Tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số
Hệ luỵ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở vùng dân tộc thiểu số
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số nước ta.
Theo các chuyên gia y tế, việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh.
Ảnh minh họa |
Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Hôn nhân cận huyết còn gây ra những hậu quả nặng nề hơn do trẻ em sinh ra mắc những căn bệnh như dị tật, tan máu bẩm sinh…
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
Thực tế cho thấy, các tỉnh có tỷ lệ nghèo đói cao, đồng thời tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng gia tăng. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 107.847 người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và chiếm 1,3% dân số của Hà Nội.
Đồng bào cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện (Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất), với trên 55.000 người.
Trước tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân gây hậu quả nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống, từ năm 2021, Hà Nội đã lên Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn thành phố.
Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiếu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thành phố.
Trong đó, 100% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi vào năm 2025.
Mục tiêu giảm bình quân 3%/năm số cặp tảo hôn và không có số cặp kết hôn cận huyết thống trên các địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phạm vi thực hiện là các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thành phố Hà Nội thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức.
Đối tượng trọng tâm là đồng bào các dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ thôn, bản và các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản, cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn huyện, xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; học sinh các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, các cơ sở đào tạo nghề có đông học sinh dân tộc thiểu số tham gia học tập.
Đẩy mạnh công tác truyền truyền
Ngày 18/10, tại xã Phú Mãn, UBND huyện Quốc Oai tổ chức hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Huyện Quốc Oai có 21 thành phần dân tộc thiểu số với 7.143 người, chiếm 3,71% dân số trên toàn huyện, chủ yếu sống tập trung thành cộng đồng tại 12 thôn thuộc 2 xã miền núi Phú Mãn, Đông Xuân.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, giảng viên chính, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Học viện Dân tộc đã truyền đạt nội dung các quy định của pháp luật về hậu quả, tác hại và những hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra…
TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết- Giảng viên chính, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Học viện Dân tộc đã truyền đạt các nội dung tại hội nghị tuyên truyền |
Đồng thời, các báo cáo viên đưa ra giải pháp để giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thanh, thiếu niên có lối sống lành mạnh để tránh kết hôn sớm trong đồng bào dân tộc thiểu số; Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, người uy tín, trưởng dòng họ trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe báo cáo viên phổ biến về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và các vấn đề về giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua hội nghị tuyên truyền nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; Tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần đẩy lùi tình trạng này trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quốc Oai thời gian tới.