Triển khai Luật Thủ đô: Tinh thần cán bộ nắm vai trò cốt lõi
Duy trì khí thế, quyết tâm
Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều điểm đổi mới và tầm nhìn đột phá lớn, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.
Luật được Quốc hội thông qua đã tạo nên một khí thế, quyết tâm rất lớn trong toàn hệ thống chính trị TP Hà Nội. Tinh thần ấy được duy trì từ trong suốt quá trình xây dựng dự thảo Luật, trình Quốc hội cho tới thời điểm hiện tại, khi TP thực hiện các bước đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống.
Nhìn lại hồi tháng 5/2024, trước khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, tại Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, một số ý kiến của các thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã đề nghị lựa chọn việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thủ đô |
Không chỉ là quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, trên nghị trường, để góp tiếng nói vào quyết sách của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội đã tích cực thảo luận hội trường, thảo luận tổ về những quy định thật rõ ràng và đúng nghĩa vượt trội riêng cho Thủ đô.
Tâm huyết với TP hai bên sông Hồng, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhiều lần nhấn mạnh về việc làm thế nào để biến sông Hồng thành một trục trung tâm; trục văn hóa, sinh thái, du lịch, dịch vụ bởi những yếu tố này sẽ là trung tâm để phát triển của TP. Theo đại biểu, nếu vẫn cứ để các quy định như trong dự thảo là việc xây dựng các công trình ven sông, khai thác các khu vực ven sông vẫn phải tuân thủ quy định của Luật Đê điều thì điều này có nghĩa toàn bộ hành lang ven sông của Hà Nội cũng sẽ giống như hành lang ven sông của các tỉnh khác, đều không thể tạo ra được diện mạo mới cho Thủ đô. Do vậy, cần chỉnh sửa để tạo cho Hà Nội một cơ chế riêng trong việc khai thác hai bên bãi sông Hồng, sông Đuống cũng như một số bãi sông khác trên địa bàn.
Quan tâm đến những điều, khoản liên quan đến văn hóa để văn hóa Thủ đô thực sự tỏa sáng, dẫn dắt sự phát triển văn hóa của đất nước, đại biểu Bùi Hoài Sơn mong muốn, một số chính sách, giải pháp đặc thù vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ được áp dụng cho các thiết chế, các hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương ở Hà Nội để giải quyết những vấn đề bức xúc ở các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay như tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam hay một số thiết chế văn hóa, thể thao khác…
Sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ngay sau kỳ họp thứ 7, nhiều cử tri các quận, huyện trên địa bàn TP đã bày tỏ sự phấn khởi, đồng thời đề xuất, UBND TP phối hợp các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết Luật, giúp Luật Thủ đô sớm đi vào đời sống, tạo nguồn lực, cơ chế, chính sách đặc thù, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đến nay, các cấp, ngành TP đang quyết liệt vào cuộc, từng bước thể chế hoá các quy định của Luật, nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu ý kiến thảo luận về Luật Thủ đô trước Quốc hội |
Chuẩn bị lực lượng tinh thông nghiệp vụ và tâm huyết với Thủ đô
Theo các chuyên gia, cùng với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Hà Nội cần chuẩn bị đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ và tâm huyết với thủ đô để thi hành Luật.
PGS. TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ tri thức TP Hà Nội cho rằng, chủ trương có đi vào cuộc sống được không phải thông qua việc thực hiện của con người. Con người luôn luôn đóng vai trò quyết định rất quan trọng trong tất cả các khâu, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện. Nếu biết tổ chức tốt thì mọi chủ trương sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.
“Luật thủ đô sắp có hiệu lực, TP cần chuẩn bị một lực lượng để đón nhận. Lực lượng này phải có sự hiểu biết, nắm chắc Luật Thủ đô, đồng thời hiểu rõ tình hình của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay và tới đây”, bà An chia sẻ và nhấn mạnh: Việc chuẩn bị con người phải từ TP tới tận cơ sở để cho việc vận dụng Luật Thủ đô ở các lĩnh vực được hiệu quả, bởi chính họ sẽ hiểu rõ lĩnh vực của mình, biết đâu là điểm cần đột phá.
“Hà Nội cũng cần rà soát ngay đội ngũ cán bộ, thiếu đâu thì bổ sung đó, ai không làm được thì đứng sang một bên, chỉ như vậy mới tạo được khí thế và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân”, PGS.TS Bùi Thị An nói. |
Tâm huyết với việc Luật thủ đô cho phép phân cấp triệt để, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh, nếu con người đủ trình độ, đủ tâm, đủ tầm thì cấp nào cũng sẽ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được phân cấp, làm cho bộ máy tinh hơn, gọn hơn, hiệu quả hơn; đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp, người dân.
Vì thế, Hà Nội cần chuẩn bị con người tinh thông nghiệp vụ và tâm huyết với Thủ đô để khai thác hết lợi thế của Luật Thủ đô, để áp dụng Luật Thủ đô vào cuộc sống một cách hiệu quả. Nếu không thì Luật thủ đô vẫn chỉ là Luật Thủ đô mà thôi.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu mỗi cán bộ phải nắm chắc tinh thần Luật Thủ đô |
Cũng theo bà An, cần thiết thì nên thực hiện Luật Thủ đô theo tinh thần chỉ thị 24 của Thành uỷ. Hà Nội cũng cần linh động trong khuôn khổ Luật quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần các đồng chí đứng đầu, bởi mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng nhưng lại có sự liên ngành, nên người đứng đầu nếu có tầm, có tâm thì sẽ quy tụ được lòng người, nhân tài chung sức xây dựng Thủ đô.
Quan trọng là cán bộ các cấp phải hiểu được một cách đầy đủ cặn kẽ các điều khoản của Luật Thủ đô để vận dụng vào cho Hà Nội ở từng lĩnh vực một, từ đó mới có những kiến nghị, sáng tạo, cách làm để vận dụng Luật vào cuộc sống. Nếu không hiểu, không nắm chắc sẽ máy móc, cứng nhắc, dẫn tới Luật Thủ đô không phát huy hiệu quả.
Tại Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô ngày 11/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Luật Thủ đô có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nhiều quy định mới so với hệ thống pháp luật hiện hành. Yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức của TP phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, tinh thần của Luật Thủ đô; hiểu rõ được các quy định cụ thể cũng như mối quan hệ giữa các quy định của Luật Thủ đô trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật. |
Còn theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, để thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Luật Thủ đô, điều cần thiết là xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu “vừa hồng, vừa chuyên”, bảo đảm năng lực, có ý thức trách nhiệm cao và gương mẫu trong tổ chức triển khai thực hiện luật.
“Với rất nhiều cơ chế, chính sách đột phá trong Luật Thủ đô, chúng ta phải thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Quốc hội đã trao, với một tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đội ngũ cán bộ, công chức với tư duy mới, tầm nhìn mới, với yêu cầu đòi hỏi mới phải tự nâng cao năng lực, trình độ; đặc biệt tinh thần “vì Nhân dân phục vụ” phải cao hơn nữa, lúc đó chúng ta mới có thể triển khai thực hiện Luật một cách tốt nhất”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh.
Cũng theo bà Mai, các công việc sắp tới cần sự nỗ lực đồng hành, cộng đồng trách nhiệm từ lãnh đạo TP đến các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tổ chức thực thi Luật. Từ đó, phát huy cao nhất những giá trị cốt lõi trong Luật Thủ đô năm 2024 mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã tin cậy giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô.