Từ bãi rác tới cánh đồng hoa
Học sinh THCS Phúc Xá kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Bảo đảm an toàn cho Nhân dân Phúc Xá phải đặt lên hàng đầu Người dân phường Phúc Xá: Nước rút, rồi sẽ về chung tay dọn dẹp |
Bến hoa nằm dưới chân cầu Long Biên, quận Ba Đình, Hà Nội_ |
Hoa nở từ bãi rác
Là một bãi bồi ven sông Hồng nằm dưới chân cầu Long Biên với diện tích rộng hàng chục ha, khu vực này trước kia có rất nhiều cây cỏ dại, lều lán lụp sụp được dựng lên một cách tự phát, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của dân cư.
Chia sẻ từ phía người dân địa phương, không chỉ có lều trại tự phát, nơi này cũng là điểm tập kết rác thải trái quy định. Thấy đây một bãi đất trống, không có biển báo cấm, nhiều người đã vứt trộm rác thải sinh hoạt. Theo thời gian, nơi này vô tình trở thành một bãi rác tự phát mà không có người tới dọn dẹp, thu gom.
Điểm tập kết rác thải tự phát |
“Mọi người cứ đem rác ra đây rồi ném xuống, không chỉ người dân ý thức kém mà không ít người buôn bán trong chợ Long Biên cũng vứt rác thải ra đây, số lượng rác nhiều vô kể, cũng bởi vì không có ai dọn dẹp nên dần trở thành bãi rác tự phát bốc mùi hôi thối” – cô Phượng, người dân địa phương chia sẻ.
Với đặc tính địa lý phụ thuộc vào lượng mưa lũ quanh năm, đồng thời chịu ảnh hưởng nặng nề từ những đợt bão vừa qua, tình trạng ô nhiễm tại bãi bồi càng trở nên nghiêm trọng. Để cải thiện và xử lý triệt để tình trạng trên, UBND quận Ba Đình, chính quyền, người dân phường Phúc Xá đã chung tay cải tạo, khoác lên một tấm áo hoàn toàn mới cho nơi này.
Chính quyền và người dân chung tay cải tạo, giải phóng mặt bằng |
“Chúng tôi mong muốn thực hiện nhiệm vụ kép, biến công trình này thành một vùng đất xanh mới của Thủ đô, mục tiêu là bảo vệ môi trường cảnh quan chung, bên cạnh đó ngăn chặn triệt để tình trạng xâm lấn trái phép của một bộ phận dân cư tại đây” – bà Đinh Thị Phương Liên, Quận uỷ viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình cho biết.
Công trình “Bến hoa Phúc Xá – Ba Đình” là thành quả từ sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương. Để cải tạo bãi bồi, gần 200 lều lán tự phát đã được giải toả và di chuyển, những gốc cây cỏ dại được chặt bỏ, gần 10ha đất được san ủi để nuôi trồng, chăm bón các loại cây hoa màu, tạo môi trường xanh sạch đẹp, nhằm góp phần cải thiện tới cảnh quan chung.
Mảnh đất có diện mạo mới sau khi được cải tạo |
Mùa bão về, ôm hoa vượt lũ
Vườn hoa có sức sống mãnh liệt chống chọi với lũ |
Theo thống kê, vào ngày 11/9 năm nay, lượng nước trên sông Hồng tại Hà Nội đã dâng cao hơn 11m, trên mức báo động 2 do chịu ảnh hưởng từ những đợt mưa lũ, đặc biệt là cơn bão số 3 – bão Yagi. Rất nhiều nơi trên thành phố đã rơi vào tình trạng ngập lụt, nhiều quận huyện ngoại thành Hà Nội và ven sông Hồng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó phải kể đến phường Phúc Xá, quận Ba Đình.
“Mọi năm có như thế này đâu, năm nay lũ về tận 3 lần, có hôm cao điểm nhất, nước sông dâng lên đến ngang ngực. Đợt đầu tiên chúng tôi gieo hạt, cây đã lên cao và nở hoa nhưng khi lũ về thì toàn bộ hoa màu, ruộng rau đều mất trắng, lúc đấy ai cũng xót xa tiếc nuối vì đó là mồ hôi công sức của rất nhiều người” – cô Thuỷ, người phụ trách tưới tiêu tại vườn hoa chia sẻ.
Cô Thuỷ phụ trách tưới tiêu tại bến hoa |
Dưới sự chỉ đạo của chính quyền, hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình đã vận động nhân lực từ các đoàn thể, tình nguyện viên trên địa bàn thành phố, xây dựng lực lượng nòng cốt là câu lạc bộ Thử thách ven sông chung tay xây dựng, cải tạo bãi bồi.
Câu lạc bộ Thử thách ven sông đảm nhận vai trò chăm sóc, nuôi trồng tại công trình |
“Lần gieo giống đầu tiên thì lũ về, sau đó thì chúng tôi tiếp tục gieo lần hai, khi chuẩn bị cấy thì lũ lại về, phải đến lần thứ ba thì mới thành công, hoa màu mới bắt đầu mọc lên và đến bây giờ mới thành hình cánh đồng hoa để mọi người tới chụp ảnh” – cô Ngát, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Thử thách ven sông do Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình thành lập chia sẻ.
Sau nhiều đợt lũ, những hạt giống trước kia được gieo trồng tại đây gặp phải tình trạng úng nước, rất khó để chăm bón, có những khu vực hoa đã mọc lên nhiều nhưng chỉ sau một đêm lũ về là mất trắng. “Khu vực hoa sao nhái (hay còn gọi là hoa cúc bướm) này chúng tôi phải gửi hạt giống đi nơi khác để họ gieo trồng hộ rồi mới đem về trồng tại đây vì hoa rất yếu, không thể nở được ở đây” – cô Ngát cho biết.
Cô Ngát phân loại giống để chuẩn bị cho đợt gieo trồng sang năm |
Năm nay là năm đầu tiên Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình và hệ thống chính trị phường Phúc Xá đảm nhận nhiệm vụ cải tạo, chăm sóc công trình này. “Xác định đây là nhiệm vụ chính trị, chúng tôi quyết tâm tìm hướng xử lý, huy động mọi nguồn lực để chăm sóc, nuôi trồng hạt giống để đưa công trình đi vào hoạt động sớm nhất có thể” - bà Đinh Thị Phương Liên, Quận uỷ viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình cho biết.
Công trình có hơn 10 loại hoa được nuôi trồng |
Rất nhiều loài hoa đã bung sắc nở rộ tại cánh đồng, sắc màu của chúng phủ lên vùng đất này một làn gió mới, làn gió của những mùi hương, sắc màu trong trẻo, hồi sinh một mảnh đất trước kia bị lấp đầy bởi rác thải và cỏ dại. Để làm được điều đó, hàng trăm con người đã quyết tâm, chung tay cải tạo mảnh đất này ngày đêm không nghỉ. Những bông hoa đang nở rộ tại đây là biểu tượng của sự quyết tâm thay đổi cảnh quan của chính quyền và người dân địa phương.
Cảnh sắc và con người đã đem đến một sức sống mới cho mảnh đất này |
Quanh bến hoa có 4 chuồng chim bồ câu, biểu tượng hoà bình của thủ đô Hà Nội |
“Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động, xây dựng thêm nhiều tiểu cảnh để làm phong phú cảnh quan tại công trình. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình cũng hướng tới xây dựng công trình thành một địa điểm tổ chức sự kiện của thành phố. Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền phường Phúc Xá để tổ chức những sự kiện văn hoá, kết nối cộng đồng tại đây” - Theo bà Đinh Thị Phương Liên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình. |
Hiện nay, công trình “Bến hoa Phúc Xá – Ba Đình” đã trở thành một địa điểm thu hút rất nhiều du khách tới tham quan, chụp ảnh. Công trình trên không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong cảnh quan chung phường Phúc Xá, mà còn là cầu nối du lịch, một biểu tượng mới về không gian xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.