Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II: Giảng viên dạy không lương, học viên không có chứng chỉ nghề
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II: Lách luật tuyển sinh, đào tạo “chui”?
Đào tạo đúng thỏa thuận
Theo đơn cầu cứu gửi đến báo, ông Trịnh Hồng Sơn thay mặt cho 24 cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy nghề khóa 2022, tường trình: Tháng 3/2022, Trung tâm Đào tạo Phát triển nguồn nhân lực (thuộc Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II), đứng ra ký văn bản thỏa thuận về việc tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ năm 2022 với Công ty Đào tạo và Cung ứng nguồn lực Nhân Việt (Công ty Nhân Việt).
Theo thỏa thuận này, Công ty Nhân Việt có trách nhiệm cho Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II thuê địa điểm đào tạo và trang thiết bị giảng dạy cho 2 nghề Sửa chữa ô tô và Điện lạnh, đồng thời giới thiệu đội ngũ 24 giảng viên đạt tiêu chuẩn để Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II ký hợp đồng thỉnh giảng.
Sau khi thỏa thuận được ký, ông Sơn với tư cách là Giám đốc Công ty Nhân Việt đã tiến hành thực hiện theo đúng hợp đồng.
Khai giảng khóa đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ năm 2022 theo thỏa thuận đã ký giữa Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II và Công ty Nhân Việt tại một đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh |
Khóa đào tạo thời điểm này có 556 học viên tham gia. Sau thời gian có 80 học viên bỏ học. Đến tháng 10/2022, khóa học kết thúc. Hồ sơ khóa học của giảng viên và học viên đã được Trung tâm Đào tạo Phát triển Nguồn nhân lực, thuộc Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II hoàn tất và gửi cho lãnh đạo nhà trường để làm thủ tục quyết toán theo quy định và cấp Chứng chỉ nghề cho học viên. Tuy nhiên, sau khi hồ sơ được gửi đi, thì những vướng mắc, khó khăn xuất hiện.
Theo ông Sơn, thời điểm kết thúc khóa học là tháng 10/2022 nhưng đến tháng 2/2023 vẫn không có phòng ban nào của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II thực hiện kết toán hồ sơ với lý do cho rằng hồ sơ không đúng, không đủ nên không thể quyết toán hồ sơ khóa học như thỏa thuận đã ký.
Việc không quyết toán hồ sơ khóa học đẫn đến Tết Nguyên đán 2023, 24 giảng viên không nhận được lương và hàng trăm học viên không được cấp chứng chỉ nghề.
“Theo thỏa thuận, chúng tôi chỉ cung cấp địa điểm và trang thiết bị giảng dạy cho các nghề có trong thỏa thuận và giới thiệu đội ngũ giảng viên nghề để Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II ký hợp đồng lao động tham gia giảng dạy. Công tác tổ chức nhân sự, nội dung giảng dạy, hồ sơ học viên... là thuộc chuyên môn của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II.
Khi chúng tôi yêu cầu trả tiền thuê địa điểm, thuê trang thiết bị và trả lương cho 24 giảng viên tham gia giảng dạy thì nhà trường bảo Trung tâm Đào tạo của trường sai nên không thể trả tiền cho chúng tôi. Việc nhà trường mang vấn đề nội bộ làm lý do không trả tiền là rất vô lý, vì chúng tôi không có chức năng để can dự vào công việc đó”, ông Sơn bức xúc.
Biến “chủ nợ” thành “con nợ”
“Trước Tết, hiểu được khó khăn của giảng viên, tôi có lên liên hệ với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đề nghị thanh toán tiền thuê mặt bằng, trang thiết bị giảng dạy và tiền lương cho giảng viên có tiền ăn Tết. Khi đến liên hệ thì trường không tiếp, đến khi giảng viên, học viên làm căng, treo băng rôn trước cổng trường thì lãnh đạo trường mới mời tôi vào làm việc.
Thay vì trả tiền thì lãnh đạo nhà trường viết một cái giấy vay nợ khoản tiền 521 triệu đồng. Trước tình cảnh khó khăn của nhiều giảng viên, tôi chấp nhận biến mình từ chủ nợ thành con nợ để có tiền giải quyết khó khăn trước mắt cho giảng viên và nhân viên công ty”, ông Sơn cho biết.
Giờ học thực hành trên trang thiết bị thực tế do Công ty Nhân Việt cung ứng theo thỏa thuận đã ký với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II |
Ông Nguyễn Văn Toàn, Kế toán Trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (được lãnh đạo nhà trường ủy quyền tiếp báo chí), thừa nhận có chuyện cho vay nợ. “Sao không dùng văn bản tạm ứng tiền mà phải viết giấy vay nợ?”, chúng tôi đặt vấn đề. Ông Toàn giải thích: “Do số tiền cho vay nợ là số tiền nằm trong nguồn vốn tự chủ của trường, còn chương trình đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ nằm trong chương trình sử dụng vốn ngân sách nên nhà trường cho mượn nợ…”.
Nói là vậy nhưng sao không dùng nội dung tạm ứng tiền đang thiếu mà dùng giấy vay nợ? Phải chăng nhà trường đang cố kiếm cách không trả tiền công giảng viên và tiền thuê mặt bằng, trang thiết bị giảng dạy đã ký?... Nhiều giảng viên thắc mắc về nội dung khoản nợ mà đại diện họ là ông Sơn đã ký vay.
Theo ông Sơn, tổng số tiền mà Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II phải trả cho nội dung thỏa thuận đã ký là khoảng 2,3 tỷ đồng.
Giải thích cho việc không thể trả tiền theo thỏa thuận đã ký, ông Toàn cho biết: “Đến giờ thì chúng tôi không khẳng định ai đúng ai sai, giờ vụ việc đã chuyển ra Bộ. Giờ chúng tôi đang chờ ý kiến của Bộ. Bộ xử lý thế nào thì chúng tôi sẽ theo đó làm, vì việc này liên quan đến vốn ngân sách...”.
Cũng theo ông Toàn, đây là đợt đào tạo nghề thứ 3 mà Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II tổ chức, nhưng 2 lần trước thì đúng nhưng đến lần này phải chờ Bộ xử lý.
Giải thích cho sự trục trặc ở lần thứ 3 này, ông Toàn cho biết, thỏa thuận được ký vào tháng 3 nhưng đến tháng 4 thì Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II có Hiệu trưởng mới (ông Bùi Văn Hưng).
Sau khi có Hiệu trưởng mới thì nhà trường có yêu cầu Trung tâm Đào tạo Phát triển Nguồn nhân lực của trường vẫn tiếp tục thực hiện giảng dạy nhưng phải bổ sung một số thủ tục theo yêu cầu của trường. Đến khi khóa học kết thúc thì Trung tâm Đào tạo vẫn chưa đảm bảo khối lượng thanh toán, chưa có cụ thể để thanh toán được theo quy định pháp lý, hồ sơ... nên phát sinh vướng mắc, ảnh hưởng đến thỏa thuận đã ký.
“Vậy là Trung tâm Đào tạo làm sai?”, chúng tôi hỏi. “Đến bây giờ chúng tôi không khẳng định đúng sai, mọi chuyện giờ chờ Bộ LĐ-TB&XH có hưởng xử lý”, ông Toàn nói. “Chúng tôi cũng mời phía thầy Sơn lên làm việc nhưng ông ấy không đến, không hợp tác thì chúng tôi cũng không có cách để giải quyết”, ông Toàn cho biết thêm.
Cũng từ những vướng mắc phát sinh sau khi có Hiệu trưởng mới của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, sau 7 tháng, gần 500 học viên của khóa học vẫn chưa được cấp chứng chỉ nghề.
Theo ông Sơn, từ sau kết thúc khóa đào tạo nghề, ông có đến làm việc với nhà trường 2 lần, thêm 2 lần làm việc với Trung tâm Đào tạo Phát triển nguồn Nhân lực của trường, những lần làm việc này đều có ghi lại biên bản. “Nói mời tôi lên làm việc mà tôi không lên là không chính xác. Tôi có biên bản làm việc mỗi lần tiếp xúc với nhà trường”, ông Sơn khẳng định.
Cũng theo ông Sơn, bản thân ông và giảng viên thắc mắc rất nhiều về câu chuyện nếu Hiệu trưởng mới thấy có gì đó trục trặc trong quá trình đào tạo thì tại sao không cho dừng lại để điều chỉnh mà lại chờ cho đến khi kết thúc chương trình rồi mới viện dẫn ra nhiều khó khăn?
Chưa hết, nếu có gì đó chưa đúng trong chuyên môn thuộc trách nhiệm trường thì nhà trường tự giải quyết sao lại đổ lên đầu giảng viên và đơn vị đã ký thỏa thuận công việc và làm đúng theo thỏa thuận đó? Phải chăng vướng mắc phát sinh là do Hiệu trưởng mới muốn thể hiện năng lực quản lý nên phải nhờ đến Bộ LĐ-TB&XH giải quyết?
Tại sao hàng trăm học viên bộ đội xuất ngũ được đào tạo đúng theo quy trình phải dài cổ chờ chứng chỉ nghề chỉ vì những vướng mắc của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II? Những câu hỏi này có lẽ chỉ có Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II mới có câu trả lời.