Kỳ vọng giao thông công cộng Hà Nội sẽ chuyển biến mạnh mẽ
Giảm tải cho giao thông nội đô
Những năm vừa qua là năm bản lề rất quan trọng đối với công tác quản lý, điều hành giao thông của Hà Nội với hàng loạt biện pháp đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Trong năm 2024, Nhân dân Thủ đô kỳ vọng mạng lưới giao thông thành phố sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, trở thành trợ lực tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chị Phan Thị Thương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Luật Thủ đô sửa đổi cho phép Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao đi vào vận hành thương mại, người dân, học sinh sinh viên đều tỏ ra phấn khởi, chờ mong |
Những quy định mới có nhiều khác biệt bởi trước đây, trong quá trình thực hiện có rất nhiều nội dung cần điều chỉnh phải triển khai các thủ tục, từ xin chủ trương đến lập, thẩm định phê duyệt, điều chỉnh mất rất nhiều thời gian, qua nhiều cấp, từ địa phương, bộ ngành, đến Chính phủ.
Đặc biệt, Luật sửa đổi đã mở cơ chế, cho phép quá trình đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững.
Với khoảng 10 triệu dân, gần 8 triệu phương tiện, lại tập trung chủ yếu trong khu vực đô thị trung tâm, áp lực giao thông đang đè nặng lên Hà Nội, khiến cho tình trạng UTGT diễn biến ngày càng phức tạp. Những trục đường chính như: Nguyễn Trãi, Tố Hữu - Lê Văn Lương, Vành đai 3 trên, Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến, Giải Phóng, Phan Trọng Tuệ… đã hình thành nhiều điểm “nóng” kéo dài, gây khó khăn cho người dân, dẫn đến những hệ lụy về môi trường, lãng phí của cải xã hội.
Chị Phan Thị Thương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) |
Do đó, chị Phan Thị Thương cho rằng, muốn hạn chế phương tiện cá nhân, qua đó giảm thiểu ùn tắc giao thông thì mạng lưới vận tải hành khách công cộng phải phát triển, đặc biệt phải có phục vụ đắc lực của “vai chính” đường sắt đô thị.
“Năm 2024, Hà Nội tiếp tục đưa vào vận hành đoạn tuyến trên cao đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Cùng với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đây sẽ là hai tuyến góp phần rất lớn giảm tải giao thông cho nội đô thành phố”, chị Thương nhấn mạnh.
Hướng tới giao thông thông minh
Bên cạnh nghiên cứu triển khai mô hình TOD, để đẩy nhanh tốc độ phát triển giao thông đô thị, thời gian tới Hà Nội cần chủ động thúc đẩy các nguồn lực, chú trọng hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh.
Mới đây, vào đầu tháng 7/2024, Hà Nội đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (đặt tại số 1 phố Kim Mã, quận Ba Đình). Dự án thí điểm này được kỳ vọng sẽ góp phần tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn thành phố một cách hiệu quả.
Trong thời gian thí điểm, Trung tâm Điều hành giao thông thông minh lựa chọn đặt camera thông tại 2 nút giao trên đường Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy), trong đó có nút giao gần Viện Huyết học truyền máu Trung ương vốn là “điểm nóng” ùn tắc do có mật độ phương tiện di chuyển lớn.
Sau khoảng 3 tuần thí điểm, thực tế cho thấy hoạt động giao thông trên đường Phạm Văn Bạch đã ổn định hơn, cùng mật độ phương tiện nhưng hiện tượng ùn tắc đã giảm đáng kể, ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện được nâng lên.
Chị Lê Thị Ánh Tuyết (Cầu Giấy, Hà Nội) |
Liên quan đến vấn đề này, chị Lê Thị Ánh Tuyết (Cầu Giấy, Hà Nội) nhấn mạnh phát triển giao thông thông minh là một trong những giải pháp trọng điểm để cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về "Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới.
Có thể thấy, việc đưa vào khai thác Trung tâm Điều hành giao thông thông minh có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh, là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" và tổ chức triển khai trong thời gian tới.
Cùng với những kết quả bước đầu, các phương án mới được triển khai đồng bộ, cùng những quy định mới tại Luật Thủ đô sửa đổi, được nhiều người kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong phát triển giao thông đô thị, tạo điểm tựa xây dựng Hà Nội và vùng Thủ đô theo hướng hiện đại, bền vững.