Sau thảm họa động đất, người dân Nepal trở thành “con nợ”
Mặc dù có sự trợ giúp của chính phủ, nhiều người dân Nepal vẫn phải vay tiền để xây dựng lại nhà của họ. Ảnh: Getty Images
Lâm vào cảnh nợ nần
Hơn 3 năm trôi qua song đến nay, Nepal vẫn đang phải gồng mình khôi phục lại nền kinh tế vốn bị tàn phá nặng nề và xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hỏng sau động đất. Nền kinh tế Nepal bị thiệt hại ước tính lên đến 10 tỷ USD, tương đương một nửa tổng GDP cả nước. Những người dân Nepal may mắn sống sót lại đang phải đối mặt với thách thức mà họ không hề mong đợi. Đó là nợ nần.
Nhiều ngôi nhà tại Thủ đô Kathmandu bị hư hỏng nặng. Chính phủ Nepal đã đề xuất hỗ trợ cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, mỗi hộ 3.000 đô la Mỹ để xây dựng lại nhà cửa. Số tiền đó chỉ đủ khoảng 30-50% chi phí xây dựng lại một ngôi nhà cơ bản. Tình trạng đó khiến nhiều người dân Nepal phải vay lãi cao.
Trận động đất kinh hoàng năm 2015 đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người, khiến 22.000 người bị thương và phá hủy hơn 900.000 ngôi nhà. Ảnh: Reuters |
Gia đình cô Ratna Awale sống tại phía Nam Thủ đô Kathmandu trong một ngôi nhà đã bị hư hỏng nặng. Một vết nứt lớn chạy từ phía sau ngôi nhà đến bức tường phía trước và một nửa tầng trệt bị sụp đổ. Gia đình cô đã vay ngân hàng một triệu rupee (gần 9.000 đô la Mỹ) với lãi suất 14%. Những người dân như Awale đang bị kẹt giữa việc trả lãi vay hàng tháng và trang trải cuộc sống hàng ngày. “Số tiền đó, hoặc là chúng tôi ăn hoặc chúng tôi trả tiền vay”, cô chia sẻ.
Theo số liệu thống kê, 75% người dân Nepal dựa vào các khoản vay để xây dựng lại nhà cửa. Một số vay từ ngân hàng, những người khác vay từ nguồn không chính thức như hàng xóm, họ hàng hay các doanh nghiệp địa phương. Nhiều người phải chịu mức lãi vay lên đến 43%.
Chính phủ đã ra lệnh cho các ngân hàng thương mại cung cấp các khoản vay ở mức lãi 2%. Nhiều ngân hàng phớt lờ, một số khác ràng buộc người vay với các điều khoản chặt chẽ hoặc thời hạn vô cùng gắt gao. Vì vậy, vào tháng trước chương trình cho vay này đã bị ngừng lại. Tính đến thời điểm đó, chỉ có 1.300 người nhận được khoản vay với lãi suất ưu đãi. Hiện tại, trung bình người dân Nepal vẫn đang phải trả lãi lên đến 23% để xây dựng lại nhà cửa.
Nepal là đất nước có diện tích phần lớn là núi cao, mới hàn gắn sau thời kỳ nội chiến kéo dài với nền chính trị đang có những thay đổi căn bản. Khắc phục những hậu quả của trận động đất chỉ là nhiệm vụ mang tính tượng trưng và khoản trợ cấp 3.000 đô la Mỹ trên thực tế được xác định không thể đủ trang trải các chi phí cho việc tái thiết.
Theo thống kê, sau thảm họa có đến khoảng 820.000 căn nhà cần xây dựng lại, lớn hơn ở Pakistan năm 2005 hay ở Haiti năm 2010.
Kết quả khảo sát của Cơ quan tái thiết Quốc gia (NRA) từ hàng triệu hộ gia đình trên khắp Nepal cho thấy, 70% nhu cầu trợ cấp liên quan đến hoạt động tái thiết. Do đó, ngân hàng Trung ương Nepal vừa qua đã khởi xướng một chính sách mới nhằm hỗ trợ những người thuộc diện nhận trợ cấp có thể vay và trả nợ trong thời gian 5 năm.
Một ngôi nhà ở Patan đã bị bỏ hoang kể từ trận động đất năm 2015. Ảnh: The Guardian |
Dẫu vậy, để những người có nhu cầu tiếp cận được các nguồn tiền hỗ trợ cũng không phải việc đơn giản. “Vướng mắc lớn nhất đối với chúng tôi là nhiều người dân không chính thức sở hữu nhà riêng nên không đủ cơ sở để xác định và nhận trợ cấp”, Rakesh Maharjan, chuyên gia công nghệ thông tin thuộc dự án Tái thiết nhà ở sau động đất chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động cứu trợ trong khu vực cho biết. Theo chuyên gia này, tại Lalitpur, thị trấn thuộc Patan (một trong những thành phố lớn nhất Nepal), có ít hơn 20% số người người sở hữu nhà ở đăng ký nhận trợ cấp của Chính phủ, có thể được nhận trong thời gian tới.
Theo Santosh Maharjan, một sinh viên 25 tuổi có gia đình bắt đầu tiến hành việc xây dựng lại nhà ở vào tháng tư năm trước, vấn đề khó khăn lớn nhất vẫn là tiếp cận được các nguồn tiền. “Gia đình tôi và chú tôi cùng sống chung. Chúng tôi cần 2 triệu rupee (trên 17.000 đô la Mỹ) để hoàn thiện căn nhà. Cha tôi đã phải bán cả đất đai nhưng vẫn không đủ tiền trang trải”, anh chia sẻ.
Vấn đề của Chính phủ
Vấn đề tái thiết không dừng ở những cá nhân riêng lẻ. Quảng trường Durbar ở Thủ đô Kathmandu là một khu vực tuyệt đẹp với các ngôi đền Hindu và Phật giáo. Đây là một điểm thu hút lớn đối với khách du lịch, nay đã bị hư hỏng nặng hoặc bị phá hủy. Tổng cộng 741 công trình kiến trúc cổ khác, trong đó có các đền, tháp và cung điện đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại trong các trận động đất dữ dội. Chính phủ Nepal sẽ phải mất nhiều thời gian và tiền bạc mới có thể phục hồi hoàn toàn các công trình kiến trúc.
Nepal vốn là quốc gia nghèo nhất Nam Á, xếp hạng 145/187 về Chỉ số phát triển con người do Liên hợp quốc đánh giá. Đồng thời, Nepal bị xếp hạng quốc gia kém phát triển. Theo số liệu thống kê, năm 2015, Nepal nợ nước ngoài 3,8 tỷ USD. Nepal cũng nợ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á khoảng 1,5 tỷ USD, nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 54 triệu USD.
Với số nợ khổng lồ cùng với việc tái thiết đất nước, Nepal nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đang cảnh báo ảnh hưởng của Trung Quốc đối với quốc gia láng giềng trong thời gian gần đây. Từ thủy điện cho tới xi măng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã xuất hiện ở mọi ngõ ngách trên đất nước Nam Á nhỏ bé này. Các nhà cung cấp mạng từ Trung Quốc đang phá thế độc quyền của Ấn Độ; du khách Trung Quốc thì nô nức kéo tới Nepal; các học viện dạy tiếng Trung mọc lên như nấm sau mưa. Sinh viên Nepal tới Trung Quốc ngày càng nhiều hơn Ấn Độ và hàng trăm quan chức Nepal được mời tới Trung Quốc mỗi năm. Một số người tự hỏi liệu nó có thể dẫn đến cái gọi là bẫy nợ như đã xảy ra ở Sri Lanka. Sau một thời gian chật vật vì nợ tiền doanh nghiệp Trung Quốc, Chính phủ Sri Lanka rốt cuộc đã phải bàn giao quyền sử dụng cảng biển chiến lược Hambantota cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê có thời hạn 99 năm vào cuối năm ngoái.