Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch
Phát hiện, xử phạt nhiều vi phạm
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trong đợt dịch thứ tư này (tính từ ngày 29/4 đến sáng 28/12/2021), toàn thành phố đã có 21.731 ca dương tính, trong đó có 12.331 ca đã khỏi bệnh. Trong số các ca bệnh đang điều trị có trên 200 bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tầng điều trị.
Đáng lo ngại, những ngày gần đây, số ca mắc mới liên tục tăng nhanh. Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 26/12, thành phố ghi nhận 1.887 ca mắc mới với 794 ca cộng đồng. Ngày 27/12, ghi nhận 1.948 ca mắc mới, trong đó có 658 ca ngoài cộng đồng.
Đặc biệt, các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thành phố. Hiện nay Hà Nội có 8 quận và 67 xã, phường ở cấp độ 3 (màu cam) - nguy cơ cao. Khó lường, nhất là trong bối cảnh hiện nay trên thế giới đã xuất hiện thêm biến chủng Omicron, lây lan nhanh hơn chủng Delta. Hà Nội cũng đã ghi nhận một trường hợp nhiễm biến thể Omicron và cũng là trường hợp đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, ngày 28/12, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn hỏa tốc số 4697/ UBND-KGVX về việc triển khai áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.
Vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch của một bộ phận không nhỏ người dân khiến cho tình hình dịch bệnh thêm phức tạp |
Trước đó, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các quận trên địa bàn thành phố Hà Nội như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm dừng bán hàng tại chỗ, chỉ bán hàng ăn uống mang về.
Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện dừng nhiều hoạt động không thiết yếu như văn hóa, thể thao, giải trí ở khu vực cấp độ 3. Đội ngũ y tế cũng đang nỗ lực hết mình, làm việc bất kể ngày đêm nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, hỗ trợ, chăm sóc kịp thời những người mắc COVID-19.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực từ phía chính quyền và các lực lượng chức năng, nhiều người dân trong thành phố có biểu hiện chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch, như: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, không thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, vẫn tụ tập đông người để vui chơi, ăn nhậu… hay một số người dân sống ở vùng đang ở cấp độ 3 về dịch COVID-19 (bị cấm ăn uống tại quán) di chuyển sang vùng cấp độ 2, cấp độ 1 để ăn uống…
Thống kê của lực lượng chức năng cho thấy, chỉ trong một tuần trở lại đây, thành phố đã xử phạt 96 vụ vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh, với số tiền hơn 200 triệu đồng. Ðây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi các hành vi vi phạm diễn ra ở nhiều nơi song chưa bị phát hiện và xử lý kịp thời.
Bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, một nhóm thanh niên vẫn vô tư ngồi túm tụm, cười nói rôm rả tại một quán trà đá vỉa hè thuộc địa bàn phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) |
Nguyên nhân dẫn đến sự lơ là trên một phần là do người dân chủ quan khi thấy hầu hết người dân thành phố (trên 18 tuổi) đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, người đã tiêm hai mũi vắc xin vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm đủ hai mũi vắc xin là giúp bản thân người đã tiêm nếu không may nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít bị nặng, khả năng tử vong thấp. Do đó, những người đã tiêm hai mũi vắc xin vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân
Mặc dù theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn trong tầm kiểm soát nhưng khả năng lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh rất cao, khi một bộ phận người dân còn có sự chủ quan, lơ là, thậm chí thiếu ý thức trong phòng, chống dịch, người dân không thực hiện đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Để công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả, trong môi trường thích ứng, sống chung an toàn với COVID-19, các quận, huyện, cần chủ động các phương án, kịch bản chống dịch có thể xảy ra với phương châm "4 tại chỗ". Các quận, huyện rà soát các nguồn bệnh, mầm bệnh, khoanh vùng, truy vết, cách ly thần tốc, không để bùng phát, lây lan và hạn chế thấp nhất tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là khuyến cáo 5K.
Để công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác |
Không chỉ trông chờ vào các giải pháp từ phía chính quyền và cơ quan chức năng mà cần thiết và quyết định nhất vẫn là ý thức, hành động từ phía người dân. Ý thức của người dân là vô cùng quan trọng. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc thực hiện "5K" đã, đang và sẽ là biện pháp cần phải duy trì để bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch. Việc tuân thủ các khuyến cáo "5K" trong phòng, chống dịch của người dân sẽ vừa bảo vệ bản thân, gia đình, vừa bảo vệ cộng đồng. Đây chính là biện pháp hiệu quả giúp ngăn chặn con đường lây lan của virus, hạn chế được rất lớn sự phát tán mầm bệnh nơi công cộng.
Do đó, tự mỗi người dân, mỗi gia đình cần phải ý thức sâu sắc nguy cơ tái bùng phát dịch và sự nguy hiểm chết người từ dịch COVID-19. Tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ” trong phòng, chống dịch phải được quán triệt, thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Mỗi đơn vị, địa phương cần thức tỉnh, nhắc nhở để người dân ý thức rõ và đồng thuận hành động, giảm bớt những cuộc hẹn, hạn chế đến các tụ điểm ăn nhậu, không tụ tập đông người, tiết chế những nhu cầu cá nhân... để góp sức vào nhiệm vụ phòng, chống dịch trong trạng thái chung sống an toàn với COVID-19.