Tuyệt chiêu “ve sầu thoát xác” giúp ông giám đốc mở hết công ty này đến công ty khác
![]() |
Huy động vốn xong rồi giải thể
Năm 2013, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP. HCM phát thông tin truy tìm đối tượng Vũ Đức Tĩnh về hành vi lừa đảo. Nội dung truy tìm ông Tĩnh được thông báo rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Thông báo nêu rõ: “Ông Vũ Đức Tĩnh làm Tổng giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Bắc Trung Nam có địa chỉ tại quận 12, TP. HCM. Từ ngày 20/4/2012 tới ngày 26/4/2012, ông Tĩnh quảng cáo trên internet về việc kinh doanh mua bán thẻ điện thoại với giá rẻ. Sau đó, ông Tĩnh nhận 1.241.148.000đ của 31 khách hàng đặt cọc để mua card và hẹn 2 đến 5 ngày sau sẽ giao cho khách hàng. Tuy nhiên, tới ngày hẹn nhận thẻ thì ông Tĩnh nói chưa có và hẹn khách hàng nhiều lần nhưng ông Tĩnh không giao cho khách hàng. Thấy vậy, khách hàng yêu cầu ông Tĩnh trả lại tiền thì ông Tĩnh viết giấy cam kết trả lại tiền vào ngày 1/6/2012. Đúng hẹn, khách hàng đến lấy tiền thì ông Tĩnh đóng cửa công ty và bỏ trốn”.
Sau khi bị công an truy tìm, ông Tĩnh tìm gặp và tự thỏa thuận với nạn nhân bị lừa nên hai bên tự giải quyết dân sự với nhau. Từ đó, cái tên Vũ Đức Tĩnh không còn nghe nhắc đến nữa. Năm 2015, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Thái Tuấn (Thái Tuấn) bắt đầu mở rộng quy mô và cái tên Vũ Đức Tĩnh được “hồi sinh”. Vẫn trong vai trò tổng giám đốc công ty này, ông Tĩnh được tung hô như một người thành đạt sở hữu một doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, giàu lòng nhân ái, vì cộng đồng.
Thái Tuấn kinh doanh đa cấp dưới các hình thức như bất động sản, tiền ảo, khoáng sản. Kỳ lạ hơn là hình thức huy động vốn để mở… quán nhậu. Với những chiêu bài “nổ vang trời” về sự thành công của công ty, những chi nhánh của Thái Tuần ở nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam liên tục được mở ra. Công ty Thái Tuấn chủ yếu huy động vốn đầu tư từ người dân với những lời hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn. Khi những người nông dân hiền lành “mắc bẫy”, tin tưởng vào lợi nhuận ảo mà công ty này mang lại, vay mượn tiền bạc để đầu tư vào thì Thái Tuấn tuyên bố giải thể, xù tiền. Những công ty khác lại ra đời với “bình mới, rượu cũ” để tiếp tục huy động vốn.
Những nạn nhân của Thái Tuấn sau khi “bừng tỉnh” đã gửi đơn tố cáo khắp nơi. Đó là trường hợp của anh Trần Văn Quý mà Báo TT&ĐS đã phản ánh ở bài viết trước và còn rất nhiều cô Ba, chú Bảy… cũng dại dột gom góp tiền bạc, vay mượn khắp nơi để đầu tư vào công ty này để rồi mất trắng hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng.
Thời gian Công ty Thái Tuấn hoạt động mạnh trên khắp nhiều tỉnh thành cả nước, nhiều cơ quan báo chí cũng vào cuộc phanh phui mánh lới làm ăn của công ty này. Những phóng viên, nhà báo thực hiện những bài viết cũng từng bị đe dọa đến sự an toàn của bản thân và gia đình. Cho đến vụ việc vừa qua, khi Trung tâm Truyền hình Việt Nam (VTV) tại TP. HCM nhận được công văn đe dọa truy sát giám đốc và nhóm phóng viên VTV9 của ông Võ Đức Tĩnh trong cương vị Tổng giám đốc của Công ty Smartland thì sự việc lại một lần nữa bùng nổ. Theo tìm hiểu của PV, hiện Công an TP. HCM và Công an tỉnh An Giang đã vào cuộc tìm hiểu vụ việc liên quan đến việc lãnh đạo và phóng viên của VTV bị đe dọa truy sát.
![]() |
Văn bản của VTV9 “kêu cứu”. |
“Tôi hiểu rồi, tiền không dễ kiếm như thế”
Những nhà đầu tư vào Công ty Thái Tuấn đa phần là những nông dân nghèo, ít nắm rõ thông tin. Như trường hợp của ông N.V.K. (ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), vốn sống bằng nghề làm thuê làm mướn qua ngày. Năm 2015, thấy người quen rủ đầu tư vào Công ty Thái Tuấn sẽ có nhiều lợi nhuận, ông K. bấm bụng vay mượn gần 100 triệu đồng để đầu tư. Vài tháng đầu, ông được trả lãi đầy đủ, nhưng rồi công ty bất ngờ “im re” trốn tránh và không gửi tiền lãi nữa. “Tôi đi làm thuê làm mướn đã khổ rồi, dính vụ này nữa vợ con buồn hết biết. Tôi muốn tự tử chết quách cho rồi”, ông K. bức xúc nói.
Còn bà P.T.C. (sống gần nhà ông K.) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ban đầu bà C. thử đầu tư 5 triệu đồng vào Công ty Thái Tuấn. Thấy “ngon ăn”, bà C. gom góp tiền dành dụm dưỡng già được hơn 100 triệu, quyết định đầu tư hết. “Giờ thì tôi mất hết rồi”, bà C. xót xa nói.
![]() |
Văn bản cảnh báo truy sát do Vũ Đức Tĩnh ký |
Theo tìm hiểu của nhóm PV ĐBSCL, với chiêu thức kêu gọi người dân đầu tư để nhận lãi suất khủng, Thái Tuấn đã chiêu dụ hàng trăm nhà đầu tư với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Khi công ty ngưng trả lãi với lý do làm ăn khó khăn, những nhà đầu tư nông dân hoang mang tìm gặp thì lãnh đạo công ty tránh mặt hoặc nhân viên công ty sẽ hướng dẫn họ chuyển sang đầu tư vào tiền ảo. Nhưng cũng chỉ được vài tháng ngắn ngủi, khi có nhà đầu tư tham gia vào thì công ty lại ngưng toàn bộ hoạt động.
Bằng cách ngưng trả lãi cho nhà đầu tư cũ, công ty này thay tên đổi họ để tiếp tục tìm kiếm những nhà đầu tư mới. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, công ty này đã thành lập hàng chục công ty khác nhau trên nhiều tỉnh thành và tiếp tục hoạt động. Thực chất, những chiêu thức huy động vốn từ người dân như Công ty Thái Tuấn không phải mới. Báo TT&ĐS từng có loạt bài phản ánh hoạt động của Công ty Ước Mơ Việt, Công ty Bất động sản Cao Thắng có trụ sở ở TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. 2 công ty này thực chất do 1 người làm chủ và cũng dùng đủ mọi chiêu thức để kêu gọi người dân nhẹ dạ, ham lãi suất cao đầu tư vào.
Nạn nhân của những công ty này đến khi biết tiền của mình mất trắng thì mới bừng tỉnh và hiểu rõ bản chất của việc gọi là huy động vốn. “Họ kêu gọi mình đầu tư vào những dự án khủng với lãi suất trên trời. Mình nhẹ dạ là tin ngay. Kẹt một cái là hợp đồng ký kết đầu tư thì công ty thường buộc nhà đầu tư phải tuân theo chính sách, quy định của công ty. Lúc mình mới đầu tư thì chính sách tốt, vài tháng sau thì bỏ chính sách đó, ra quy định mới, mình phải thực hiện theo. Như vậy mình đâu có thoát được. Rồi họ trốn, mình biết tìm đâu, biết kêu ai. Mất tiền, tôi mới hiểu ra là tiền đâu kiếm dễ vậy”, một nạn nhân chia sẻ.
Anh Nguyễn Hoàng Minh (một độc giả của TT&ĐS) cho rằng, việc các công ty kinh doanh theo hình thức đa cấp, huy động vốn như trên có thể hoạt động dễ dàng là do nhiều yếu tố. Trong đó, có việc quản lý, giám sát chưa hiệu quả của cơ quan chức năng. “Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được việc người dân thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin trước những chiêu trò của công ty này. Họ biết đánh mạnh vào lòng tham của con người. Đối tượng mà những công ty này nhắm đến thường là sinh viên, người lao động, nông dân ở những vùng quê. Hơn nữa, cách hoạt động của họ cũng vô cùng tinh vi, các hợp đồng giao dịch thường bất lợi cho bên đầu tư, nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra được”, anh Minh nói.
Hiện nay, với việc trước nguy cơ mất trắng hàng tỷ đồng vì trót đầu tư vào Công ty Thái Tuấn, nhiều nhà đầu tư ở An Giang và nhiều nơi đã làm đơn tố cáo ông Vũ Đức Tĩnh đến Bộ Công an và mong muốn ngành chức năng phá được “ổ” đa cấp đang vươn vòi này.
Bài liên quan
Những nhà đầu tư nông dân mất trắng hàng tỷ đồng như thế nào?
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Trang bị hệ thống PCCC tự động bảo vệ phố cổ Hội An

Kỳ Sơn (Nghệ An): 22 năm tù dành cho các đối tượng “Mua bán trẻ em”

Triệt phá loạt vụ buôn lậu thuốc lá quy mô lớn

Ngăn ngừa hiểm họa cháy, nổ tại các khu dân cư

Thủ tướng yêu cầu tạo điều kiện giúp sớm ổn định cuộc sống cho gia đình người bị nạn

Văn Lâm (Hưng Yên): 7 người thương vong trong vụ cháy xưởng tái chế phế thải

Nghệ An: Tạm giữ 4 đối tượng trú tại huyện Đô Lương gây rối trật tự công cộng

Đối tượng trú tại Thanh Chương (Nghệ An) vận chuyển 14.000 viên hồng phiến, 2kg ma túy đá, 100g ketamine

Cảnh sát xác định tài xế taxi còn chiếm đoạt tiền của người khác
