Từ vụ Sulli treo cổ: Báo động bệnh trầm cảm trong giới trẻ
Sự ra đi đột ngột của hàng loạt ngôi sao K-pop và mới đây nhất là nữ ca sĩ Sulli đã dấy lên những lo ngại về mức độ trầm cảm trong giới trẻ
Bài liên quan
Người nổi tiếng đối mặt với chứng bệnh trầm cảm
Áp lực học hành, nhiều sinh viên Mỹ trầm cảm
Vượt qua chứng bệnh trầm cảm để trở thành diễn giả
Áp lực học hành khiến nhiều học sinh nhập viện điều trị trầm cảm
Những người trẻ cô đơn
Cái chết đột ngột của Sulli đã gây chấn động ngành giải trí châu Á, nó khiến nhiều người bàng hoàng và tiếc thương cho một tài năng âm nhạc còn quá trẻ. Từng trả lời phỏng vấn, Sulli nói: “Sulli có nghĩa là hoa tuyết lê, mình sẽ tái sinh như bông hoa lê có sức sống mạnh mẽ, căng tràn”. Thế nhưng, bông hoa tuyết lê ấy đã không thể mạnh mẽ, căng tràn nhựa sống thêm nữa. Trước sự ra đi của ngôi sao Hàn Quốc, nhiều người cho rằng cô đã phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm trong một khoảng thời gian dài bởi áp lực dư luận cùng những lời chỉ trích cay nghiệt.
Sau khi Sulli qua đời, cư dân mạng Hàn Quốc liên tục chia sẻ bức hình cô cùng chú thích “Cuộc sống này thật buồn cười, khi bạn chết đi người ta mới bắt đầu yêu thương bạn”. Cùng với đó là hàng loạt những video, những bài chia sẻ của cô được cộng đồng mạng lục tìm lại, nhiều người xót xa khi nhận ra Sulli đã phải đối mặt với sự cô đơn không thể chia sẻ, lâu tới chừng nào.
Không chỉ ở Hàn Quốc, mỗi năm có khoảng 40.000 người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam, trong đó có rất nhiều em từ bỏ cuộc sống khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Trầm cảm có thể đến từ nhiều nguyên nhân như áp lực trong học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội… Chính những nguyên nhân đó dần dần khiến giới trẻ thu mình, ngại giao tiếp với bên ngoài. Không thể giãi bày, không có người để chia sẻ những đứa trẻ “ẩn mình” trong những nhóm kín trên mạng xã hội, chúng coi đây như là nơi để bấu víu mỗi khi cô đơn. Do thiếu nhận thức, suy nghĩ còn bồng bột cộng thêm những tác động trên mạng xã hội đã khiến nhiều em đi đến quyết tự tử.
Nữ ca sĩ Sulli trước khi tự tử, nhiều người cho rằng, cô đã phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm trong một thời gian dài |
H. Anh (Thanh Xuân, Hà Nội), người từng có ý định tự tử chia sẻ: “Em bị mọi người bỏ rơi, kể cả những người thân thiết nhất. Em từng mong mọi người quan tâm đến mình nhiều hơn, nhưng những gì nhận lại đều vô vọng”. Một cuộc sống bế tắc với em vì em không thể chia sẻ được với ai những áp lực mà mình đang phải trải qua. Bố mẹ không lắng nghe những điều em nói lúc nào cũng bắt em phải thế này phải thế kia rồi đem em ra so sánh với những người mà em cũng không biết rõ họ là ai. Bố mẹ đâu có biết em đang phải đánh vật với cuộc sống để tự tìm lối thoát cho bản thân, nhiều lúc em nghĩ hay là mình kết thúc tất cả thì sẽ không phải mệt mỏi với cuộc sống này nữa”.
Tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương rất đông các bạn trẻ đang điều trị, trong đó có M. Linh. Linh 20 tuổi nhập viện trong tình trạng có ý định tự tử nhưng không thành. Linh chobiết, em bị áp lực nhiều trong học tập. Ngoài ra, chuyện tình cảm và gia đình không được như ý muốn, khiến em suy nghĩ nhiều nhưng không giải tỏa được dẫn đến trầm cảm lúc nào không biết.
Hoa hậu Nam Em cũng từng là một trong những trường hợp như vậy, cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy lạc lõng giữa cuộc sống, thay vì chú ý tới cảm xúc của tôi thì mọi người lại dùng những lời lẽ để “nhấn chìm” tôi trong làn sóng của dư luận”. Trước sự ra đi của Sulli, Nam Em đã đăng tải dòng trạng thái trên Instagram rằng: “I understand why you did that… My angel” (Tôi hiểu tại sao bạn lại làm như vậy. Thiên thần của tôi).
Trên hết là sự lắng nghe
Trao đổi với phóng viên, TS Trần Thị Hà An, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chobiết: “Bệnh trầm cảm có rất nhiều biểu hiện dễ nhận biết, nhưng những người xung quanh bệnh nhân thường không thừa nhận, thậm chí bác bỏ tâm sự của người bệnh. Bởi khi nhìn với con mắt của một người bình thường, các dấu hiệu của bệnh trầm cảm như chán chường, mệt mỏi kéo dài không nghiêm trọng. Họ không thể thấu hiểu được những gì mà bệnh nhân bị trầm cảm đang trải qua để có thể cảm thông và chia sẻ.
Ở mức độ trầm cảm nhẹ và vừa, người bệnh có thể cố kìm nén, che giấu đi cảm xúc thật của bản thân, tự giải quyết vấn đề xảy ra. Tuynhiên khi tình trạng nặng hơn với các triệu chứng buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, bi quan trong khi mọi người xung quanh không thể hiểu, bệnh nhân không thể vượt qua được chính mình thì họ sẽ tìm đến cái chết để giải thoát”.
Còn PGS.TS Trịnh Thị Linh, chuyên gia Tâm lý học nhận định: “Giới trẻ hiện nay thường rất nhạy cảm, mong manh trong tâm hồn và cách nghĩ nên khi có những rắc rối dù nhỏ nhất cũng dễ dàng suy sụp. Việc các em thường tìm đến cái chết sau khi gặp khó khăn hay sự thất vọng trong cuộc sống cho thấy rằng giới trẻ ở độ tuổi thanh xuân nhất thì cũng đang cô đơn nhất trên hành trình trưởng thành của mình”.
“Có rất nhiều cách để giải tỏa những áp lực trong cuộc sống nhưng cơ bản nhất vẫn cha mẹ, gia đình, nhà trường, xã hội giúp con trẻ trút bỏ lo lắng, cô đơn. Hiện trong cuộc sống hiện đại nhiều cha mẹ quên mất việc mình sẽ là chỗ dựa cho con, nhiều nhà trường quên đi sự sẻ chia, xoa dịu áp lực cho học trò. Điều quan trọng hơn hết để giới trẻ thoát khỏi tình trạng trầm cảm hoặc hành vi tự tử vẫn là sự lắng nghe, gần gũi, sẻ chia, đồng hành cùng con trẻ.
Cha mẹ nên tìm hiểu những vấn đề con mình gặp phải, cùng con tháo gỡ. Thay vì áp đặt con cái, cha mẹ nên đặt mình ở vị trí của các em thì mới có thể thấu hiểu tâm tư của con mình. Sâu xa hơn là để những đứa trẻ không còn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình” - PGS.TS Trịnh Thị Linh nói.