Tuổi trẻ luôn khát khao xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường
Khát khao cống hiến
- Năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, sự linh hoạt thích ứng, chuyển đổi phương thức hoạt động Đoàn đã và đang tạo hiệu ứng tốt trong giới trẻ và xã hội. Đồng chí chia sẻ với bạn đọc báo Tuổi trẻ Thủ đô về những kinh nghiệm, sự sáng tạo của các cấp bộ Đoàn trong năm qua?
Năm 2021, dịch bệnh tác động mạnh đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại… Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi không nằm ngoài tác động đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những thuận lợi để triển khai nhiệm vụ của mình.
Sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp mở ra giai đoạn mới trong phát triển đất nước với phương hướng hoạt động đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045. Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền các địa phương đều tin tưởng, trao cơ hội cho thanh niên được học tập, rèn luyện để trưởng thành trong sự phát triển chung của đất nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn (Ảnh: Bảo Anh) |
Sang năm thứ hai, chúng ta cũng không còn quá bỡ ngỡ, bất ngờ trước những khó khăn, tác động dịch bệnh mang lại. Bên cạnh đó, tinh thần “Tiên phong - Tương trợ - Thích ứng” được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đặt ra ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2021. Chính nhờ sự điều chỉnh, thích nghi trên cơ sở rút kinh nghiệm từ năm 2020, chúng ta đã xây dựng được chương trình công tác, xác lập các tuyến công việc, lựa chọn phương thức tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện dịch bệnh.
Đặc biệt, chính sự thích ứng sáng tạo của tổ chức Đoàn - Hội - Đội các cấp tạo ra sản phẩm đóng góp rất tích cực, có giá trị vào công cuộc phòng chống dịch COVID-19 như: “Triệu túi an sinh”, “Triệu bữa cơm”, “Nối vòng tay yêu thương”, “Cùng em học trực tuyến”, “Phiên chợ nông sản”, “Tiếp sức ngày trở lại”, ATM gạo, ATM F0 (F0 khỏi bệnh tự nguyện ở lại chăm sóc người bệnh), ATM việc làm, ATM nhà trọ…
Trong năm 2021, chúng ta cũng thấy được nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn và các tổ chức thanh niên tiếp tục được đổi mới một cách mạnh mẽ theo các hướng: Bám sát hơn nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh ở từng cơ quan, đơn bị. Điều này thể hiện sự nhạy bén, linh hoạt, tinh thần dấn thân, khát khao mong muốn làm chủ trong các công việc của thanh niên.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn (thứ ba từ trái sang) trò chuyện với cán bộ, đoàn viên, thanh niên (Ảnh: Đăng Hải) |
Chúng ta đừng tổ chức ra một hoạt động, đưa thanh niên đến đó ngồi mà phải để các bạn làm chủ các công việc. Tại sao hoạt động tình nguyện lại thu hút thanh niên như vậy, bởi ở đó các bạn được làm chủ. Các bạn được đến khảo sát, tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân nên cảm thấy có ích, mang lại giá trị cho cộng đồng. Đây là minh chứng cho sự đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của Đoàn.
Một chuyển hướng tích cực tiếp theo chính là số hóa trong quản lý tổ chức, triển khai hoạt động của Đoàn cũng như thanh niên. Chuyển đổi số đã kết nối, tạo sức mạnh cộng đồng to lớn. Nếu như trong những tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không có chuyển đổi số thì khó kết nối, tập hợp tình nguyện viên cho từng phần việc. Chuyển đổi số tạo sự liên kết, sức mạnh to lớn để cùng cộng đồng trách nhiệm trong phòng chống, thích ứng với dịch bệnh.
Xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh
- Năm 2022 sẽ diễn ra Đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc nhiệm kỳ 2022 - 2027, xin đồng chí cho biết phương hướng, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022? Khâu đột phá nào sẽ đặc biệt được chú trọng thưa đồng chí?
- Chúng ta phải coi Đại hội là dịp để nhìn lại quá trình chuyển động với những điều được và chưa được trong suốt 5 năm vừa qua. Cùng với sự đúc kết 90 năm lịch sử của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để tìm và xác định phương hướng cho giai đoạn mới trên cơ sở tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII Đảng đã xác định.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trao quà đến người dân hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: Đăng Hải) |
Tôi rất vui mừng khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận 21 về: Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó, có nội dung quan trọng không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà cả hệ thống chính trị. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một thành tố rất quan trọng trong hệ thống chính trị.
Vì thế, chủ đề công tác năm 2022 được xác định là “Xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh”.
Chủ đề này được xác định với 3 lý do: Đảng luôn coi xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh là xây dựng Đảng trước một bước. Để thực hiện tốt Kết luận 21, chúng ta phải có kế hoạch rất cụ thể nhưng cũng là cơ hội để củng cố xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, gắn với Đại hội Đoàn các cấp và toàn quốc
Qua tổng kết lịch sử 90 năm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và năm 2020, 2021 khi chúng ta chịu tác động của dịch bệnh và các yếu tố khác, nhất là nghiên cứu lại tình hình thanh niên hiện nay, có thể nhận thấy tổ chức và hoạt động của Đoàn cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu tình hình mới và mong muốn, nguyện vọng của thanh niên hiện nay.
Đây là một trong những nhiệm vụ vừa là nền móng vừa là đột phá của năm 2022 và các năm tiếp theo. Chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất để xây dựng một đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của Đoàn và các tổ chức thanh niên nhằm tạo một bước chuyển mới trong đổi mới nội dung, phương thức của Đoàn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trao quà động viên lái xe đường dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (Ảnh: Bảo Anh) |
Bên cạnh đó, Đại hội Đoàn là dịp để tổ chức lại bộ máy, cán bộ, bởi “cán bộ là cái gốc của phong trào”. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tốt cho từng vị trí thông qua đại hội là nhiệm vụ rất quan trọng để đảm bảo các chỉ tiêu được thực hiện thắng lợi.
Tôi cũng kỳ vọng năm 2022 các bạn thanh niên hãy đặt cái tôi, cái cá nhân của mình trong tổng thể dòng chảy chung của đất nước, dân tộc. Chỉ khi đó các bạn mới có sức mạnh cộng sinh để cùng những thanh niên khác tạo thành dòng chảy to lớn, mạnh mẽ, có nhiều năng lượng và xa hơn. Chỉ khi cái tôi đậm đặc trong dòng chảy chung mới ý nghĩa, mang lại giá trị mới đóng góp cho phát triển đất nước. Đoàn và các tổ chức thanh niên sẽ tạo môi trường cho cái tôi của các bạn, cho khát vọng cá nhân được đặt trong dòng chảy chung đó.
- Đồng chí kỳ vọng như thế nào về thế hệ Gen Z trong thời đại mới?
- Thế hẹ Gen Z có 3 đặc điểm lớn: Giỏi, năng động, luôn muốn khẳng định cái tôi và tính cách được định hình nhiều từ mạng internet.
Các bạn có kiến thức tương đối toàn diện trên các lĩnh vực ngoại ngữ, tin học… và rất năng động. Các bạn luôn mong muốn thể hiện cái tôi của mình mọi lúc, mọi nơi thậm chí trong gia đình, lớp học hoặc trên cộng đồng mạng xã hội. Hiểu biết của các bạn, thông tin các bạn tiếp nhận được, từ đó hình thành nhận thức của các bạn, tôi có cảm giác trên 50% từ nguồn internet.
Vì thế có hai vấn đề phải giải quyết. Chúng ta phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, coi đây là không gian của Đoàn để tham gia, đồng hành, chơi cùng các bạn Gen Z rồi mới tập hợp họ. Chúng ta không được đối đầu mà phải biết tận dụng lợi thế của mạng xã hội, internet.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn tạo không gian, môi trường, sân chơi cho các bạn Gen Z được khẳng định cái tôi của mình. Nói cách khác là chúng ta phải cá nhân hóa khi tổ chức các hoạt động của Đoàn, đưa thanh niên trở thành một phần chủ thể, vừa thụ hưởng nhưng cũng vừa thiết kế, tổ chức các chương trình đó.
Tôi lấy ví dụ, điển hình Đại hội Tài năng trẻ 2019, chúng ta làm khác hoàn toàn những năm trước đây. Từ diễn thuyết đến làm MC đều do các bạn đảm nhận… nên hào hứng hẳn. Việc cá nhân hóa trong thiết kế phong trào có rất nhiều lợi ích, thanh niên lớn lên, trưởng thành hơn. Thông qua hoạt động đó, họ có nhận thức đúng hơn, tốt hơn về bản thân. Nếu làm tốt, các bạn ấy sẽ trở thành những giọt nước trong dòng sông vĩ đại của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Có người lo sợ rằng, thế hệ này không còn yêu nước, thậm chí xa rời chế độ. Tôi không tin điều đó bởi vì ở mỗi lứa tuổi, thời điểm có biểu hiện khác nhau. Tôi tin trong mỗi con người Việt Nam nói chung nhất là những người trẻ luôn có lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Chính khao khát khẳng định cái tôi thông qua việc học văn hóa thật giỏi, khẳng định mình trong các môn văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao chính là đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, chúng ta phải làm sao định hướng cái tôi đó đúng hướng, có vai trò của Đoàn.
Phải làm sao để cái tôi của thế hệ Gen Z được phát huy đúng lúc, đúng chỗ, hướng đến cái đích tốt đẹp; Đặc biệt là đúng dòng chảy chủ đạo mà đất nước, dân tộc Việt Nam hướng đến. Khi đó, cái tôi cá nhân được phát huy mạnh mẽ nhất, trở thành những giọt nước đậm đặc trong dòng chảy vươn ra biển lớn của dân tộc.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!