Truyền bá kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh và tìm hướng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân huyện Sóc Sơn
(TTTĐ) – Ngày 28/10, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo giữa các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp và nhà sản xuất tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hoa, cây cảnh cho nông dân nơi đây.
Tại hội thảo đã có nhiều câu hỏi về kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh như cách phòng trừ bệnh phấn trắng, bệnh thán thư trên hoa hồng; bệnh vàng lá, thối đốt hoa cúc; cách chống ngập úng cho hoa hồng; chính sách, cơ chế hỗ trợ của huyện, thành phố về phát triển sản xuất rau, hoa, cây cảnh... được các nhà khoa học, nhà quản lý giải đáp. Qua đó, giúp bà con nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào mô hình sản xuất tại địa phương.
Các chuyên gia nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh cũng đánh giá huyện Sóc Sơn là huyện có tiềm năng để phát triển vùng sản xuất hoa đạt chất lượng cao nhờ có điều kiện thuận lợi về đất đai, giao thông, thương hiệu. Khi ứng dụng được các kiến thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ sẽ huyện đi tiên phong trong phát triển, sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao kết hợp thương mại sản phẩm, đảm bảo đầu vào và đầu ra tốt.
Theo bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, sau dồn điền đổi thửa huyện Sóc Sơn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, lúa chất lượng cao có 10.000 ha, bưởi diễn 250ha, hoa các loại như: lan, đào, ly…có hơn 50ha. huyện đã hình thành mới một số mô hình sản xuất công nghệ cao như: sản xuất nấm, hoa, rau, thuỷ sản. Tỷ lệ cơ giới hoá trong khâu làm đất lúa đạt 93%, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 133 triệu đồng.
Sản lượng lương thực đạt trên 90.000 tấn. trong đó hoa nhài cho giá trị đạt 420-450 triệu đồng/ha canh tác. Hoa ly, hoa lan giá trị sản xuất đạt 4,5-5 tỷ đồng/ha. Bưởi diễn đạt giá trị 350-400 triệu đồng/ha canh tác. Chè an toàn Bắc Sơn đạt trên 250 – 300 triệu đồng/ha canh tác; Đu đủ, chuối, dưa lê giá trị sản xuất đạt 250-300 triệu đồng/ha, đặc biệt rau hữu cơ Thanh Xuân đạt 1,2 tỷ đồng/ha canh tác, một số mô hình ứng dụng công nghệ cao cho giá trị sản xuất trên 5 tỷ đồng/năm.
Từ chỗ chưa có nhãn hiệu hàng hoá nông sản, đến nay huyện đã có 5 thương hiệu được công nhận là: rau hữu cơ Thanh Xuân, Chè an toàn Bắc Sơn, bưởi sạch Sóc Sơn, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, làng nghề công tre truc Thu Thuỷ và 3 thương hiệu đang làm hồ sơ đề nghị công nhận là: đu đủ Nam Sơn, gà đồi Sóc Sơn, Hoa nhài Sóc Sơn.
Huyện đã hình thành 5 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp là rau, cây ăn quả, hoa nhài, gà đồi, cây dược liệu, đã có 10 công ty, 5 cửa hàng đã ký hợp đồng tiêu thụ ổn định rau hữu cơ.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển việc xây dựng thương hiệu còn rất nhiều hạn chế, kinh nghiệm quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể còn thiếu do đây là nội dung mới. Việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao của người nông dân chưa được nhiều, do đầu tư lớn, đòi hỏi người sản xuất phải có kiến thức trình độ vận hành các trang thiết bị và ứng dụng các công nghệ sản xuất mới chưa được đồng bộ.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào thế mạnh là hoa, đưa các giống hoa mới, chất lượng cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Thúy Hương