Từ vụ nam thanh niên giết vợ con và bài học về lối sống cho người trẻ
Ngôi nhà tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội - nơi xảy ra thảm án
Bài liên quan
Sau khi gây án, đối tượng sát hại vợ con đến gặp mẹ rồi đi tự thú
Hà Nội: Nghi án nam thanh niên dùng dao sát hại vợ và con nhỏ do mâu thuẫn tình cảm
Vụ nam thanh niên bị đâm chết vì sàm sỡ vợ bạn nhậu bị xử lý thế nào?
Được biết, sau trận cãi vã giữa hai vợ chồng, Quách Văn Nam dùng dao chém vợ và con trai 2 tuổi. Những người dân tại đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội kể lại, họ nghe tiếng Nam và vợ cãi nhau. Sau đó, khi lực lượng công an đến khám nghiệm hiện trường thì thấy vợ và con trai của Nam đã tử vong.
Một người dân tại khu phố cho biết, trước đây, vợ chồng nam thanh niên này cũng hay xảy ra cãi vã nhưng không ngờ Nam nhẫn tâm giết vợ và đứa con trai duy nhất. Vụ việc đã gây sốc cho mọi người.
Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi năm ở Việt Nam xảy ra khoảng 1.200 vụ giết người, trong đó 90% do nguyên nhân quan hệ xã hội. Số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm từ 18 - 20%.
Bạo lực gia đình diễn ra ở nhiều khía cạnh: Bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục… Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Bạo lực gia đình đang diễn biến phức tạp và phản ánh vấn đề bất thường của xã hội, xu hướng bạo lực ở cách hành xử trong cộng đồng gia tăng. Có thể đánh giá thông qua các vụ bạo hành gia đình, một số vụ thảm án đã báo động sự xuống cấp trong đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ.
Đối tượng Quách Văn Nam |
Bạn đọc Minh Tú (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, hiện nay, có những đối tượng thanh niên nghỉ học sớm, lười tích lũy tri thức, không có trình độ, làm những công việc tay chân nặng nhọc. Trong khi đó, thu nhập của họ không ổn định, điều kiện kinh tế bấp bênh, khó khăn.
Đã vậy, họ rảnh rỗi, thiếu tiền lại sinh ra nhậu nhẹt, chơi cờ bạc, cá độ mong kiếm thêm, rồi nợ nần. Trong khi vợ trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm sống, đang tuổi ăn tuổi chơi, thân mình còn lo chưa xong còn phải đèo bòng chồng, con… lại gặp cảnh thiếu tiền, chồng thì say xỉn. Từ lý do đó, vợ chồng sinh ra cãi vã, đánh nhau, lặp đi lặp lại mà không thể cùng nhau định hướng tương lai, cũng như suy nghĩ về đạo đức. Những trận cãi vã kéo dài, gây căng thẳng tâm lý, khiến họ không còn kiểm soát được hành vi.
Theo Minh Tú, một số người trẻ bây giờ có cái tôi quá lớn, "ngựa non háu đá", không chịu nghe lời góp ý, luôn cho mình là đúng, sẵn sàng nói dối, gây chuyện, thậm chí còn không tỏ ra hối hận khi mắc sai lầm. Những thói hư, tật xấu này càng đẩy mẫu thuẫn gia đình lên cao. Cuộc sống vợ chồng lẽ ra êm ấm trở nên "căng như dây đàn"...
Bạn Nguyễn Khánh Lâm (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm, dù bất cứ lý do gì thì cũng không thể chấp nhận hành động dã man, tàn ác, gây tội nghiêm trọng. Những bức xúc gia đình, vợ chồng trong tình cảnh xấu nhất có thể giải quyết bằng cách chia tay chứ giết người thì quá man rợ, nhất là giết cả đứa bé 2 tuổi vô tội.
Khánh Lâm nhấn mạnh thêm, hành vi giết người trong một số vụ án xuất phát từ nhân cách lệch lạc, mất nhân tính, dẫn đến hành vi bạo lực với chính người thân. Điều đó cũng đặt ra nhiều vấn đề trong lối sống của giới trẻ hiện đại.
Vụ việc này sẽ là bài học cho các bạn trẻ, nhìn nhận vấn đề và rút kinh nghiệm bản thân để không vướng phải sai lầm, đừng "cả giận mất khôn" dẫn đến những thảm án đau lòng.
“Khi đứng trước những tình huống mâu thuẫn trong gia đình, giữa vợ chồng, con cái, chúng ta không nên nóng giận, manh động, cần học cách kiểm soát, kiềm chế bản thân”, Lâm bày tỏ.
Theo các chuyên gia tâm lý, trong hai vợ chồng, nếu một người nóng giận thì người kia nên bớt lời, tuyệt đối không tranh cãi với nhau. Hai người nên rời đi, chờ lúc bình tĩnh lại thì cùng nhau giải quyết. Đối với người phụ nữ, im lặng và nín nhịn đôi khi còn là bảo vệ chính tính mạng mình và những người thân của mình.
Các chuyên gia tâm lý khuyên, một trong hai người không nên kích động người đang bức xúc, có dấu hiệu mất kiểm soát, đồng thời, người gây nên nguồn cơn bức xúc lúc đó nên lánh đi, để tránh sự đụng độ và dẫn đến thảm kịch không đáng có.