Tuyển dụng “ma” đang bủa vây sinh viên năm thứ nhất
![]() |
Nhiều chiêu thức tuyển dụng "ma" bủa vây sinh viên năm thứ nhất
Bài liên quan
Nestlé Việt Nam tái định vị Thương hiệu Nhà tuyển dụng để thu hút tài năng trẻ
Bỏ xếp loại trên bằng đại học: Bằng cấp và kiến thức - cái nào quan trọng hơn?
Chiêu cũ, nạn nhân mới
Chỉ cần lên Google tìm kiếm: “Việc làm sinh viên”, “Việc làm thêm tại nhà”, “Việc làm part-time”... chúng ta có thể thấy vô vàn kết quả với những lời chào mới hấp dẫn như: “Cần tuyển gấp nhân viên bán vé máy bay 500 nghìn/ ca”, “Cần tuyển nhân viên phục vụ bàn, bao ăn, 1 triệu/ngày” hay “Việc làm thêm tại nhà, chủ động về thời gian, không yêu cầu kinh nghiệm 4 triệu/tháng”…
Tất cả những lời mời chào tuyển dụng trên đều là những thông tin ảo, được thêm thắt nhằm lôi kéo người tìm việc. Vì tò mò, vì cần tiền và do thiếu hiểu biết nên không ít sinh viên đã tin vào những lời quảng cáo tuyển dụng việc làm với hy vọng có thể tìm được một công việc nhàn hạ, lương cao.
![]() |
Tuyển dụng lương cao được quảng cáo trên nhiều diễn đàn |
Không chỉ đăng tin trên mạng, tại các cổng trường đại học, cao đẳng, bến chờ xe buýt… cũng nhan nhản tờ rơi, quảng cáo với nội dung cần tuyển gấp nhân sự.Đánh đúng tâm lý sinh viên, những nhà tuyển dụng luôn đưa ra những mánh khóe nhằm tạo lòng tin đối với người tìm việc: “Ưu tiên sinh viên năm nhất, năm hai”, “không qua trung gian”, “trả lương ngay sau mỗi ca làm việc”… Trước những chiêu trò đó, không ítsinh viên năm nhất vừa rời xa vòng tay cha mẹ, còn bỡ ngỡ với cuộc sống tự lập đã dính bẫy của những nhà tuyển dụng “ma”.
Thực trạng trên vẫn đang diễn ra khá phổ biến ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điểm chung của các chiêu lừa đảo này là thu tiền đặt cọc trước từ 300 đến 500 nghìn đồng, rồi sau đó giao cho những công việc làm lại rất khó hoàn thành, khiến nhiều người không theo nổi phải bỏ cuộc, đành chấp nhận mất tiền cọc và công sức. Cũng có một số trung tâm sử dụng chiêu giới thiệu lòng vòng qua công ty khác nhận việc, rồi biến mất sau khi đã thu tiền đặt cọc trước đó.
Nguyễn Thu Trang, sinh viên năm nhất, Đại học Công đoàn, Hà Nội là một nạn nhân như thế. Tháng trước, để có thêm tiền đóng tiền nhà và học phí, Trang đã lên mạng tìm việc làm thêm. Thấy có công ty tuyển dụng nhân viên bán vé máy bay, ca làm việc đăng ký linh hoạt Trang nộp hồ sơ và được gọi đi phỏng vấn.
Đến buổi phỏng vấn, Trang được nghe về mức lương “trong mơ”, sau đó, cô được yêu cầu đóng 100 nghìn tiền làm hồ sơ và 500 nghìn đồng tiền đồng phục với lời hứa ngày mai đi làm luôn. Làm được 1 tuần thì Trang bị cho thôi việc với lý do không đạt yêu cầu.
“Khi đi làm công ty đưa cho em một tập danh sách các chuyến bay từ Việt Nam đi các nước và ngược lại bao gồm: thời gian bay, tên hãng hàng không, số hiệu máy bay, giá vé rồi bắt học thuộc. Trong một tuần đó, công việc của em chỉ là đến công ty và ngồi học thuộc danh sách này để đợi kiểm tra.
Hai lần kiểm tra, em đều bị đánh giá là không đạt yêu cầu. Người phụ trách nhân sự nói "hôm sau không cần đến công ty nữa, ở nhà học đến khi nào thuộc thì lên công ty kiểm tra lại". Đến đây, em biết mình bị lừa nhưng do yếu thế, có đòi lại tiền đã đóng cũng không được nên đành ngậm ngùi nghỉ việc, bỏ lại 600 nghìn “biếu” công ty lừa đảo", Trang kể.
Cùng hoàn cảnh như Trang, Lê Mạnh Hà, sinh viên năm nhất, Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: “Em mong muốn ứng dụng kiến thức học được trên trường vào việc đi dạy gia sư. Thông qua trung tâm môi giới, em phải đóng 500 nghìn đồng “phí giữ lớp” nhưng nộp tiền xong chờ mãi vẫn không thấy trung tâm liên hệ lại để nhận lớp. Khi em đến trực tiếp trung tâm thì thấy trung tâm đóng cửa; tìm kiếm lại thông tin trung tâm trên mạng thì thấy đã chuyển tới một địa điểm mới và vẫn đang đăng tin tuyển gia sự dạy thêm các lớp từ cấp 1 đến cấp 3".
![]() |
Sinh viên cẩn thận với "bẫy" tuyển dụng |
Tỉnh táo trước “bẫy” việc nhẹ lương cao
Trước thực trang lừa đảo tuyển dụng, chị Đặng Thu Huyền, chuyên viên nhân sự cao cấp chia sẻ: “Mục đích đi làm thêm để có thêm kinh nghiệm thực tế của các bạn sinh viên là đáng hoan nghênh, nhưng các bạn sinh viên cũng nên cảnh giác với những lời hứa hẹn ngọt ngào từ các công ty tuyển dụng như: công việc nhẹ nhàng, chế độ hấp dẫn, không cần bằng cấp, kinh nghiệm…”.
Cũng theo chị Huyền, khi tuyển dụng nhân sự các công ty sẽ không thu bất kỳ một khoản phí nào cả, khi được nhận vào làm các công ty sẽ ký hợp đồng lao động với nhân viên, kể cả hợp đồng thử việc với thời gian làm việc, chế độ lương thưởng rõ ràng.
Phần đông sinh viên khi phát hiện mình bị lừa đều cho qua chuyện, rất ít người làm đơn tố giác hay khiếu nại với cơ quan chức năng bởi số tiền bị lừa không quá lớn. Tuy nhiên, đây cũng chính là điều kiện để những công ty lừa đảo này tiếp tục hoạt động và đi lừa những bạn sinh viên “ngây thơ” khác. Không chỉ mất tiền, công sức, mà thông tin cá nhân của các bạn sinh viên còn bị đem bán cho các loại dịch vụ khác, chị Huyền chia sẻ thêm.
Theo chị Huyền, để tránh bị lừa khi tìm việc làm, các bạn sinh viên nên tìm đến những nơi có uy tín, có địa chỉ công ty, trang web rõ ràng. Khi nộp bất cứ khoản tiền nào cần yêu cầu phải có hóa đơn và đóng dấu để có thể giải quyết các tranh chấp phát sinh sau này. Các sinh viên mới lên Hà Nội học tập nên học hỏi kinh nghiệm tìm việc làm thêm của các anh chị khóa trước, tìm việc làm qua giới thiệu của người thân, bạn bè hoặc tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm của Sở Lao động – Thương binh & Xã hội hoặc Đoàn Thanh niên để tránh mắc phải những cái bẫy giăng sẵn từ những nhà tuyển dụng “ma”.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nhiều học sinh "nhờn luật", “bình thường hóa” việc không đội mũ bảo hiểm

Nơi gặp gỡ giữa nhà đầu tư mạo hiểm và startup

Giới trẻ Hà thành thích thú “đóng đô” ở quán cà phê

AI “soán ngôi": Sinh viên và cuộc đua kỹ năng để vượt sóng

Bình Dương chúc mừng đại biểu dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ

"Lăn xả" vào thực tế, sinh viên trưởng thành từ những trải nghiệm

Ra mắt MV “Hoa thơm dâng Bác” mừng Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ

Tháng 5 – mùa ký ức gọi tên

Lan tỏa tinh thần Trường Sa, ý chí DK1
