điểm các vụ việc đã nêu, đặc biệt là 45 vụ việc còn chây ỳ, 140 vụ có nguy cơ gây mất ổn định an toàn trật tự xã hội. Những việc vướng, việc khó còn lại các cấp của Thành phố phải cùng nhau tham gia giải quyết hiệu quả hơn trong thời gian tới.