Dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả trong mùa dịch
Hướng dẫn gười dân sử dụng dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia |
Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp đến người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, cải cách hành chính toàn diện. Đặc biệt trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dịch vụ công trực tuyến đã thể hiện rõ tính ưu việt của mình.
Để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ đã thực hiện chuyển đổi mạnh phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công như: Tăng cường làm việc gửi - nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia; chuyển dần từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử thông qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp bộ cấp tỉnh phát huy hiệu quả.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số.
Do đó có thể thấy, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng Dịch vụ công Quốc gia là “kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính. Việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione chia sẻ: Chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, khiến quá trình phát triển kinh tế và xã hội trên toàn cầu cũng như Việt Nam bị gián đoạn nghiêm trọng. Để ứng phó và đẩy lùi đại dịch, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính phủ và khu vực tư nhân.
Việt Nam đã phòng chống đại dịch Covid-19 quyết liệt và hiệu quả. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch đã được công nhận và ngợi ca trên toàn cầu. Nhưng bài học kinh nghiệm nổi bật nhất có lẽ là yêu cầu chuyển đổi kỹ thuật số và đáp ứng nhanh các nhu cầu dịch vụ công trực tuyến đặt ra đối với các chính phủ.
Theo đại diện WB, giá trị của Cổng dịch vụ công quốc gia và việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vừa rồi. Với các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan nhà nước có thể truy cập và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu bằng phương thức trực tuyến, để bảo vệ người dân, doanh nghiệp và cán bộ cơ quan nhà nước.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian “cả xã hội cách ly”, UBND tỉnh này yêu cầu các sở, ngành hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nộp trực tuyến qua mạng, nộp và nhận kết quả qua đường bưu điện, không nhận hồ sơ trực tiếp. Với các thủ tục hành chính đã được công bố, hệ thống cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và được nộp hồ sơ, nhận kết quả qua đường bưu điện thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở.
UBND TP Hà Nội và TP HCM cũng đã chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận huyện tăng cường truyền thông để hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), Cổng dịch vụ công của 2 thành phố và trang dịch vụ công trực tuyến của các sở, ngành, UBND các quận huyện. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát, công khai thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cũng cho biết, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, VietnamPost và các bưu điện tỉnh đều xác định việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính là một nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Các bưu điện tỉnh bố trí đầy đủ các điểm tiếp nhận, nguồn nhân lực cũng như các phương tiện cần thiết để đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh nhanh chóng, an toàn. Khi Covid-19 xảy ra, VietnamPost đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành gây nhiều hệ lụy, việc vận hành cổng dịch vụ công quốc gia một lần nữa cho thấy tính ưu việt của giao dịch trực tuyến.“Cổng dịch vụ công mang lại lợi ích rất lớn, giúp chúng ta tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp về thời gian, tiền bạc”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, thời gian qua, các nền tảng Chính phủ điện tử được phát triển nhanh. Số lượng các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh được xây dựng tăng đột biến, trong 6 tháng qua, tỷ lệ bộ, tỉnh có nền tảng này tăng hơn 3 lần (tháng 2/2020 mới chỉ có 25 bộ, tỉnh có nền tảng tương ứng 27% nhưng đến tháng 7 đã có 76 bộ, tỉnh có nền tảng, tương ứng 82,6%). Đến cuối tháng 8/2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp khoảng 15,9%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước đi vào nền nếp, với tỷ lệ đạt khoảng 88,5% (sát với mục tiêu năm 2020 đạt 90% nêu trong Nghị quyết 17).
Triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Không chỉ được thực hiện mạnh mẽ trong mùa dịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc ngay cả sau khi dịch bệnh lắng xuống cần được tiếp tục đẩy mạnh.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |