Triển lãm Kết quả phát triển tài sản trí tuệ Hà Nội năm 2023
Khai mạc triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP làng nghề 2023 |
Đến dự lễ khai mạc triển lãm có ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; ông Nguyễn Hữu Cần, Phó viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ Hà Nội; ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội; ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cùng đông đảo đại biểu, khách mời.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phát biểu khai mạc triển lãm |
Triển lãm có quy mô 20-25 gian hàng, trưng bày các sản phẩm đã được hỗ trợ đăng ký, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ của các quận, huyện; các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các trường đại học và các tổ chức tư vấn hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố.
Thời gian diễn ra từ ngày 12 - 13/12, tại tầng 1, Khu Liên cơ Võ Chí Công, số 258 Võ Chí Công, quận Tây Hồ.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội, những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng các quận, huyện, thị, các đơn vị tư vấn, các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố triển khai các nội dung của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các đại biểu, khách mời tham dự lễ khai mạc triển lãm |
Để ghi nhận kết quả đã đạt được của chương trình trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cùng với với Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp tổ chức Triển lãm Kết quả phát triển tài sản trí tuệ Hà Nội năm 2023.
Triển lãm với mục đích giới thiệu, quảng bá các hoạt động, kết quả phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù; các sản phẩm gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm của thành phố”.
Đại diện Công ty Nhật Hải OIC NEW giới thiệu sản phẩm của mình với đại biểu |
Hà Nội đã tích cực triển khai, thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn. Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát và lựa chọn những sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đã được thành phố công nhận OCOP để hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ như: Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.
Tính từ năm 2019 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho 73 nhiệm vụ trong đó có 1 nhiệm vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý; 12 nhiệm vụ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và 60 nhiệm vụ đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Kết quả của các nhiệm vụ này đã góp phần nâng cao danh tiếng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, năng lực quản lý của các chủ thể góp phần nâng cao đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đại diện huyện Gia Lâm giới thiệu sản phẩm của địa phương - thương hiệu tinh dầu sả chanh Bà Bé |
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu đầu ngành. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cũng như bàn luận các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố.
Đại diện huyện Mê Linh giới thiệu sản vật của địa phương với các đại biểu |
Bưởi vỏ đỏ, sản phẩm OCOP của huyện Mê Linh |
Huyện Phúc Thọ với chuối Vân Nam nổi tiếng, có đặc điểm quả to, vị ngọt đậm, mùi thơm nhẹ... Hầu hết chuối được tiêu thụ dưới dạng trái cây tươi trên thị trường Hà Nội và xuất khẩu sang một số nước |
Huyện Ứng Hòa giới thiệu nghề may áo dài của làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm) và nghề làm nhạc cụ dân tộc của làng Đào Xá (xã Đại Cường) |
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác xác lập quyền Sở hữu trí tuệ Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến quý II năm 2023, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 4.335 (chiếm 34,3%, cả nước có 12.670 đơn) trong đó 96 đơn sáng chế, 48 đơn giải pháp hữu ích, 155 đơn kiểu dáng công nghiệp, 4.036 đơn nhãn hiệu. Số lượng bằng sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 1.402 (chiếm 33,1%, cả nước là 4.021 bằng) trong đó: 80 bằng sáng chế, 87 bằng giải pháp hữu ích, 131 bằng kiểu dáng công nghiệp, 1.104 bằng nhãn hiệu. |