Trải nghiệm những con dốc trong lòng Hà Nội
Mãn nhãn đêm chung kết tôn vinh Hoa khôi Hà Nội 2023 |
Dốc Hàng Phèn
Trong tâm trí của người Hà Nội thì dốc Hàng Phèn được liệt vào hàng con dốc dữ hay như cách nói bây giờ là Hà Nội đã từng ôm trong lòng những con dốc “tử thần”. Điều này nghe thật khó tin nhưng sự thật là ở phố Hàng Phèn đã từng có con dốc cao vời vợi theo hướng xuôi dần về phía Cửa Đông và ở ngay chân dốc lại là đường tàu điện chạy qua.
![]() |
Chỉ sơ sẩy một chút là tai nạn có thể đến với bất kỳ ai. Những chàng trai Hà Nội dù khỏe mạnh đến mấy nhưng khi đạp xe tới đây cũng phải dừng lại ở chân dốc, xuống xe dắt bộ mới vượt qua nổi.
Dốc La Pho
Dốc La Pho là một con dốc dài khoảng 300m, nối từ đường Hoàng Hoa Thám xuống dốc Thuỵ Khuê. Nằm sát vách Công viên Bách Thảo Hà Nội. Dốc La Pho nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội.
Vào khoảng năm 1886 - 1890, người Pháp chọn khu đất rộng thuộc phường Khán Xuân và làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp để xây dựng vườn thực nghiệm thực vật (Jardin d’essais). Khu vườn chia thành hai phần. Phần trên cao phía đường Hoàng Hoa Thám có diện tích trên 33ha, bao quanh phía sau quần thể dinh thự của người Pháp.
![]() |
Ngoài các loại cây sẵn có, người Pháp còn sưu tập các giống cây bản địa quý hiếm từ Bắc chí Nam và trồng thí nghiệm các loài cây cỏ lạ từ khắp thế giới. Để tăng sự hấp dẫn, dọc theo lối đi người ta xây các chuồng nuôi thú, vì vậy ngoài tên “vườn bách thảo” khu vườn còn được gọi là “vườn bách thú”.
Nhờ thành quả của vườn thực nghiệm và vườn ươm mà nhiều loại cây cảnh, cây hoa quý và cây xanh lấy bóng mát đã tô điểm thêm cho các công sở, biệt thự, đường phố Hà Nội.
Vị giám đốc đầu tiên có công tạo dựng vườn thực nghiệm thực vật và vườn ươm là nhà khoa học người Pháp Laforge, nên khu vườn được gọi là vườn ươm Laforge. Con dốc dài 300m gấp khúc tương đối cao đi từ đường Hoàng Hoa Thám xuống phố Thụy Khuê sát tường rào vườn ươm cũng được người dân gọi là dốc La-pho (phiên âm tiếng Việt từ Laforge). Đó chính là một điểm thú vị mà làm cho Dốc La Pho trở nên đặc biệt.
Dốc Thọ Lão
Sở dĩ có tên Thọ Lão là vì ở cuối dốc có ngôi chùa Thọ Lão xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII. Đó là một cái dốc tương đối cao nối phố Lò Đúc với một khu đất rộng, thông sang khu vực đền thờ Hai Bà Trưng và Chợ Giời.
Khu đất này chứa trong lòng nhiều khu tập thể của Nhà máy Rượu, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân, Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2, Bộ Lâm nghiệp, ký túc xá Đại học Dược... Ngày nay, dốc này đã được gắn biển tên phố “Dốc Thọ Lão”.
Dốc Tam Đa
Cái tên dốc cũng từng gây nhiều tranh cãi. Nhiều người giải thích rằng xưa ở con dốc này từng có 3 cây đa trồng cạnh nhau theo hình tam giác nên được đặt tên như vậy. Nhưng qua khảo cứu tài liệu thì tên Tam Đa có nguồn gốc rằng: Thời Pháp thuộc có một người tên là Tạ Văn Trạc. Ông này học trường kỹ nghệ Tây và từng dự hội chợ đấu xảo Toulouse. Sau khi về nước, ông mở cơ sở sản xuất dầu gió, dầu xoa bóp ở con dốc này và gọi là nhà thuốc Ích Phong. Trước cửa nhà thuốc bày bộ tượng Phúc - Lộc - Thọ bằng sành nên dân chúng gọi là nhà thuốc Tam Đa.
![]() |
Năm 1954, gia đình ông này di cư vào Nam, hiệu thuốc trở thành khu đất Nhà nước quản lý nhưng cái tên Tam Đa vẫn in đậm trong ký ức người Hà Nội. Trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của Nguyễn Văn Uẩn cũng ghi: “Tên dốc Tam Đa là do ở đây có nhà thuốc Ích Phong bán dầu cù là có bày bộ tam đa ở cửa mà thành tên dốc”.
Dốc Hàng Than
Dốc Hàng Than là con đường từ đê sông Hồng xuống khu buôn bán ở Cửa Đông. Đầu dốc sát bến sông là các lò nung vôi, xuống dốc có những nhà bán than hoa dùng cho hỏa lò, vì thế mà thành tên. Từ ngã tư Hòe Nhai đến Hàng Đậu dân cư đông đúc hơn, chủ yếu là người làng Hòe Nhai và Yên Thuận. Đoạn phố này tập trung các gia đình sản xuất và bán bánh cốm. Ngày nay, phố Hàng Than trở thành con phố sầm uất, chuyên cung cấp các dịch vụ ăn hỏi, là trung tâm mua bán bán bánh cốm, bánh phu thê.
Dốc Hàng Kèn
Phố Bà Triệu xưa, đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Du gọi là dốc Hàng Kèn. Gọi như vậy không phải do chuyên bán kèn mà bởi đoạn đường này nằm sát hồ Thiền Quang và hồ Liên Chiểu (đã bị lấp đi để mở phố), vắng vẻ lại xa trung tâm nên các đội kèn nhà binh, các phường bát âm mang kèn trống ra tập rồi trở thành nơi giao dịch thuê kèn trống phục vụ đám hiếu. Vết tích tên phố còn lại ngày nay là Trường Tiểu học Quang Trung thời Pháp thuộc từng có tên là trường Hàng Kèn. Cuối phố Hàm Long chỗ giáp với Đại sứ quán Pháp có một trạm biến áp, hồi bé tôi đi qua còn thấy ghi: “Trạm biến thế Dốc Hàng Kèn”.
Thời Pháp thuộc, bên phía đông từ ngã ba Hàm Long đi xuống một quãng có ngôi miếu nằm dưới gốc cây thị già, nghe đồn rất linh thiêng. Do vậy, dốc có tên là dốc Miếu cây thị, dân gian thường gọi là dốc Hàng Kèn. Từ dốc Miếu cây thị có đường đất thông sang phố Hàng Kèn, tức phố Trần Quốc Toản bây giờ.
Ngoài những con dốc ấn tượng kể trên, Hà Nội còn rất nhiều địa điểm du lịch văn hóa lịch sử thú vị và hấp dẫn, nếu có dịp ghé tới Thủ đô, quý độc giả đừng quên trải nghiệm không gian văn hóa lịch sử hấp dẫn nơi đây nhé.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội đồng loạt vệ sinh biển báo hiệu, dải phân cách giao thông

Hơn 50.000 phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ chào mừng đại lễ 30/4

Quảng Ninh lần đầu tổ chức Lễ hội Du lịch biển Vân Đồn 2025

Kí ức của các chiến sĩ đội lái xe “tóc dài” Trường Sơn

Bàn giao nhà nghĩa tình mừng 50 năm giải phóng miền Nam

Tour dài ngày, trải nghiệm văn hóa - lịch sử và số hóa "lên ngôi"

Câu chuyện kết nối cộng đồng qua ẩm thực của Bác 2 Voi

Beer Plaza của Sun World Ba Na Hills đoạt giải thiết kế xuất sắc tại VNMARK Design Award 2025

Huế công bố đường dây nóng phục vụ du khách dịp nghỉ lễ 30/4
