Tri ân thế hệ trước để vững tin làm chủ tương lai
Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sỹ Lãnh đạo TP Hà Nội thăm hỏi thương bệnh binh, gia đình chính sách Tri ân những cống hiến, hy sinh cho nền độc lập dân tộc |
Giống như cây xanh muốn vươn cao thì gốc phải bền chặt, không có bất cứ con người nào lớn lên, phát triển, thành công mà không dựa trên nền tảng của những người đi trước đã tạo dựng một môi trường, xã hội tốt đẹp cho mình.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài thăm hỏi, tặng quà bà Vũ Thị Dần (vợ liệt sĩ) đang được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số II Hà Nội |
Lòng biết ơn chính là một mạch nguồn dạt dào mà bền bỉ nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim người Thủ đô để chúng ta được thấm đẫm trong bầu không khí của Hà Nội nghĩa tình, đậm đà truyền thống đền ơn, đáp nghĩa.
Nghiêng mình cùng tháng 7
Tri ân người có công, anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng là một hoạt động xuất phát từ tận đáy lòng của lãnh đạo, chính quyền và Nhân dân Hà Nội. Chính vì vậy, những việc làm đền ơn đáp nghĩa được cả thành phố đồng bộ thực hiện từ trên xuống dưới, thường xuyên và liên tục.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm hỏi gia đình thương binh Hoàng Ngọc Thành (Mỹ Đức, Hà Nội) |
Đó là vào các dịp lễ, Tết, những khi người có công ốm đau, gặp hoàn cảnh khó khăn. Đó là các chính sách về bảo hiểm, hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh, học tập dành cho người có công hoặc con em họ. Điều này thể hiện lòng biết ơn luôn được biểu hiện bằng những việc làm, hành động cụ thể, thực chất, là một nhiệm vụ và tình cảm quan trọng của chính quyền và Nhân dân Thủ đô.
Người có công và thân nhân liệt sĩ rất phấn khởi khi được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và các đại biểu đến thăm, chúc sức khỏe và tặng quà
Đặc biệt, vào mỗi tháng 7, cũng như cả nước, Hà Nội nghiêng mình như một nốt trầm trong bản nhạc hòa bình của ngày hôm nay. Nốt trầm ấy là những giờ phút thắp nến tri ân, mặc niệm, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hi sinh xương máu vì Tổ quốc. Nốt trầm ấy là khi chúng ta tổ chức những chuyến thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công, thương binh, liệt sĩ. Đó cũng là lúc chúng ta tổ chức các cuộc hành hương về nguồn, tìm hiểu, ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc và Thủ đô.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm hỏi, động viên thương binh Vương Đình Hệ (Thạch Thất, Hà Nội) |
Không chỉ thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa tại Hà Nội, các đoàn công tác của lãnh đạo, cán bộ, Nhân dân Thủ đô cũng tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc để đến với những vùng chiến trường, chiến khu xưa. Dâng hương tưởng nhớ tới vong linh các Anh hùng liệt sĩ, thăm hỏi những thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ các địa phương còn chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn và di chứng của chiến tranh cho thấy người Hà Nội luôn thực hiện trách nhiệm và tình cảm của Thủ đô với cả nước.
Đoàn đại biểu TP Hà Nội do đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn |
Những ngày này, lắng nghe lại những ca khúc cách mạng hào hùng, nghẹn ngào, đằm sâu cảm xúc với “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Cỏ non thành cổ” hay “Vết chân tròn trên cát”, xem lại những thước phim… để một lần nữa thấu hiểu những gian khổ, khó khăn và hiểm nguy mà cha anh ta đã trải qua.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao tặng 150 nhà tình nghĩa, trị giá 15 tỷ đồng tại Quảng Trị |
“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im” (Đất nước - Phạm Minh Tuấn). Tự hào đấy mà cũng đau thương đấy. Khắp đất nước mình có biết bao nghĩa trong liệt sĩ.
Đoàn công tác của báo Tuổi trẻ Thủ đô dâng hương tại nhà tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào |
Còn biết bao nhiêu hài cốt các anh, các chị, các chú, các cô nằm rải rác chưa được trở về bên người thân. Còn biết bao nỗi đau của những người ngóng chồng con xa không trở về. Còn biết bao người để lại một phần máu thịt và thanh xuân nơi chiến trường bom rơi đạn nổ, cho đến bây giờ vết thương “cứ trở gió lại đau nhức nhối”.
Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng và Phó Tổng Biên tập Ngô Vương Tuấn thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hy (Quảng Bình) |
Là Thủ đô của đất nước hòa bình, rất nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, về nguồn được Hà Nội thực hiện tại mảnh đất này cũng như lan tỏa tại nhiều địa phương khác trên khắp cả nước. Đó cũng chính là sự kết nối trái tim và trái tim, là sự đoàn kết, đồng lòng cùng hàn gắn vết thương chiến tranh trên cơ thể Việt Nam để cùng hướng về tương lai đẹp tươi phía trước.
Điệp thêm vào nét văn hóa đất ngàn năm
Cũng như bao vùng trên khắp đất nước mình, phường nào, xã nào, quận huyện nào của Hà Nội cũng có những người con từng tham gia chiến đấu. Những tấm bia liệt sĩ, những nghĩa trang liệt sĩ cho thấy bao người Hà Nội đã ngã xuống vì hòa bình hôm nay. Xếp bút nghiên lên đường tòng quân vệ quốc, gác lại mọi chuyện cá nhân để trả nợ non sông, truyền thống ấy được cha anh viết nên bằng máu nay lại tiếp tục được thế hệ trẻ nối dài bằng nhiều hành động thiết thực như thực hiện nghĩa vụ quân sự, học tập, chiến đấu, cống hiến hết mình vì đất nước.
Thành đoàn Hà Nội tổ chức Hội thu ủng hộ hoạt động Đền ơn đáp nghĩa năm 2024 |
Điều đó cũng góp thêm một phần vào tầng sâu văn hóa của mảnh đất này. Để hôm nay, truyền thống đền ơn, đáp nghĩa của Hà Nội cũng có những nét riêng, mang đầy phong cách trang trọng, hào hoa của Thủ đô.
Vào các dịp lễ, Tết và đặc biệt là tháng 7 hàng năm, bên cạnh các đoàn lãnh đạo, đoàn thể thì còn rất nhiều tổ chức, cá nhân đến viếng thăm các nghĩa trang, người có công với cách mạng, thân nhân, gia đình anh hùng, thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng…
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi tuổi trẻ Thủ đô trao quà tới các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) |
Hình ảnh những em học sinh, thanh thiếu niên trang nghiêm, xúc động, thành kính dâng từng nén nhang trước tượng đài tưởng niệm hay dìu đỡ, hỏi han ân cần với người có công cho thấy mỗi cá nhân người Hà Nội đều nhận thức sâu sắc ý nghĩa của tri ân, bày tỏ lòng biết ơn. Không chỉ dịp tháng 7 mà vào các dịp lễ, Tết hay ngày quan trọng của cuộc đời, nhiều gia đình Hà Nội dẫn các thế hệ thành viên đến viếng nghĩa trang liệt sĩ, đó là một hình ảnh vô cùng đẹp, đầy nét văn hóa, thể hiện đạo lý trước sau như một thấm đẫm trong ý thức, tâm hồn người Thủ đô.
Nếu không biết ơn từ tận đáy lòng, nếu không thường trực trong đầu sự nhắc nhở phải sống sao cho xứng đáng với thế hệ đi trước thì người Hà Nội ngày hôm nay không thể đồng loạt, thường xuyên và liên tục thể hiện bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa và sâu sắc đó.
Các đồng chí Phó Chủ tịch MTTQ huyện Anh Sơn; Nguyễn Thị Hương Liên, Bí thư Huyện đoàn Anh Sơn; Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Ngô Vương Tuấn tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học tập tốt |
Sự làm gương của các cấp chính quyền, những người lãnh đạo các cơ quan nhà nước và ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, không quên công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để chúng ta được thụ hưởng nền hòa bình như ngày nay.
Chính vì thế, có nền tảng vững chắc như vậy, người Hà Nội luôn luôn hướng về phía trước với tất cả niềm tự hào để làm việc, học tập, cống hiến nhiều hơn nữa, góp phần xây dựng văn hóa, kinh tế, xã hội của Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại và đậm đà nghĩa tình.